Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Bưởi Đoan Hùng- quả ngọt vùng Đất Tổ

Nguyễn Thế Lượng - 11:22, 07/01/2021

Những ngày tiết trời se sắt lạnh, chúng tôi về thăm xứ sở bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), nơi có những vườn bưởi chín vàng, trĩu quả bên dòng sông Lô hiền hòa, xanh thẳm. Vùng đất này từ xa xưa đến nay được mệnh danh là “lãnh địa” của giống bưởi quý, đặc sản của vùng Đất Tổ...

Bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu sản phẩm.
Bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu sản phẩm.

Nhắc đến Đoan Hùng, vùng đất gắn với chiến thắng sông Lô lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ai cũng nhớ đến giống bưởi quý đã được trồng, giữ giống hằng trăm năm nay- bưởi Đoan Hùng.

Năm nào cũng vậy, từ chớm Thu, bưởi Đoan Hùng bắt đầu chín và người dân nơi đây bước vào mùa thu hái bưởi suốt từ mùa Thu đến cuối năm. Những làng trồng nhiều bưởi nhất ở Đoan Hùng là Chí Đám, Bằng Luân, Khả Lĩnh, Phúc Lai, Quế Lâm, Yên Kiện, Phương Trung. Đến nay, cả huyện có hàng trăm ha bưởi được người dân trồng trong vườn nhà, ven sông, bãi bồi và chân đồi.

Những vườn bưởi ở Đoan Hùng rực vàng
Những vườn bưởi ở Đoan Hùng rực vàng

Lịch sử bưởi Đoan Hùng gắn với lịch sử bưởi tiến Vua xưa ở làng Đại Minh (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Xưa kia, ở làng Đại Minh, giống bưởi quý được người dân phát hiện trên núi và mang về trồng ở vườn nhà. Đó là loại bưởi sửu, quả to, múi dài, tôm trong vắt, đều chằn chặn, ăn có vị thơm, ngọt mát. Giống bưởi quý ấy có niên đại từ 300 - 400 trăm năm ở vùng đất Đại Minh. 

Hằng năm, vào mùa bưởi, người dân chọn những quả bưởi to, đẹp, vàng để cung tiến cho Vua, coi đó như một thứ của ngon vật lạ của làng mình. Về sau, người dân ở Đoan Hùng đã đến Đại Minh xin giống bưởi quý về trồng ở đất Chí Đám. Không ngờ, bưởi sửu hợp thổ nhưỡng, hợp lòng người đã bén rễ sinh sôi, đơm hoa kết trái ở vùng đất Đoan Hùng hàng trăm năm nay.

Mùa thu hái bưởi ở các làng của vùng đất Đoan Hùng
Mùa thu hái bưởi ở các làng của vùng đất Đoan Hùng

Theo thời gian, dù vào những thời điểm khó khăn nhất của cuộc sống, chiến tranh, bão lụt, mất mùa, người dân ở đôi bờ sông Lô vẫn kiên trì giữ cho đất mình giống bưởi quý. Mỗi năm lại nhân giống thêm nhiều gốc bưởi. Dần dần, nhiều vườn bưởi được mọc lên, quả ăn không hết, người dân mang bán tại chợ phiên, ven quốc lộ hoặc gửi về bán ở miền xuôi. Nhờ thế, khắp các vùng ở miền Bắc, miền Trung  đều biết đến danh tiếng  giống bưởi quý của Đoan Hùng.

Điều kỳ lạ ở chỗ, bưởi Đoan Hùng chỉ cho nhiều trái, quả thơm ngọt nếu được trồng ở vùng đất ở những xã ven dòng sông Lô. Còn nếu mang đi vùng khác, cây trở nên cằn cỗi, ra quả ít, không ngọt như bưởi trồng ở Đoan Hùng.

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, người dân Đoan Hùng bắt đầu một vụ chăm sóc bưởi bằng việc thụ phấn cho hoa. Sau đó, ngày ngày tưới nước, bón phân, phát quang cỏ để bưởi phát triển. Năm nào, những vườn bưởi ở Đoan Hùng cũng cho mùa bội thu. Mỗi gốc bưởi có tuổi từ 10 -15 năm đều cho từ 250 - 300 quả.

Bưởi Đoan Hùng- quả ngọt vùng Đất Tổ 3

Bưởi Đoan Hùng có những đặc điểm khác so với những giống bưởi quý khác trên cả nước: quả bưởi nhỏ, thon tròn, vỏ mỏng, múi dày, tôm mọng nước. Bưởi Đoan Hùng có vị thơm, vị ngọt thanh khiến ai được thưởng thức một lần cũng sẽ nhớ mãi. Đặc biệt, khi những quả bưởi Đoan Hùng đã chín già, người dân hái xuống, để dưới nền nhà sẽ giữ được tới nửa năm, vỏ bên ngoài héo nhưng múi bên trong vẫn căng mọng. Quả càng héo, độ ngọt của bưởi càng tăng. Hiện nay, những quả bưởi to, ngon bán với giá từ 80-100 ngàn đồng/quả, thấp nhất là 15 ngàn đồng/quả, tùy vào loại bưởi, vườn bưởi, kích cỡ của quả.

 Vào những ngày thu hái bưởi, người dân chọn hái những quả bưởi to nhất, vàng đẹp nhất để dâng cúng các Vua Hùng, dâng cúng tiên tổ như một sự tri ân công đức của tổ tiên.

Vào dịp Lễ hội đền Hùng, các hội chợ, người dân Đoan Hùng lập nên những gian hàng bưởi Đoan Hùng để giới thiệu cho người dân mọi miền trên đất nước biết và thưởng thức trái bưởi quý, như một đặc sản, một dấu ấn sinh động về miền hoa thơm trái ngọt nơi vùng Đất Tổ.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.