Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bóng núi Dùm hòa cùng biển lớn

Ghi chép của Lê Na - 15:06, 29/04/2021

Tôi lớn lên bên dòng sông Lô trong xanh biêng biếc. Qua bao miền hoang sơ, kỳ vỹ, sông về đây hối hả, quấn quýt đất quê hương làm nên bao huyền tích, lịch sử. Ông, cha chúng tôi từ sông Lô, núi Dùm ra đi đánh đuổi thực dân Pháp, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế hệ chúng tôi tiếp nối, lên đường đánh giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam. Rồi cả quê hương chung tay bảo vệ và xây dựng mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Sông Lô in bóng núi Dùm, mang bóng núi đi xa hòa cùng biển lớn.

Một ngôi nhà mới ở làng Dùm.
Một ngôi nhà mới ở làng Dùm.

Ngồi đọc lại lịch sử của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang những năm đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, tôi không khỏi rưng rưng. Bao người nông dân từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… bị cướp ruộng, đất. Những đồng bào Dao, Tày, Nùng… đói ăn được tuyển mộ đi phu. Núi Dùm giấu khoáng sản trong lòng, sừng sững cũng đầy chênh vênh, hiểm trở, rừng thiêng, nước độc. Mỗi ngày, công nhân mỏ phải làm việc từ mười đến mười hai tiếng trong điều kiện lao động kém an toàn, khai thác quặng thủ công, dụng cụ thô sơ, hang núi ẩm thấp, thiếu khí trời và ánh sáng…

Những cuộc đấu tranh của công nhân mỏ đã tác động mạnh tới Nhân dân quanh vùng. Cùng với sự tuyên truyền giác ngộ của Xứ ủy Bắc Kỳ, chi bộ đảng đầu tiên ở Tuyên Quang được thành lập - Chi bộ Mỏ Than.

Sự kiện lịch sử đó đã theo tôi suốt hành trình tuổi trẻ. Sông Lô, núi Dùm như một huyền thoại cần khám phá. Đại ngàn giờ không còn nữa nhưng còn đó màu lam tím thẫm bên sông. Rồi cây cầu Nông Tiến hiện hữu. Rồi cây cầu Tân Hà phía Bắc thành phố. Mới đây là cầu Tình Húc. Những cây cầu, nhân chứng cho sự vươn lên của mảnh đất này.

Tác giả cùng Phó làng Dùm- Nông Hồng Sơn.
Tác giả cùng Phó làng Dùm- Nông Hồng Sơn.

Tôi quyết định “thám hiểm” núi Dùm, gọi thế cho ra chuyến đi, thực ra, làng Dùm cách trung tâm thành phố 7km, chỉ vài chục phút rong ruổi xe máy là tới. Xóm của đồng bào Dao trên “cổng trời” này thuộc phường Nông Tiến, TP. Tuyên Quang. Con đường mòn cho người và ngựa ngày xưa nay được mở rộng. Có chỗ được rải đá cấp phối, nhiều đoạn đường đất. Đường men theo vách núi, một bên là vực sâu, ngày mưa nhiều đoạn trơn lầy, đi lại còn khó khăn. Trên đường vào núi Dùm, chúng tôi gặp những tường thành, hầm lò của Pháp xây từ năm 1905. Từng bậc gạch lên cao đã mòn vẹt chỉ còn là dấu tích. Những hố mắt đen ngòm, từ gạch đá lạnh nhìn thẳng vào tôi: Nào bu loong, cọc sắt. Những đường hầm, đường ray, hang núi… đã bị thời gian phủ bụi. Tôi hình dung những người công nhân, họ là người dưới xuôi hay người mạn ngược đã chịu bao khổ nhục nơi này. Mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của họ đã từng thấm đẫm núi Dùm.

Làng Dùm có 44 hộ, 145 khẩu, chủ yếu là người Dao quần trắng. Những căn nhà sàn đơn sơ nằm nép bên núi hay ven đồi. Bà con canh tác trên diện tích 12,5ha lúa một vụ, 6 ha ngô và sắn, khoai, rau màu trên nương đồi. Cây lâm nghiệp cũng là một thế mạnh tiềm năng của đồng bào. Bên ấm trà, anh Nông Hồng Sơn, (40 tuổi), Phó thôn tâm sự: Mấy năm qua, nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp và trang trại, bà con đã có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình chăn nuôi, trồng cấy theo mô hình trang trại, có tích lũy. Điển hình như gia đình ông Hưởng, ông Quân, ông Tiến, ông Kinh, ông Quý… Chủ yếu các hộ trồng keo, mỡ phát triển rừng. Một số gia đình làm trang trại đã cho thu hoạch khá. Nhà sàn của Phó thôn Sơn gồm ba gian, mái lá, sàn gỗ. Căn nhà không to nhưng chắc chắn. Hai vợ chồng, hai đứa con, cháu gái lớn 17 tuổi, cháu trai 13 tuổi. Khi chúng tôi đến nhà, các cháu đều đi học. Học sinh THCS phải đi học cách nhà 7km. Tại làng Dùm có hai lớp ghép, mỗi lớp có hơn hai chục em và một điểm trường mầm non.

Khu phế tích của Pháp tại núi Dùm.
Khu phế tích của Pháp tại núi Dùm.

Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Thu, 60 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi Hội trưởng Hội Nông dân - với dáng người mảnh mai, bé nhỏ mà nhiều chức danh. Nếu không mang họ Vũ, tôi không nghĩ chị là người Kinh, quê Nam Định. Nước da chị đanh lại vì nắng, gió. Năm 1979, chị Thu lấy chồng người Dao và định cư ở nơi này. Hai vợ chồng chị có bốn người con. Chồng mất, các con đứa đi làm công ty, đứa lấy vợ, lấy chồng xa, giờ chỉ có hai mẹ con. Hằng năm, chị làm đủ gạo ăn, ngoài ra còn thu hoạch khoảng một tấn ngô, bảy tấn sắn khô và phát triển chăn nuôi.

Lên làng Dùm tôi mới hiểu thêm, cái bản nhỏ chênh chao trên núi đã có từ rất xưa. Họ là người miền núi, miền xuôi đùm bọc, yêu thương lẫn nhau, uống chung nguồn nước. Bao lớp người đi trước, xương cốt của họ đã khảm vào đất núi. Họ Nông của người Dao nhưng gốc là Nùng. Họ Vũ quê Nam Định, giờ chỉ quen nói tiếng Dao … Nhờ có bóng cờ của Đảng năm ấy, cái làng nhỏ heo hút, đói rách ngày xưa trên cổng trời ấy mới có cuộc sống no ấm hôm nay. Ngày vui, màu cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm lại tung bay trên nền xanh của núi rừng. Làng Dùm đang đi lên cùng quê hương Tuyên Quang trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.