Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Tày khu tái định cư đón Tết Thanh minh

Duy Ly - 10:21, 16/04/2021

Hằng năm, ngoài các ngày lễ tết truyền thống, Tết thanh minh cũng là một trong những ngày lễ quan trọng, thiêng liêng, in sâu trong tâm thức mỗi người con dân tộc Tày. Những ngày này, bà con dân tộc Tày, thôn 8, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hội tụ, tổ chức Tết Thanh minh (vào ngày 3 tháng 3 âm lịch).

Con cháu tập trung bên cạnh ngôi mộ của ông bà, tổ tiên
Theo phong tục của dân tộc Tày, vào dịp Tết thanh minh, con cháu tập trung đông đủ để đi tảo mộ cho ông bà, tổ tiên

Từ sáng sớm (3/3 âm lịch), các hộ gia đình đã sửa soạn đầy đủ đồ lễ, cùng cuốc xẻng, dao, liềm đi tảo mộ tại khu mộ của gia đình. Sau khi thắp hương xin phép thổ công, ông bà tổ tiên để được phát dọn khu mộ sạch sẽ, mọi người chia nhau làm, người thì cuốc cỏ, người đi lấy nước rồi dùng khăn sạch lau chùi cẩn thận từng ngôi mộ. Tiếp đó, các gia đình bày biện đồ lễ cúng, gồm: Thịt gà, thịt lợn, rượu, cá rán, xôi đỏ đen, bánh trôi, hoa quả, vàng mã… Mỗi ngôi mộ còn được cắm một cây nêu cắt từ giấy màu sặc sỡ. Nếu là khu mộ chung của dòng họ, thì các gia đình mang đồ lễ đến góp chung.

Người cúng thường là người cao tuổi của dòng họ, hoặc là Người có uy tín trong thôn xóm. Con cháu ngồi quây quần bên mộ rót rượu, mời nước chè và cùng thụ lộc với người đã khuất. Cúng xong, người nhà đốt tiền vàng, quần áo giấy, san bớt phần thức ăn để lại cho người đã khuất và thắp hương cho những ngôi mộ “hàng xóm” bên cạnh. Sau đó, mọi người cùng về nhà ăn bữa cơm đoàn viên.

Chị Nông Thị Liễu cho biết, người Tày quan niệm, chỉ vào dịp tảo mộ, những người đã khuất mới được gặp con cháu. Vì thế vợ chồng chị đi làm công nhân ở Công ty Luxshare tận tỉnh Bắc Giang, nhưng năm nào cũng về quê vào dịp Tết Thanh minh để cùng người thân thực hiện lễ cúng nhằm cầu khấn tổ tiên, phù hộ cho con cháu sức khỏe, làm ăn thuận lợi, công việc hanh thông.

Đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày bà con người Tày ở vùng lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang, thuộc xã Trùng Khánh, huyện Na Hang chuyển về tái định cư tại thôn 8, xã Kim Phú, những phong tục đẹp vẫn luôn được bà con duy trì, phát huy.

Anh Nông Trường Nam, người dân thôn 8, xã Kim Phú cho biết: “Chuyển về khu tái định cư, bà con được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền. Các gia đình đều được cấp ruộng đất sản xuất, đất đai làm nhà, thôn được quy hoạch khu nghĩa trang để người đã khuất được mai tang đúng nghi lễ của dân tộc Tày, nên bà con tái định cư đều ổn định cuộc sống, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Người có uy tín thường được mời làm thầy cúng
Người có uy tín thường được mời làm thầy cúng tại lễ cúng Tết Thanh minh

Theo ông Phạm Quang Vinh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 8, thôn có 174 hộ đồng bào dân tộc Tày vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang chuyển xuống tái định cư. Mặc dù, chuyển từ địa bàn một xã vùng cao miền núi xuống định cư tại một xã thuộc thành phố, nhưng bà con người Tày vẫn bảo tồn, phát huy được nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

“Tập quán tốt đẹp trong Tết Thanh minh, được đồng bào Tày duy trì suốt 16 năm qua, như hồi còn ở trên quê cũ, không thêm thắt hay pha trộn gì. Qua đây, nhằm giáo dục con cháu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên; là dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, dòng tộc; cũng là dịp làng xóm, anh em họ hàng thêm tăng cường tình đoàn kết keo sơn”, ông Vinh chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).