Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Bước vào năm học 2021 - 2022: Nghiêm túc ngay từ ngày đầu tiên

PV - 18:48, 07/09/2021

Từ 6/9, đa số địa phương trong cả nước bắt đầu ngày học đầu tiên của năm học 2021 - 2022.

Học sinh tiểu học Hà Nội nghiêm cẩn trong giờ học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Ảnh minh họa
Học sinh tiểu học Hà Nội nghiêm cẩn trong giờ học trực tuyến đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Ảnh minh họa

Tùy tình hình dịch bệnh, các nhà trường, địa phương triển khai dạy học trực tiếp, hay trực tuyến; nhưng tinh thần chung là nỗ lực, nghiêm túc ngay từ ngày đầu.

Vào nhịp từ ngày đầu

Sáng 6/9, khoảng 700 học sinh (HS) Trường THPT Tân Lạc (Hòa Bình), với đồng phục tinh tươm bước vào ngày học đầu tiên của năm học mới. Các em là những học sinh may mắn vì được gặp thầy cô, bạn bè, được học trực tiếp sau một thời gian dài nghỉ hè. Sân trường rộng mênh mông, nên giờ chào cờ đầu tiên HS tập trung toàn trường vẫn bảo đảm giãn cách. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thu Hiền, cả giáo viên (GV) và HS tâm trạng đều phấn khởi, việc học đi vào nền nếp từ buổi đầu vì thầy cô đã chuẩn bị kỹ từ trước đó.

Tuy nhiên, sáng 6/9, hơn chục HS của Trường THPT Tân Lạc chưa được đến trường học trực tiếp. Đây là những em đi làm thời vụ ở tỉnh khác, sau đó trở về phải thực hiện cách ly tại địa phương. Trong số này, có em chỉ 2 - 3 hôm nữa là hết cách ly, có em còn cả tuần. Theo cô Nguyễn Thu Hiền, để HS không bị lỡ nhịp học, nhà trường đã lập danh sách, xếp lịch dạy online vào buổi chiều, hoặc buổi tối; Việc học online cũng sẽ được bắt đầu từ ngày 6/9.

Tương tự Trường Tân Lạc, HS Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) cũng có buổi đầu năm học mới suôn sẻ. Khác với ngày khai giảng trời mưa to, buổi học đầu tiên diễn ra trong tiết thu trong trẻo, nắng vàng rực rỡ. Ghi nhận từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng: HS đi học đầy đủ, đúng giờ, tinh thần vui vẻ, háo hức trước những bài học mới.

Thầy cô cũng rất vui vì được tiếp tục lên lớp sau thời gian dài nghỉ dịch và nghỉ hè. Nhà trường phân công các thành viên kiểm tra, đo thân nhiệt, nhắc nhở cán bộ, GV, HS thực hiện đúng quy định về phòng dịch; không tổ chức hoạt động tập trung đông người ngoài trời, như chào cờ, thể dục giữa giờ; phân chia khối lớp ra về lệch thời gian để giảm ùn tắc giờ tan học...

Thầy Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Để buổi đầu tiên được suôn sẻ, nhà trường đã tuyên truyền tới cán bộ GV, cha mẹ HS và HS việc phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, tiến hành tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, hướng dẫn cha mẹ HS chuẩn bị đủ cho các con sách giáo khoa, đồ dùng học tập... Trước ngày khai giảng, trường tiến hành tổng vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử khuẩn; trang trí cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ tạo không khí của ngày đầu năm học. Các thầy cô cũng đã nhận đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà động viên các em trước thềm năm học mới.

“Chúng tôi xác định tâm thế tận dụng tối đa “thời gian vàng” dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, thầy cô cũng chuẩn bị sẵn phương án phải dừng đến trường do dịch bệnh. GV nhà trường được triển khai, tập huấn các ứng dụng dạy học và kiểm tra trực tuyến. Các thầy cô cũng đã hướng dẫn cha mẹ HS, HS cách sử dụng ứng dụng dạy học online trên thiết bị máy tính, điện thoại di động của gia đình để sẵn sàng học trực tuyến” - thầy Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Tại Phú Thọ, 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy học trực tiếp trong ngày đầu năm học mới. Thông tin từ Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, cơ sở giáo dục sớm ổn định nền nếp, GV và HS thực hiện đúng giờ, sĩ số đạt gần 99%.

Buổi học đầu tiên của HS Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).
Buổi học đầu tiên của HS Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình).

Không để tác động tiêu cực của Covid-19 ảnh hưởng đến không gian lớp

Với những địa phương do điều kiện dịch bệnh không thể học trực tiếp, thầy cô, nhà trường đã chuẩn bị từ sớm để sẵn sàng học trực tuyến ngay từ 6/9.

Trong bộn bề công việc đầu năm học, thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc học (Thừa Thiên - Huế) có cảm xúc khó tả khi ngày học đầu tiên đến trường vắng bóng học trò. Thầy cô cũng chủ yếu chọn dạy học tại nhà vì mạng Internet ổn định hơn ở trường.

“Trường cấp tài khoản của Microsoft 365 cho tất cả HS và GV. Ban Công nghệ thông tin của trường chia HS theo đơn vị lớp thực và phân thời khoá biểu như học trực tiếp; tạo đường link để GV báo cáo số HS vắng và lý do vắng. Ở mỗi buổi học, HS ở trong lớp học trực tuyến từ đầu buổi đến cuối buổi, đến tiết dạy của GV nào thì GV đó vào lớp dạy (tương tự như dạy trực tiếp) và tiến hành bài giảng.

Ban Giám hiệu và Ban Công nghệ thông tin sẽ cập nhật số liệu, tình hình GV lên lớp qua chức năng quản lý của MS365. Ghi nhận buổi học đầu tiên, HS và GV tham gia đầy đủ. Một vài em bị trục trặc kỹ thuật và do chất lượng đường truyền nên thoát ra khỏi lớp học. Trường hỗ trợ để khắc phục những trường hợp này” - thầy Nguyễn Phú Thọ thông tin.

Với cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), điểm đặc biệt của ngày đầu tiên đi học ở trường thuộc về lớp 6 và lớp 10. Thầy cô, học trò chưa được gặp nhau trực tiếp, chỉ nhìn thấy nhau trên màn hình máy tính mà vẫn thấy gần gũi, thân quen. HS lớp 7, 8, 9, 11, 12 vào lớp học đúng giờ, hăng hái tham gia các hoạt động học tập. Các em đã “thích nghi” với việc học trực tuyến cùng thầy cô.

Cô Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành quản trị toàn hệ thống trên Microsoft Teams. Riêng HS đầu cấp, trường sớm gửi file hướng dẫn và cử GV giúp đỡ HS để các em nhanh chóng biết cách tham gia các giờ học trực tuyến. GV các tổ chuyên môn chủ động học hỏi và chia sẻ với nhau các hình thức tương tác trực tuyến với HS. Sự nhiệt tình, trách nhiệm của GV truyền cảm hứng học tập tích cực cho HS.

“Suy nghĩ tích cực, làm nhiều việc tốt là mục tiêu phấn đấu cho cả thầy và trò Trường Nguyễn Tất Thành. Chúng tôi luôn cố gắng không để các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến không gian lớp” - cô Thu Anh cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.