Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đổi thay ở vùng đất khó khăn Đại Dực

Mỹ Dung - 8 giờ trước

Giữa trập trùng núi rừng huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), đồng bào Sán Chỉ xã vùng cao Đại Dực đang viết nên câu chuyện mới cho vùng đất nghèo khó, với nhiều thay đổi ấn tượng từ nhận thức đến hành động. Đặc biệt là việc gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần cho sự phát triển bền vững tại vùng cao nơi đây.

Xã vùng cao Đại Dực (Tiên Yên) với diện mạo mới
Xã vùng cao Đại Dực (Tiên Yên) với diện mạo mới

Ẩn mình dưới chân dãy Thông Châu hùng vĩ, Đại Dực - nơi có 99% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yêu là người Sán Chỉ từng là một trong 2 xã khó khăn nhất của huyện Tiên Yên, cuộc sống người dân rất vất vả. Nhưng từ khi triển khai chương trình MTQG về Xóa đói giảm nghèo và Xây dựng nông thôn mới, Đại Dực đã dần thay da đổi thịt. Hiện nay, Đại Dực không còn hộ nghèo.

Đặc biệt, dù năm 2024, Đại Dực là địa bàn hứng chịu nhiều thiệt hại từ cơn bão Yagi nhưng với tinh thần đoàn kết, đồng bào nơi đây sớm kiến thiết lại cuộc sống sau thiên tai. Gia đình anh Voòng A Chậu ở thôn Khe Ngàn là một minh chứng sống động. Ngôi nhà cũ sập đổ, nhưng nhờ sự chung tay của cộng đồng và sự hỗ trợ từ Nhà nước, anh đã dựng lại ngôi nhà mới vững chãi. “Còn người là còn của. Chỉ cần còn sức khỏe, chúng tôi sẽ không từ bỏ hy vọng”, anh Chậu nói với ánh mắt đầy lạc quan và quyết tâm.

Đường vào các thôn, bản ở Đại Dực đều được bê tông
Đường vào các thôn, bản ở Đại Dực đều được bê tông

Trở lại Đại Dực đi trên những con đường bê tông láng sạch uốn lượn qua các thôn bản, nối dài đến những cánh rừng quế, rừng keo bạt ngàn khiến chúng tôi rất vui. Đặc biệt ở thôn Khe Lục - trung tâm của xã, bên cạnh trường học, trạm y tế và trụ sở công quyền hiện đại...rất nhiều những ngôi nhà kiên cố, khang trang của người dân.

Không chỉ thay đổi về cơ sở hạ tầng, tư duy của người dân cũng đã thay đổi mạnh mẽ. Trước đây, người dân sản xuất manh mún chỉ đủ sống qua ngày, thì nay người dân Đại Dực đã và đang hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn. 

Điển hình như mô hình chăn nuôi gà thương phẩm ở thôn Khe Mươi, do anh Tằng A Lộc tiên phong, đã thu hút hàng chục hộ gia đình tham gia. Từ vài trăm con gà ban đầu, giờ đây cả thôn đã nuôi hàng nghìn con mỗi đợt, đem lại nguồn thu nhập cho người dân, giúp họ thoát nghèo và xây dựng cuộc sống tốt hơn. 

Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao
Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao

Vui mừng trước sự thay đổi mạnh mẽ của quê hương, nhưng người dân cũng trăn trở bởi những giá trị văn hóa bản sắc ít nhiều đang dần phai nhạt. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan, người con quê hương của Đại Dực, không giấu được nỗi tiếc nuối khi chứng kiến những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Sán Chỉ, đang dần nhường chỗ cho những công trình bê tông hiện đại. “Nếu không bảo tồn, lớp trẻ sau này sẽ không còn biết đến hình ảnh ngôi nhà sàn của cha ông mình,” ông trăn trở.

Trên thực tế, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, chính quyền xã Đại Dực, bao năm qua cũng đã nỗ lực duy trì và phát huy những giá trị truyền thống. Điển hình là các lễ hội đặc sắc như “Mùa vàng miền Soóng cọ,” các câu lạc bộ hát soóng cọ, hay các nghi lễ Cầu mùa vẫn được duy trì tổ chức hàng năm. Đặc biệt, một số ngôi nhà cổ ở Đại Dực giờ đây không chỉ được bảo vệ, mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của nhiều du khách.

Giải đá bóng nữ là một trong những điểm đặc biệt khi nhắc đến Đại Dực
Giải đá bóng nữ là một trong những điểm đặc biệt khi nhắc đến Đại Dực

Đại Dực đang được kỳ vọng sẽ trở thành làng văn hóa, du lịch đặc sắc của người Sán Chỉ, một điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn tìm hiểu về đời sống và văn hóa của đồng bào miền cao với nhiều điểm đến hấp dẫn như thác Pạc Sủi, chợ phiên vùng cao Hà Lâu, trang trại sinh thái Family Ecozone, bãi tắm Lòng Vàng (Cái Mắt Lẻ)... Qua đó, không chỉ thay đổi tư duy của người dân về phát triển du lịch cộng đồng, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn xanh – sạch – đẹp, từng bước nâng tầm hình ảnh quê hương Đại Dực trên bản đồ du lịch địa phương.

Trao đổi về nội dung này, ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực nhấn mạnh: “Để bảo tồn các giá trị văn hóa, cũng như xây dựng và phát triển Đại Dực thành điểm du lịch vùng cao của huyện Tiên Yên, Đảng ủy cũng như chính quyền địa phương đã đưa vào xây dựng thành chương trình kế hoạch hàng năm để tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia các hoạt động phát triển du lịch như, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ hát Soóng Cọ; tổ chức các giải thi văn hóa văn nghệ, thể thao...; đặc biệt phối hợp để xây dựng cái đề án về phát triển du lịch cộng đồng của xã Đại Dực tầm nhìn 2030”.

Mùa vàng Soóng Cọ là một trong những lễ hội lớn của địa phương, thu hút đông đảo người dân và du khách
Mùa vàng Soóng Cọ là một trong những lễ hội lớn của địa phương, thu hút đông đảo người dân và du khách

Sự đổi thay ở xã Đại Dực, không chỉ thể hiện ý chí vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, mà còn là minh chứng sinh động cho sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và gìn giữ bản sắc. Trên hành trình bền vững ấy, Đại Dực đang từng bước trở thành điểm đến du lịch độc đáo, nơi du khách tìm thấy không chỉ cảnh sắc đại ngàn, mà còn là cả một kho tàng văn hóa của người Sán Chỉ đang được giữ gìn và lan tỏa.

Tin cùng chuyên mục
“Tôi luôn nhớ mãi lời Bác dạy”

“Tôi luôn nhớ mãi lời Bác dạy”

Đời người, có những ký ức không thể nào quên, như là động lực, là niềm tin, là tự hào, là hãnh diện mãi mãi. Khoảnh khắc gặp Bác, khi thì ở Phủ Chủ tịch, khi lại ở quê nhà… với một cụ bà đã vượt qua hơn một thế kỷ cuộc đời, là tất cả như thế. Cụ là Nguyễn Thị Thức, 106 tuổi, ở làng Hồng Lĩnh, xã Hậu Thành, Yên Thành (Nghệ An).