Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cuộc sống mới ở thôn Bác Hồ

T.Nhân-H.Trường - 4 giờ trước

Thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) còn có tên gọi trang trọng khác là thôn Bác Hồ. Trong kháng chiến, thôn A Xây là căn cứ cách mạng, người dân một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Trong thời bình, người dân đoàn kết vượt qua khó khăn, học hỏi tiếp cận cách làm kinh tế mới để cùng nhau xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Thôn A Xây nhìn từ trên cao
Thôn Bác Hồ nhìn từ trên cao

Kiên cường trong kháng chiến

Để tìm hiểu về tên gọi thôn Bác Hồ, chúng tôi tìm đọc cuốn sách Lịch sử cách mạng xã Khánh Nam. Tại trang 67 của cuốn sách ghi rõ: “Năm 1971, thôn A Xây được Huyện ủy Khánh Vĩnh phong tặng danh hiệu thôn Bác Hồ”.

Là người am hiểu lịch sử địa phương và đang sinh sống tại thôn Bác Hồ, ông Cao Dáng (70 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Nam, Khánh Vĩnh cho biết: Từ xưa đến nay, từng người dân thôn A Xây đều dành cho Bác Hồ, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam lòng kính trọng và tình cảm sâu sắc. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lớp trẻ  thôn A Xây một lòng nghe theo Đảng, Bác Hồ đã tham gia đội du kích xã Khánh Nam để bảo vệ địa phương.

Thôn A Xây ngày càng giàu đẹp, người dân đều có nhà kiên cố
Thôn Bác Hồ ngày càng giàu đẹp, người dân đều có nhà kiên cố

Ông Cao Dáng kể: Trong cuộc kháng chiến, cao điểm những đợt càn quét của quân Mỹ tại vùng cách mạng A Xây là vào các năm 1969 -1970. Thời điểm này, quân Mỹ huy động nhiều máy bay trực thăng, cho một lượng lớn quân đổ bộ xuống các vùng quanh núi Hòn Dù. Vốn là những người con sinh ra từ rừng núi, người dân A Xây thấu hiểu địa bàn như nhà của mình. Họ cùng cán bộ cách mạng len lỏi qua từng cánh rừng sâu, men theo từng con suối để ẩn náu rồi bất ngờ tấn công địch bằng những trận đánh du kích chớp nhoáng bất ngờ.

Đặc biệt, mùa Xuân năm 1970, biết thôn A Xây nuôi giấu cán bộ cách mạng, địch điên cuồng tấn công, người dân A Xây phải đưa cán bộ cách mạng vào rừng. Nhiều người A Xây bị bắt, tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khai để bảo vệ nơi ở cán bộ cách mạng. Sau đó, địch dùng hỏa lực đánh phá Khánh Nam, nhưng đội du kích xã đã đứng trước ảnh Bác Hồ nguyện thề chiến đấu đến cùng để bảo vệ quê hương. Với sự dũng cảm, đội du kích Khánh Nam đã bắn rơi 7 máy bay địch, tiêu diệt 49 tên địch...

Ông Cao Dáng - Người tiên phong trồng bưởi da xanh ở thôn A Xây
Ông Cao Dáng - Người tiên phong trồng bưởi da xanh ở thôn Bác Hồ

Bà Cao Thị Miên, sinh năm 1932, ở thôn A Xây cũng là người tham gia hoạt động cách mạng chia sẻ: Đến giờ này tôi vẫn nhớ rất rõ những đêm thức trắng sống cùng với bom đạn. Ngày xưa, tôi cũng như những người trong làng, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia hoạt động cách mạng. Tôi làm công tác hậu cần, phục vụ cho các chú bộ đội khoảng 8 năm, nhiều khi cũng đối mặt với rất nhiều hiểm nguy nhưng chúng tôi không sợ, luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Công việc nấu ăn cho bộ đội ở ngoài tưởng đơn giản, nhưng không phải thế đâu, bởi nấu ăn trong đây phải thật sự bí mật, không cho khói bay lên nếu khói bay lên thì địch phát hiện nơi mình ở ngay”, bà Miên chia sẻ.

Đoàn kết xây dựng đời sống mới

Sau ngày giải phóng, giữa bộn bề khó khăn, người dân thôn Bác Hồ lại đồng lòng bước vào cuộc “cách mạng” mới đó là xóa đói, giảm nghèo. Theo lãnh đạo UBND xã Khánh Nam, thôn Bác Hồ hiện nay có gần 200 hộ dân, trên 90% là đồng bào DTTS. Trong đó, chủ yếu người Raglai, sau đó là Tày, Nùng... Người dân thôn Bác Hồ rất cần mẫn trong lao động, sản xuất, biến thung lũng hoang sơ, nghèo khó trước đây trở thành vùng cây trái, cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay.

Hiện nay, ngoài chăn nuôi trâu, bò, lợn, cây bưởi da xanh trở thành cây đặc sản của địa phương, đem lại nguồn thu cho người dân. Tỷ lệ học sinh đến trường đúng độ tuổi đã đạt 100%. Thanh niên trong thôn thường xuyên đến nhà truyền thống của làng để sinh hoạt, không vướng vào các tệ nạn xã hội.

Nhiều người dân ở thôn Bác Hồ đã trở nên khá giả nhờ trồng bưởi da xanh
Nhiều người dân ở thôn Bác Hồ đã trở nên khá giả nhờ trồng bưởi da xanh

Hòa nhịp cùng sự phát triển của đời sống xã hội, từng người dân thôn Bác Hồ xích lại gần nhau, động viên nhau cùng đoàn kết xây dựng đời sống mới. Đứng trước vườn bưởi da xanh bạt ngàn, đang kỳ thu hoạch, ông Cao Dáng tâm tình: Trước đây, chỉ biết lấy cây gỗ nhọn chọc xuống đất để gieo hạt bắp (ngô) rồi chờ đến ngày thu hoạch, hiệu quả kinh tế không cao. Sau nhiều đêm suy tư, tôi quyết chuyển sang trồng bưởi da xanh. Loại cây này phát triển mạnh, quả ra bốn mùa, thương lái đến tận vườn mua.

Rồi người làng cũng học theo ông Dáng trồng bưởi da xanh. Hiện nay, 80% người dân thôn Bác Hồ trồng bưởi da xanh, nhà trồng ít thì 2-3 sào, nhà nhiều thì 1-2ha. Là người có thâm niên trồng bưởi da xanh ở thôn A Xây, ông Hoàng Văn Thành thổ lộ: Nhà tôi trồng khoảng 1ha, mỗi năm trừ chi phí, lời hơn 100 triệu đồng. Niềm vui lớn nhất là bà con thôn Bác Hồ bây giờ ai cũng chí thú làm ăn, chăm chút cho cây đặc sản này. Trẻ em thì tỉa lá, thanh niên thì tưới nước, chăm sóc cho cây, người lớn thì liên kết với các thương lái cho họ đến tận nhà mua.

Trong nhà người dân A Xây, di ảnh Bác Hồ luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất
Trong nhà người dân thôn Bác Hồ, di ảnh Bác luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất

Nhớ những năm tháng cũ, ông Thành kể thêm, khi xưa trồng bắp và các loại cây khác cả năm quần quật đến chai sần đôi tay nhưng cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày bắt nhịp loại cây đặc sản này, tôi mua sắm được nhiều phương tiện đắt tiền phục vụ cho đời sống. Có thời điểm, bưởi da xanh vào mùa thu hoạch đầu thôn đến cuối thôn đều rôm rả câu chuyện trồng bưởi. Xuân 2025 này, gia đình nào cũng vui mừng vì bưởi da xanh được mùa.

Bà Lê Thị Thùy Châu, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Nam chia sẻ: Những chính sách của Đảng và Nhà nước từ các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đã giúp đời sống người dân ở thôn A Xây nói riêng và xã Khánh Nam nói chung ngày được nâng lên.

 "Với truyền thống cách mạng vun đắp qua nhiều thế hệ, người dân địa phương một lòng tin yêu Đảng, Bác Hồ là nền tảng vững chắc cho toàn Đảng bộ xã phấn đấu đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong thời gian tới", Bí thư Đảng ủy xã Lê Thị Thùy Châu khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh kể về 3 lần được gặp Bác Hồ

Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh kể về 3 lần được gặp Bác Hồ

Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh, tên thật là Yang Đêu, là người con dân tộc Ba Na (nhóm Ba Na Kriêm ), ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Người dân thường hay gọi ông với cái tên trìu mến là “Danh Ba Na”, bởi lẽ ông giống như một “kho tư liệu sống” về văn hoá Ba Na. Ông cũng là một số ít người con của đồng bào Ba Na có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ.