Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Ngọc Ánh - 3 giờ trước

Trong thời đại 4.0, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ người DTTS đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ. Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nữ doanh nhân người DTTS đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ ở địa phương. Nữ doanh nhân Vương Thị Thương, dân tộc Tày ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.

Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương Vương Thị Thương tham gia Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 (phát sóng vào tháng 8/2024).
Giám đốc HTX Nông sản Toàn Thương Vương Thị Thương tham gia Chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7 (phát sóng vào tháng 8/2024)

Với nhiều phụ nữ DTTS, có được một công việc ổn định như cô giáo Vương Thị Thương, là niềm ước mơ của cả đời người. Cô giáo Thương cũng rất yêu nghề giáo, nhưng “duyên nợ” với quả hồng, khiến cô đã có một quyết định táo bạo - nghỉ việc Nhà nước để khởi nghiệp bằng con đường nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

Năm 2023, tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Dự án "Phát triển chuỗi giá trị hồng vành khuyên treo gió hữu cơ nhằm tạo việc làm và sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc Tày, Nùng vùng biên giới xứ Lạng" của Vương Thị Thương đã vinh dự giành giải Nhất chung cuộc.


Vương Thị Thương nhớ lại, động cơ để cô quyết định thôi nghề giáo, bước ra thương trường, là bởi mỗi mùa thu hoạch quả hồng vành khuyên, chứng kiến cảnh người dân trồng hồng ở xứ Lạng luôn lao đao, lúc được mùa thì mất giá, lúc được giá lại mất mùa khiến cô rất trăn trở.

“Với diện tích gần 2.000ha và sản lượng hơn 10.000 tấn mỗi năm, nguồn thu nhập chính của bà con Văn Lãng phụ thuộc vào quả hồng. Tuy nhiên, những năm được mùa thì hồng rớt giá, không có người thu mua. Những phụ nữ DTTS quê em không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói, lam lũ. Đấy chính là động lực thôi thúc em tìm giải pháp thay đổi số phận của quả hồng, cũng như số phận của người dân quê em”, nữ Giám đốc HTX trải lòng.

Sau 2 năm "ăn ngủ với quả hồng" để nghiên cứu ra quy trình sản xuất hồng vành khuyên, với khát vọng giúp sản phẩm của địa phương mình phát triển, bay cao bay xa hơn, năm 2022, Vương Thị Thương cùng 7 thành viên có kinh nghiệm trồng hồng ở địa phương thành lập HTX nông sản sạch Toàn Thương, do cô làm Giám đốc. HTX mở rộng phát triển vùng trồng hồng rộng 50ha theo hướng hữu cơ.

Nông dân xứ Lạng giới thiệu sản phẩm hồng vành khuyên địa phương.
Nông dân xứ Lạng giới thiệu sản phẩm hồng vành khuyên địa phương

Được sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, Giám đốc Vương Thị Thương mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tổng diện tích trên 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh... với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng. 

Ngoài ra, cô còn mua sắm thêm máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói theo công nghệ Nhật Bản, thiết kế theo quy trình khép kín. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày.

Hiện nay, HTX Toàn Thương sản xuất ra hai dòng sản phẩm chính là hồng sấy nhiệt và hồng treo gió thủ công. Theo chia sẻ từ Thương, điểm nổi bật của hồng vành khuyên treo gió là “treo 10 - 12 ngày đã có thể đẩy hết chất chát đi. Vì thế mà quả hồng dạng kem ăn rất ngon và không làm mọi người cảm thấy cứng hay khô". Vì vậy, sản phẩm hồng treo gió được bán với giá lên tới 300.000 đồng/kg.

Nhờ ứng dụng công nghệ, Giám đốc HTX Vương Thị Thương đã tăng giá trị hồng vành khuyên Lạng Sơn lên gấp 20 lần so với quả hồng tươi.
Nhờ ứng dụng công nghệ, Giám đốc HTX Vương Thị Thương đã tăng giá trị hồng vành khuyên Lạng Sơn lên gấp 20 lần so với quả hồng tươi

Để quảng bá sản vật địa phương cho khách du lịch, Thương đưa từng quả hồng vào bao bì nhỏ chứa thông tin 12 di tích lịch sử nổi tiếng tương ứng với 12 địa phương của Lạng Sơn. Cô cũng mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, gắn mã truy xuất nguồn gốc trên từng cây hồng. Sản phẩm được cô đăng ký bản quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu, phục vụ việc mở rộng sản xuất sau này.

Đặc biệt, sau khi tham gia các lớp tập huấn về marketing, Vương Thị Thương đã đưa hồng vành khuyên treo gió lên sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội tạo ra sự lan tỏa lớn về thương hiệu. Sản phẩm hồng tươi và hồng treo gió được phân phối tại các địa phương miền Bắc như TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang... 

Thương cho biết, hiện nay người dân địa phương trồng 1.300ha hồng, thu hoạch hơn 11.200 tấn hồng mỗi năm. HTX Toàn Thương bao tiêu tới 80% sản lượng hồng cho bà con địa phương. Năm 2022, HTX Toàn Thương đã cung cấp ra thị trường trên 500kg hồng vành khuyên treo gió, doanh thu gần 1,5 tỷ đồng. 

Năm 2023, HTX chế biến ra 10 tấn hồng thành phẩm, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng. Mùa hồng năm nay, HTX đang có kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và Trung Quốc. Dự tính doanh thu đạt 10 tỷ đồng.

Sản phẩm quả hồng tươi xứ Lạng được dóng hộp bán trên sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm quả hồng tươi xứ Lạng được dóng hộp bán trên sàn thương mại điện tử

Đến nay, HTX nông sản sạch Toàn Thương đã có 30 thành viên, 100 lao động gián tiếp, trong đó 80% là phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, 10% lao động khuyết tật; HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 10 hộ trồng; 2 hộ nghèo được HTX cung cấp phân bón, giống cây trồng, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm…

Ngoài nâng tầm sản phẩm hồng treo gió, Giám đốc Vương Thị Thương còn đang nghiên cứu làm trà hồng từ vỏ quả hồng và tận dụng những quả hồng chín quá để làm rượu hồng. Thương cũng ấp ủ ý tưởng xây dựng mô hình nông nghiệp farmstay để khách du lịch trải nghiệm sản phẩm, thắng cảnh địa phương. 

Tin cùng chuyên mục