Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đưa cây lúa nước lên ngàn

Khánh Ngân - 19:39, 15/10/2021

Khi bưng bát cơm dẻo thơm, bà con đồng bào Chứt, Bru Vân Kiều… dọc tuyến biên giới Việt - Lào ở tỉnh Quảng Bình lại rưng rưng, nhớ đến những người lính Biên phòng. Các anh đã đào đất, đắp đập, cầm tay chỉ cho đồng bào trồng lúa nước. Từ bỡ ngỡ với cây lúa dưới xuôi, đến nay người Chứt, Bru Vân Kiều trên ngàn đã biết ủ giống, gieo trồng, chăm sóc cây lúa để có những mùa vàng bội thu trên đỉnh Trường Sơn.

Thắm đượm tình quân dân trên những cánh đồng. (Trong ảnh Bộ đội Biên phòng giúp dân gặt lúa)
Thắm đượm tình quân dân trên những cánh đồng. (Trong ảnh Bộ đội Biên phòng giúp dân gặt lúa)

Mang cây lúa nước lên ngàn

Chúng tôi về bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) muộn hơn so với kế hoạch, để viết về cây lúa nước ở trên ngàn. Những chân ruộng lúa nước trên đỉnh Trường Sơn ở bản Mò O Ồ Ồ còn trơ lại gốc rạ vàng óng, dấu hiệu của một vụ mùa bội thu.

Bản Mò O Ồ Ồ, có 280 nhân khẩu, 71 hộ, đều là đồng bào dân tộc Chứt. Trước đây bà con chỉ quen với phương thức canh tác “chặt, đốt, cốt, trỉa”. Nay đã khác xưa, người Chứt ở bản đã thâm canh lúa hai vụ, thành thạo với ủ giống, bón phân cho cây lúa dưới xuôi.

Đúng như dự đoán, vụ hè thu năm nay, bà con ở bản Mò O Ồ Ồ được mùa. “Năng suất đạt 55 tạ/ha, bản có 5 ha lúa nước, mỗi năm canh tác hai vụ. Đồng bào Chứt đã hoàn toàn làm chủ được gạo để ăn. Gia đình nào chăm chỉ, ngay cả mùa giáp hạt cũng không còn cảnh thiếu gạo", ông Đinh Thanh Văn, Chủ tịch xã Thượng Hóa phấn khởi thông tin.

Như để ghi nhận công sức của các chiến sĩ Biên phòng, Đồn Biên phòng Cà Xeng, ông Văn chia sẻ thêm, không ai dám nghĩ ở bản Mò O Ồ Ồ lại có thể làm được lúa nước, nhưng bây giờ nó đã trở thành hiện thực. "Nhờ Bộ đội Biên phòng cả đấy. Các đồng chí đã đưa máy múc lên đắp khe, bạt núi khai khẩn đất thành ruộng nước, hướng dẫn bà con người Chứt trồng lúa nước. Có đồng chí được bà con đồng bào coi là Chủ nhiệm hợp tác xã, hướng dẫn bà con làm cỏ, bón phân. Bây giờ thì bà con thuần thục rồi. Tuy nhiên, bộ đội vẫn đồng hành cùng bà con để nâng cao năng suất lúa", ông Văn cho biết thêm.

Để cổ vũ tinh thần cho đồng bào, sau khi có chuyến thăm bản, thăm mô hình sản xuất lúa nước của người Chứt ở bản Mò O Ồ Ồ, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tặng bà con một chiếc máy cày, để bà con từng bước cơ giới hóa sản xuất cây lúa nước.

Người Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly, lúa đã đầy bao
Những bao thóc, gùi lúa đầy ắp đang tiếp tục vun đắp thêm niềm tin đối với chính quyền, người lính của đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly

Khi có chủ trương đưa lúa nước lên ngàn của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho (xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy), cũng bắt đầu hành trình “gieo lúa nước trên ngàn”.

Chàng kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh Phạm Xuân Ninh đã nhanh chóng có mặt ở biên giới, cùng với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, các anh bắt đầu phát cỏ, be bờ, làm đất, đắp đập giữ nước rồi gieo hạt trước sự lạ lẫm của đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly (xã Lâm Thủy).

Để động viên bà con, một quy tắc được đặt ra: Ruộng khai hoang trên khu vực rẫy của nhà nào, thì nhà ấy hưởng. Diện tích khai hoang mới được chia cho những người góp sức. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cũng đầu tư đường mương dẫn nước đến tận ruộng. Cứ thế, 41 hộ Bru Vân Kiều bắt đầu canh tác trên 2ha ruộng nước. Lúa trên cánh đồng Tân Ly chín vàng, cho những gùi thóc đầy ắp đã thực sự mang lại niềm tin cho người Bru Vân Kiều.

Thế rồi, các hộ dân ở bản Tân Ly cũng tự khai hoang thêm diện tích trồng lúa nước cho gia đình mình. Tiêu biểu như hộ ông Hồ Xuân Hoạch, Hồ Văn Hùng, Hồ Văn Lái, Hồ Văn Lai. Diện tích lúa nước ở Tân Ly ngày càng được mở rộng. Mô hình lúa nước ở bản Tân Ly ngày càng phát triển, năng suất cũng tăng dần lên. Sau 10 năm, cây lúa nước dưới xuôi theo chân Bộ đội Biên phòng, trên đỉnh Trường Sơn đã bám sâu đồng đất nơi đây, để bà con có những mùa vàng bội thu.

Những  “Chủ nhiệm hợp tác xã”

Trong thời gian tìm hiểu về cuộc sống, cây lúa nước ở Tân Ly, Mò O Ồ Ồ hay Ka Ai, bà con người Chứt, Bru Vân Kiều nhắc nhiều đến những “chủ nhiệm hợp tác xã” bất đắc dĩ như Thiếu tá Phạm Xuân Ninh - người đã có một thời gian dài đã “4 cùng” với đồng bào làm lúa nước. Hay như Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, người được cho là “tác giả” của dự án đưa lúa nước lên ngàn, được bà con người Chứt, Bru Vân Kiều và cả chính quyền địa phương ghi nhận, biết ơn.

Thiếu tá Phạm Xuân Ninh tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, sau đó học văn bằng 2 tại Học viện Chính trị. Nhận công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, đúng vào thời điểm đơn vị có chủ trương giúp đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly làm lúa nước. Lợi thế xuất phát là kỹ sư nông nghiệp, Phạm Xuân Ninh có kiến thức chuyên ngành, lại có tâm huyết trong việc đưa cây lúa nước lên ngàn, làm cây chủ lực xóa đói cho người Chứt, người Bru Vân Kiều.

Cánh đồng lúa “biên phòng” ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang vào mùa thu hoạch
Cánh đồng lúa “biên phòng” ở bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang vào mùa thu hoạch

Cùng với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho, Thiếu tá Phạm Xuân Ninh đã bền bỉ làm, bền bỉ hướng dẫn bà con từ làm đất, ủ giống, bón phân chăm sóc cây lúa… Hình ảnh Thiếu tá Phạm Xuân Ninh xắn quần lội ruộng cùng đồng đội của mình gieo cấy, chăm sóc cây lúa đã để lại một ấn tượng đẹp đối với đồng bào Bru Vân Kiều.

Qua thời gian, Phạm Xuân Ninh cùng đồng đội ở Đồn Biên phòng Làng Ho đã làm cho đồng bào hiểu, tin và cùng trồng lúa nước ở trên ngàn. Đến nay, 41 hộ Bru Vân Kiều ở bản Tân Ly đã canh tác thuần thục lúa nước. Trên cánh đồng Tân Ly lúa chín vàng, năm 2 vụ cho những gùi đầy ắp lúa. Người Bru Vân Kiều ở Tân Ly thêm tin Bộ đội, tin Đảng và yêu nước.

Ngược đỉnh Giăng Màn cao 1.500m so với mực nước biển, bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đang vào mùa thu hoạch. Trên cánh đồng “Biên phòng” ở bản Ka Ai có 5 ha lúa chín vàng rực. Bộ đội Biên phòng đang cùng người Chứt khẩn trương thu hoạch lúa.

Ka Ai đang chuyển mình đi lên trong hành trình xóa đói, giảm nghèo bằng chính đôi tay của người dân và những giọt mồ hôi của người lính. Ðại tá Nguyễn Văn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, được coi là "tác giả" của các dự án sản xuất lúa nước trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Quảng Bình. 

Không dừng lại ở ý tưởng, Đại tá Nguyễn Văn Phúc đã cùng với đồng bào Chứt ở bản Ka Ai “lăn lộn” với cây lúa nước. Từ khâu cải tạo đồi thành ruộng nước, đến ủ giống cấy lúa đồng bào đều được hướng dẫn chi tiết. Trong những năm đầu trồng cây lúa nước, Đại tá Nguyễn Văn Phúc như một "Chủ nhiệm hợp tác xã" ở bản Ka Ai.

Nhớ lại những ngày đầu Bộ đội Biên phòng lên Ka Ai làm ruộng lúa nước, chị Hồ Thị Đụt cho biết, cán bộ Phúc cũng như các chú Bộ đội ở Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo vất vả lắm. Không chỉ mất công mất sức để cải tạo đất đồi thành ruộng lúa, còn tận tình chỉ cho chúng tôi biết trồng lúa nước. Từ thúc giục mọi người ra đồng, đến bón phân theo từng giai đoạn của cây lúa. Đến khi lúa chín lại hướng dẫn bà con thu hoạch, phơi phóng rất tỷ mỉ.

Đưa cây lúa nước lên ngàn là một ý tưởng hay, táo bạo, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thực hiện từ những năm 2011 - 2012. Những năm gần đây, cây lúa nước đã trở thành cây chủ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo cho người Chứt, Bru Vân Kiều dọc tuyến biên giới Việt - Lào.

Rời Ka Ai, tuột dốc Cổng Trời để về xuôi, để lại sau lưng những cánh đồng lúa nước của người Chứt, người Bru Vân Kiều đang vào vụ thu hoạch mà lòng thấy vui. Hình ảnh những chiến sĩ Biên phòng đang hòa màu áo của mình lẫn vào những trang phục của người Chứt, người Bru Vân Kiều mà thấy dấy lên một cảm giác thật yên bình. 

Đến bây giờ nếu ai hỏi tôi, miền Tây Quảng Bình có gì đẹp? tôi sẽ dứt khoát trả lời: Đó là những cách đồng lúa vàng óng dọc tuyến biên giới Việt - Lào. Hình ảnh đó đã nói lên tất cả sự bình yên của Tổ quốc, tình quân dân thắm thiết, bền chặt.     

   

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.