Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bừng sáng Phan Lâm

T.Nhân - 11:30, 04/10/2023

Phan Lâm là xã vùng cao của huyện Bắc Bình (Bình Thuận), đa số người dân là đồng bào DTTS. Nơi đây từng được xem là một trong những địa phương có mật độ dân cư thưa nhất nước, đời sống người dân gắn liền với nương, rẫy và còn ảnh hưởng bởi các phong tục, tập quán lạc hậu nên gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ và chính quyền xã Phan Lâm cũng xác định được đặc thù của địa phương, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, cho hiệu quả kinh tế cao để người dân áp dụng, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, diện mạo của xã Phan Lâm đã đổi thay nhanh chóng.

Đường về xã Phan Lâm hôm nay
Đường về xã Phan Lâm hôm nay

Một thời gian khó

Xã Phan Lâm có 8 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Raglai, K’ho, Chăm, Kinh, Nùng, Hoa, Châu Ro, Chu Ru với gần 640 hộ, hơn 2.582 nhân khẩu. Trước đây, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là trồng lúa, ngô, sắn, mè và chăn nuôi bò, dê, lợn, gà… Do khí hậu khắc nghiệt, mùa nắng kéo dài gây khô hạn, mùa mưa thì dầm dề gây ngập úng nên sản xuất bấp bênh. Đã thế địa hình có nhiều đồi núi dốc, đường sá đi lại khó khăn, người dân Phan Lâm gần như “biệt lập”, mọi thứ đều phải tự cung tự cấp nên cái nghèo luôn đeo bám.

Theo lời kể của ông Mang Xoa, Bí thư Đảng ủy xã Phan Lâm, một người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này: Ngày xưa, người dân Phan Lâm khổ lắm. Lúc bấy giờ, người dân chủ yếu sống tập trung xung quanh hồ Sông Lũy. Nhà ở lụp xụp lọt thỏm dưới thung lũng, mùa mưa nước từ trên đồi chảy xuống và trên thượng nguồn đổ về, nước dâng cao ngập hết nhà dân. Nơi đây, từng được mệnh danh là vùng đất nhiều “không”, không điện, không trường, không trạm, không phương tiện đi lại,… ;nông sản của bà con làm ra hầu như không bán được, mà có bán được cũng bán với giá rất thấp.

Cứ như thế, trải qua bao thế hệ, người dân Phan Lâm vẫn trong vòng lẩn quẩn của đói nghèo. Dẫu khó khăn là vậy nhưng người dân Phan Lâm vẫn kiên trì bám đất bám làng vì họ tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chính quyền địa phương cũng như sự đoàn kết của người dân trong xã sẽ mang đến cho họ cuộc sống mới.

Năm 2000, người dân Phan Lâm vui mừng khi điện thắp sáng kéo vào từng hộ gia đình. Ánh sáng bừng lên ở từng thôn xóm mang theo niềm hy vọng của người dân về cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai không xa. Có điện người dân đã mua sắm nhiều vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất, tiếp cận với kiến thức trên các phương tiện nghe, nhìn nên nhận thức của bà con cũng được nâng lên.

Năm 2006, UBND tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ hơn 300 ngôi nhà xây tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Cảm xúc của bà con lúc ấy khó có thể diễn tả hết được bằng lời, bởi lâu nay bà con đang sống ở dưới thung lũng thấp, thắt thỏm lo lắng mỗi khi mùa mưa về thì nay được chuyển về nơi ở mới, nhà xây sạch đẹp trên địa hình cao ráo thoáng mát nên ai nấy đều rất vui mừng.

Vườn mít siêu xốp của gia đình ông Mang Ngọc Văn ở Phan Lâm
Vườn mít siêu xốp của gia đình ông Mang Ngọc Văn ở Phan Lâm

Trong ký ức của người dân ngày ấy cho đến tận bây giờ, họ vẫn còn nhớ như in khi được chuyển về nơi ở mới. Ông Mang Khang, một người dân sống lâu năm ở Phan Lâm chia sẻ: Được chuyển về nơi ở mới an toàn, người dân chúng tôi xem đó là món quà quý giá mà Đảng và Nhà nước đã ban tặng. Cuộc sống của người dân tiếp tục có thêm sự thay đổi khi quốc lộ 28B được đầu tư đi ngang qua xã. Có đường giao thông thuận tiện, việc đi lại dễ dàng nên thương lái cũng thường xuyên đến mua nông sản. Từ đó, đời sống của bà con đã có sự thay đổi đáng kể.

Vươn lên mạnh mẽ

Về Phan Lâm những ngày này, đi trên những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên nhà cửa san sát, vườn cây trái tốt tươi, chúng tôi không thể hình dung được nơi đây, từng là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Bình Thuận. Phan Lâm đang trở mình thức giấc sau những chuỗi ngày "ngủ yên" trong khó khăn, thiếu thốn.

Xác định được đặc thù của xã vùng cao này, Đảng bộ và chính quyền Phan Lâm đã tập trung hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật là việc thực hiện chương trình khuyến nông, nhiều hộ đã áp dụng các biện pháp khoa học theo hướng dẫn đã thực hiện thành công mô hình trồng cây mít, nuôi gà thả vườn với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ 100%, cho kết quả tốt và được nhân rộng.

Một trong những mô hình mà xã Phan Lâm triển khai mang lại hiệu quả cao hiện nay là mô hình trồng mít siêu xốp. Ông Mang Ngọc Văn, một nông dân ở xã Phan Lâm cho hay: Ban đầu gia đình ông được hỗ trợ 70 cây giống mít siêu xốp từ Hội Nông dân của xã. Thấy mít lớn nhanh mà chăm sóc cũng đơn giản nên gia đình ông đã mua giống trồng thêm. Hiện gia đình ông đã trồng được 1.400 cây mít siêu xốp, trong đó có 800 cây đã cho thu hoạch. Giá của mít siêu xốp cao gấp hai, ba lần mít bình thường, một kg mít siêu xốp có giá từ 40 đến 50 ngàn đồng. Cả xã hiện có trên 50 hộ gia đình trồng mít siêu xốp, nhà nào trồng nhiều thì trên vài ngàn cây, nhà nào ít cũng vài trăm cây. Mô hình này hứa hẹn sẽ giúp nhiều hộ gia đình nơi đây trở nên khá giả trong thời gian tới.

Cây bắp (ngô) giúp đồng bào DTTS ở Phan Lâm có thêm thu nhập
Cây bắp (ngô) giúp đồng bào DTTS ở Phan Lâm có thêm thu nhập

Là xã vùng cao và cũng là vùng đồng bào DTTS nên Phan Lâm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Những chính sách hỗ trợ để người dân phát triển kinh tế - xã hội như Chương trình 135 của Chính phủ, Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, Chính sách về đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư của Trung tâm Dịch vụ và Phát triển miền núi tỉnh Bình Thuận đã được chính quyền xã Phan Lâm triển khai thực hiện hiệu quả. Nếu như trước đây đồng bào ở xã chỉ biết đến trồng trọt và chăn nuôi thì nay đã có nhiều hộ gia đình biết kinh doanh buôn bán, làm dịch vụ...

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2030,Giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025, xã Phan Lâm cũng được phân bổ  hàng chục tỉ đồng để xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm và nâng cấp hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất cho người dân. Hiện nay, 100% hộ dân sử dụng điện thắp sáng và nước sạch sinh hoạt, có trường mẫu giáo và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…Những nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tiếp tục tạo đà cho Phan Lâm bứt phá vươn lên.

Tin cùng chuyên mục
Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Tre, trúc không còn bị "bạc đãi" ở vùng đất Tây Nam bộ

Các loại cây họ tre nứa rất dễ trồng, dễ chăm sóc với hàng chục giống tre, trúc khác nhau và chúng được trồng hầu như khắp các địa phương vùng Tây Nam bộ. Từ lâu, sản phẩm từ cây tre gắn bó với đời sống cư dân nơi này. Dù đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng hóa sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, thay thế bằng những nguyên liệu công nghiệp nhưng không vì thế mà sản phẩm từ họ tre trúc “hết thời”.