Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động Công tác dân tộc, chính sách dân tộc

Sắc mới ở những bản người Cống

Mắn On - Ng. Lê - 09:30, 03/11/2023

Nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống (dân tộc rất ít người), năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 105/QÐ-UBND về việc phê duyệt Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên” giai đoạn 2011 - 2020. Hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và ý chí vươn lên thoát nghèo của chính người dân, đến nay các bản làng người Cống đang khoác lên mình diện mạo mới.

Một góc bản người Cống ở Lả Chà, Pa Tần (Nậm Pồ, Điện Biên)
Một góc bản người Cống ở Lả Chà, Pa Tần (Nậm Pồ, Điện Biên)

Sắc mới ở bản người Cống

Rất lâu rồi, tôi mới có dịp quay lại bản Lả Chà, xã Pa Tần (Nậm Pồ, Điện Biên), ký ức về bản nghèo khó nơi tôi từng gắn bó trong khoảng thời gian năm 1998 – 1999 nay đã khác xa. Khi ấy, cả bản là những căn nhà tranh tre, mái cọ ở rải rác dưới tán rừng, trường học ở cuối bản là một căn nhà duy nhất được dựng bằng gỗ, vách nứa, lợp lá cọ và nền đất. Tôi còn nhớ như in, cuộc sống của bà con người Cống lúc bấy giờ còn rất hoang sơ. Ở ngoài những hiên nhà sàn, nhà nào cũng có những ống tre, ống nứa chặt từ trong rừng về để đựng nước, lấy nước từ dưới suối lên nấu ăn, uống. Khi đó bản không đường giao thông, không trường học kiên cố, không điện thắp sáng... Bây giờ, bản người Cống đã có nhiều những nếp nhà mới với mái ngói đỏ tươi, có điện thắp sáng, có nước sạch, đường giao thông kiên cố...

Chỉ cho tôi cánh đồng lúa mùa xanh ngát, Trưởng bản Lò Văn Hán phấn khởi kể về những đổi thay mang tính trọng đại đối với người Cống nơi đây. Anh Hán kể: Nhờ các Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới; nhất là Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống”... đã tạo điều kiện thuận lợi và “cú hích” mạnh mẽ để người Cống có thêm tư liệu, nông cụ sản xuất, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Công trình nước sạch được đầu tư đồng bộ tới từng hộ dân ở bản Lả Chà, Pa Tần (Nậm Pồ, Điện Biên)
Công trình nước sạch được đầu tư đồng bộ tới từng hộ dân ở bản Lả Chà, Pa Tần (Nậm Pồ, Điện Biên)

Nhờ được thụ hưởng từ Ðề án, khu vực sản xuất của bà con đã được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, hạ tầng giao thông nông thôn; đưa điện lưới quốc gia về bản... Tham gia các lớp tập huấn, người dân đã biết trồng các giống ngô, lúa mới, biết cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa ruộng đã tăng đáng kể, đạt khoảng 50tạ/ha (nâng bình quân lương thực đầu người lên gần 450kg/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 34/78 hộ. 

Ðặc biệt nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã mua được đồ dùng gia đình hiện đại (trên 85% số hộ mua được ti vi, xe máy). Ngoài ra, với sự đầu tư toàn diện, 100% trẻ em người Cống đã được học tập trong trường lớp khang trang, kiên cố, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Lớp học tranh tre, mái cọ năm nào ở Lả Chà giờ đây là ngôi trường kiên cố, khang trang, sạch đẹp
Lớp học tranh tre, mái cọ năm nào ở Lả Chà giờ đây là ngôi trường kiên cố, khang trang, sạch đẹp

Không riêng gì bản Lả Chà mà đồng bào dân tộc Cống định cư ở các bản: Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé), Púng Bon (xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên)... cũng đã có nhiều đổi thay, bà con ổn canh, ổn cư, tạo dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương. Anh Hù Văn Ðẹp, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) là một điển hình cho tư duy đổi mới, hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo từ hai bàn tay trắng.

Anh Hù Văn Ðẹp bộc bạch: Xuất phát từ cái nghèo, nhất là nghèo con “chữ” nên có đất mà không biết trồng, không biết cày cấy… vì thế mà bao nhiêu năm gia đình tôi và các hộ khác trong bản luôn thiếu trước hụt sau, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Với sự trợ giúp đắc lực từ các chính sách của Ðảng và Nhà nước, thấy lợi thế về đất đai để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tôi mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về chăn nuôi, mở rộng diện tích lúa nước...

Nhiều công trình, hạng mục vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện phục vụ bà con người Cống bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên)
Nhiều công trình, hạng mục vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện phục vụ bà con người Cống bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (Mường Nhé, Điện Biên)

Trải qua những tháng ngày gian khó, với sự chịu thương, chịu khó, tích lũy kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, những người đi trước, giờ đây đàn vật nuôi của gia đình anh Hù Văn Đẹp đã sinh trưởng, phát triển ổn định (hơn 10 con trâu, bò; gần 15 con lợn và hàng trăm con gia cầm các loại; gần 2.500m2 lúa nước...). Từ thu nhập hàng năm gần 100 triệu đồng, gia đình anh Hù Văn Ðẹp đã xây dựng được một cơ ngơi khang trang, con cháu được tới trường.

Đề án mang lại sự đổi thay

Theo số liệu điều tra năm 2009 toàn tỉnh Điện Biên có 184 hộ với 923 nhân khẩu dân tộc Cống, hiện nay, dân số đã phát triển lên 225 hộ, 1.152 nhân khẩu; tăng 41 hộ, 229 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu tại 3 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên. Những năm trước, cuộc sống của dân tộc Cống gặp nhiều khó khăn, sản xuất manh mún, dịch bệnh, hạn hán, mất mùa xảy ra triền miên khiến cuộc sống của đồng bào luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu.

Không chỉ đời sống vật chất được cải thiện, đời sống văn hóa, tinh thần của người Cống cũng được phục hồi, bảo tồn (Trong ảnh: Đồng bào Cống trang trí chuẩn bị Tết hoa Mào gà)
Không chỉ đời sống vật chất được cải thiện, đời sống văn hóa, tinh thần của người Cống cũng được bảo tồn, phát huy (Trong ảnh: Đồng bào Cống trang trí chuẩn bị Tết hoa Mào gà)

Xuất phát từ kết quả điều tra, nghiên cứu và đề xuất của các ngành chức năng, năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 105/QÐ-UBND về việc phê duyệt Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên” giai đoạn 2011 - 2020. Tổng vốn để phê duyệt thực hiện Ðề án hơn 187 tỷ đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã ưu tiên đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm phù hợp nhu cầu đời sống và nguyện vọng của người dân. Hiện nay đã thực hiện được 16 công trình: 3 công trình san nền, giao thông, thoát nước; 2 công trình cầu treo; 5 công trình đường giao thông; 2 công trình điện sinh hoạt...

Ðặc biệt, Ðề án cũng thực hiện hỗ trợ điều kiện sống (giai đoạn 2014 - 2020 hỗ trợ thiếu đói giáp hạt hơn 1,5 tỷ đồng); phát triển sản xuất (hỗ trợ mua giống, vật nuôi trị giá 850 triệu đồng); chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần...

Nhờ đó, các bản dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển mình rõ rệt, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn gần 40% (năm 2022). Ðặc biệt, người dân đã biết tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã xây được những ngôi nhà mới khang trang, mua sắm đầy đủ trang thiết bị hiện đại (ti vi, xe máy, máy xay xát, điện thoại...).

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên được đầu tư kiên cố
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên được đầu tư đồng bộ

Có thể khẳng định, Ðề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên” là nguồn động lực rất lớn, tạo nên sức sống mới cho nhiều bản vùng đồng bào dân tộc Cống. Từ đó, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước thông qua các chương trình, đề án đối với đồng bào các dân tộc rất ít người nói chung, đồng bào dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.