Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cà Mau: Đồng bào Khmer đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui tươi, phấn khởi

Như Tâm - 17:24, 03/04/2022

Thời gian qua, nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Cà Mau đã khắc phục được những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid - 19, ổn định và phát triển các hoạt động sản xuất, đời sống trong điều kiện "bình thường mới". Đồng bào đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2022 trong niềm vui, phấn khởi bỡi sự khởi sắc trở lại trên từng phum, sóc...


Các sư tại chùa Monivongsa treo cờ và băng rôn chào đón năm mới
Các sư tại chùa Monivongsa chuẩn bị trang hoàng ngôi chùa chào đón năm mới

Do tình hình diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp,Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer năm 2022, tiếp tục không tổ chức buổi họp mặt Người có uy tín, chức sắc và gia đình chính sách chung, mà Chủ tịch UBND tỉnhCà Mau đã giao cho Ban Dân tộc tỉnh, chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân dịp này, với chủ trương thích ứng với cuộc sống bình thường mới; tạo điều kiện chu đáo nhất cho đồng bào Khmer có cái Tết cổ truyền ấm áp, sum vầy.

Đi xuôi theo Quốc lộ 1A hướng về Đất Mũi, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của hai huyện (Cái Nước và Năm Căn) - điểm cuối cùng của cực Nam Tổ quốc. Tại xã Đông Thới (huyện Cái Nước), duyên may chúng tôi gặp được ông Danh Văn Đô, Người có uy tín, Trưởng Ban quản trị Salatel ấp Khánh Tư (Salatel là nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) cho biết: trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng với sự đóng góp tích cực của đồng bào Khmer nơi đây, cuối năm 2021, xã Đông Thới đạt được 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. 

Với niềm vui hoàn thành xã nông thôn mới và sau 2 năm liền bị tạm ngưng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đón tết Cổ truyền năm nay, đồng bào sẽ phấn khởi hơn. "Trong điều kiện bình thường mới, Ban Quản trị Salatel sẽ tổ chức phần lễ, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị vật phẩm chia ra theo từng nhóm để cúng bái, cầu an. Việc này, ngoài chuyện cầu phúc cho năm mới còn nhằm giáo dục các lớp trẻ phải biết các nghi lễ truyền thống mà bảo tồn và lưu giữ.” ông Đô chia sẻ.

Tại khóm 5,Thị Trấn Năm Căn, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng ông Danh Phước, Người có uy tín, Trưởng Ban Quản trị Salatel khóm 5. Ông Phước chia sẻ: “Do đặt thù đồng bào Khmer ở đây không đông, nhưng được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng Salatel, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào và Nhân dân trên địa bàn trong các dịp lễ, hội và Tết cổ truyền của dân tộc. Trong dịp Tết sắp tới này, chúng tôi sẽ tổ chức các nghi lễ truyền thống của dân tộc để đồng bào đến cùng cầu an đón năm mới, trên tinh thần đảm bảo phòng chống dịch”.

Vượt đoạn đường gần 60 km, quay về điểm xuất phát để đến viếng chùa Khmer đẹp nhất tỉnh tại phường 1, TP. Cà Mau. Tại đây, ghi nhận không khí nhộn nhịp qua việc chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào Khmer trong điều kiện “bình thường mới” khi dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát.

Đồng bào Khmer tranh thủ quét dọn chùa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền
Đồng bào Khmer tranh thủ quét dọn chùa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền

Chùa Monivongsa cũng là nơi làm việc của Văn phòng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, nên các hoạt động chuẩn bị đón chào năm mới nơi đây có phần nhộn nhịp và khá nhiều phần việc. Thông tin về Tết cổ truyền những năm qua, Hòa thượng Thạch Hà, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, trụ trì chùa Monivongsa bày tỏ, hai cái Tết cổ truyền trước, Hoà thượng và chùa chủ yếu là chung tay cùng chính quyền lo cho phật tử phòng, chống dịch hạn chế việc tụ tập đông người, ngay cả việc đến chùa lễ phật cũng tạm ngưng.

 Bên cạnh đó, các cơ sở thờ tự luôn nâng cao ý thức, thực nghiêm công tác phòng, chống dịch; đồng bào Khmer cũng luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương đẩy lùi dịch bệnh để hôm nay có cuộc sống trở lại bình thường.

Hoà thượng Thạch Hà chia sẻ thêm: Phấn khởi là, mặc dù hai năm qua khó khăn, ảnh hưởng rất nặng từ dịch bệnh, nhưng Chùa và Hội luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, dành thời gian đến thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng đối với sư sãi, chư tăng, bà con dân tộc Khmer trong tỉnh nhân các dịp lễ, Tết của dân tộc mình. 

Đón Tết cổ truyền năm 2022 này, Hoà thượng cùng các vị trong Ban Trị trị sự và Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, cố gắng chuẩn bị chu đáo các nghi lễ chính nhằm tạo khí thế mới cho đồng bào, sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục giáo dục cho phật tử và đồng bào Khmer thấy được việc hỗ trợ, chăm lo kịp thời của Đảng và Nhà nước  cho sự phát triển toàn diện của vùng đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. 

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc

Gia Lai chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc

Chiều 12/9, UBND tỉnh Gia Lai đã phát động, vận động, kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Buổi phát động được kết nối trực tuyến với 17 điểm cầu tại 17 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh.