Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc mới ở làng xa

L.Phương - 17:15, 04/11/2023

Hiện nay, về các làng đồng bào DTTS ở các huyện miền núi Bình Định, chúng ta sẽ cảm nhận được sự đổi thay đáng kể. Nhiều làng vốn khó khăn nhưng nay đã bừng lên sức sống mới. Tất cả là nhờ bà con đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó là những chương trình, chính sách dân tộc được chính quyền địa phương quyết liệt triển khai là đòn bẩy để những ngôi làng này đổi thay.

Nhờ có điện năng lượng mặt trời, làng O2 không còn tối tăm như trước
Nhờ có điện năng lượng mặt trời, làng O2 không còn tối tăm như trước

Tín hiệu vui ở những ngôi làng “biệt lập”

Trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh, tỉnh Bình Định vẫn còn 2 ngôi làng của đồng bào DTTS được liệt vào dạng... nhiều không: không điện, không đường và không sóng điện thoại. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của người dân, những cái không đã dần ít đi, mở ra triển vọng phát triển mới.

Vượt qua những con đường hun hút nằm dưới tán rừng, chúng tôi đến làng Canh Giao, xã Canh Hiệp khi mặt trời vừa lên quá nửa cây sào. Làng Canh Giao chỉ cách trung tâm xã một ngọn đồi. Thế nhưng, đường vào làng chỉ có 1 con đường duy nhất, phải đi khoảng 35 km, vòng sang xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), rồi mới có đường vào làng.

Trước mắt chúng tôi là một ngôi làng nằm “biệt lập” trong một thung lũng, tứ bề núi rừng trùng điệp. Tuy là buổi sáng nhưng xung quanh cảnh vật rất yên ắng, tĩnh lặng. Nhìn quanh quẩn chỉ có vài cụ già ngồi trên nhà sàn bỏm bẻm nhai trầu và mấy đứa trẻ con đưa mắt nhìn chăm chú khách lạ.

Hiện nay, cả làng có 70 hộ với 207 nhân khẩu, chủ yếu là người Chăm Hroi, cuộc sống chủ yếu sản xuất tực cung, tực cấp trên diện tích 1,3 ha lúa nước và 2 ha đất trồng rau, hoa màu các loại. Thu nhập của bà con dựa vào 130 ha keo và tiền nhận giao khoán, bảo vệ rừng.

Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn từ các chương trình, chính sách dân tộc được huyện Vân Canh lồng ghép với các nguồn vốn khác, đầu tư xây dựng nhiều công trình như: Nước sinh hoạt tự chảy, đường bê tông nông thôn, cầu, cống, điện năng lượng mặt trời… Yếu tố then chốt làm cho Canh Giao chuyển mình, chính là sự nỗ lực, chịu khó lao động, phát triển sản xuất, xây dựng làng văn hóa, văn minh của mỗi người dân.

Không chỉ có Canh Giao, làng Canh Tiến, xã Canh Liên cũng là làng “biệt lập”, có 161 hộ, với 538 nhân khẩu. Muốn tới làng Canh Tiến chỉ có 2 đường: đi đường mòn từ xã Canh Hiệp qua đèo Nha Sam hoặc đi đò ngang từ Hồ Núi Một, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn mới có thể vào làng. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, làm nương rẫy, lấy mật ong, bẻ lá nón...

Ông Đinh Văn Canh, Người có uy tín ở làng Canh Tiến chia sẻ: Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng sạch đẹp và hỗ trợ phát triển sản xuất nên đời sống của bà con ổn định. Giờ trong làng hầu như nhà nào cũng có xe máy, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền.

Tại xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh cũng có một ngôi làng “biệt lập”, đó là làng O2, được xem là xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Bình Định. Ngôi làng này chưa đến 50 hộ đồng bào dân tộc Bana sinh sống và nằm lọt giữa rừng núi cao, heo hút, không đường, không điện, không nước sạch...

Người có sức khỏe muốn đến được làng này trong điều kiện thời tiết bình thường, phải mất 3 đến 4 giờ đi bộ đoạn đường dốc hơn 4 km, đoạn đường còn lại được thanh niên trong làng dùng xe máy “độ” để chở phải mất thêm 1 giờ đồng hồ. Nếu không có xăng, đi bộ hết tuyến đường đến làng O2 phải mất nửa ngày.

Được sự quan tâm của Nhà nước, người dân làng O2 đã đỡ khó khăn hơn. Bà con đã biết trồng nông sản, nuôi heo, gà để tự cung tự cấp cho cuộc sống hàng ngày và chọn cách kiếm tiền bằng chăn nuôi đại gia súc. Ông Bùi Tấn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Bên cạnh việc đầu tư hỗ trợ, địa phương đẩy mạnh vận động, khuyến khích người dân chủ động, tích cực vươn lên. Hiện nay, làng O2 đã được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nên cuộc sống của bà con không còn “tối tăm” như trước. Huyện cũng đang tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân, cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng cho làng O2, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Những ngôi nhà sàn được vẽ tranh bích họa ở thôn 3, xã An Toàn là địa điểm thu hút khách du lịch
Những ngôi nhà sàn được vẽ tranh bích họa ở thôn 3, xã An Toàn là địa điểm thu hút khách du lịch

Đến những làng du lịch cộng đồng

An Toàn là xã vùng cao của huyện An Lão, nằm ở độ cao 1.200 m nên được ví là “Cổng Trời” của Bình Định. Điểm đến đầu tiên của xã là thôn 3 còn mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Bana. Từ một ngôi làng miền núi với cuộc sống yên ả, trầm buồn giữa núi cao rừng sâu, ít người biết đến, nay bỗng rực rỡ hẳn lên nhờ những bức tranh bích họa được vẽ trên vách nhà sàn.

Những ngôi nhà sàn phủ kín bởi những bức bích họa sống động kể trên bắt đầu từ ý tưởng của một nhóm giáo viên mỹ thuật trên địa bàn. Ý tưởng này được UBND huyện An Lão động viên, ủng hộ và hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Các bức bích họa mô tả hết sức đơn sơ hình ảnh đời sống quen thuộc của đồng bào Ba Na như: Những chòi lúa, mùa hoa sim nở, uống rượu cần, ruộng bậc thang, cảnh sinh hoạt quây quần bên bếp lửa tạo nên một bầu không khí sinh động, lôi cuốn ở thôn 3.

Từ khi khoác lên mình bộ áo mới, nhịp sống của thôn 3 năng động hẳn lên, du khách đến với làng đông hơn, nhiều hơn, giúp đồng bào có thêm thu nhập. Nếu như trước đây, đàn ông chỉ lên rừng, làm rẫy, phụ nữ làm ruộng, nấu cơm… thì giờ đây nhiều gia đình đã có thêm thu nhập nhờ dịch vụ homestay, giải khát, bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở địa phương như: Thịt trâu gác bếp, mật ong, dứa, rượu sim, rượu chuối rừng, sản phẩm đan đát... Chị Đinh Thị Hương, ở thôn 3, xã An Toàn cho hay: Từ ngày làng có tranh mới trên nhà sàn, một đồn mười, mười đồn trăm; khách tham quan, chụp hình ngày nào cũng có, làng mình nhộn nhịp, vui hẳn lên.

Giờ đây, suối Tà Má là một điểm du lịch thu hút nhiều khách đến thăm quan
Giờ đây, suối Tà Má là một điểm du lịch thu hút nhiều khách đến thăm quan

Thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh có đến 99% người dân sinh sống là người Ba Na, thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nay người dân cũng đã bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Làng Hà Ri có suối Tà Má được trời phú cho một khung cảnh rất nên thơ, nước xanh mát quanh năm, chảy róc rách qua những phiến đá, hai bên là hàng hoa trang rừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nhìn từ trên cao, con suối như một dải lụa mềm vắt qua cánh rừng già với màu xanh bạt ngàn.

Để tạo điều kiện đi lại cho người dân, đồng thời kết nối vào khu du lịch suối Tà Má, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đầu tư xây dựng đường vào suối Tà Má. Vì hầu hết chiều dài con đường đều đi qua phần đất của người dân, nên người dân đồng thuận hiến đất. Từ đó, con đường với chiều dài khoảng 2,6 km, bề rộng nền đường 6,5 m, có điểm đầu giáp tuyến với tuyến đường ĐH.31 tại Km10+100 thuộc thôn Hà Ri, điểm cuối tuyến giáp với suối Tà Má được hình thành.

Già làng Đinh H’Nơn tâm sự: Từ khi có đường vào Tà Má, mọi người rất vui, ai cũng đồng thuận. Con đường đã giúp đời sống vật chất người dân đi lên nhờ vào phát triển du lịch đến địa phương, mà còn giúp đời sống tinh thần, việc giao lưu văn hóa với bên ngoài cũng đễ dàng hơn.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành đã tạo nền tảng cho ước vọng vươn lên của người dân. Những làng đồng bào DTTS đã dần thay da, đổi thịt và mang hơi thở của cuộc sống hiện đại; đặc biệt, cảnh thiếu đói, chạy ăn từng bữa đã là câu chuyện của quá khứ.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.