Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Cà Mau: Dự án 6 - dấu ấn từ một Chương trình mục tiêu đặc biệt

Như Tâm - 19:53, 27/05/2025

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển, việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội quý báu để thúc đẩy du lịch cộng đồng, một hướng đi bền vững ở nhiều địa phương khu vực Tây Nam bộ. Tại tỉnh Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc, Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đang được triển khai như một cách “kích hoạt” và thúc đẩy tiềm năng phát triển du lịch từ vùng đồng bào các DTTS của tỉnh.

Triển khai thực hiện Dự ăn 6, tỉnh Cà Mau đã hỗ trọc 4 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer
Triển khai thực hiện Dự án 6, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ 4 dàn nhạc ngũ âm cho các chùa Khmer

Nhiều công trình sớm phát huy hiệu quả

Từ nguồn vốn ở Trung ương và địa phương, nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa đã được thực hiện đồng bộ; đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, tổ chức lễ hội, phục dựng nghệ thuật truyền thống, truyền dạy nhạc ngũ âm; hỗ trợ nghệ nhân, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân…

Chỉ tính trong 3 năm (2022-2024) UBND tỉnh Cà Mau đã giao vốn cho Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh là 6.729 triệu đồng, đơn vị đã thực hiện hoàn thành việc hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho 10 Salatel và trụ sở sinh hoạt văn hóa thuộc các ấp đặc biệt khó khăn, các ấp thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; triển khai đầu tư xây dựng mới 02 Salatel (trên địa bàn xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi và xã Khánh Hòa, huyện U Minh)... đến nay, đã hoàn thành trên 100% khối lượng, tổng giải ngân được 6.613 triệu đồng, đạt trên 98% kế hoạch vốn được giao.

Riêng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong 03 năm (2022, 2023 và 2024) UBND tỉnh cấp nguồn vốn là 9.756 triệu đồng. Kết quả đến 31/01/2025, đã thực hiện giải ngân được đạt gần 93% kế hoạch vốn. Cụ thể, Sở đã thực hiện hoàn thành trùng tu, tôn tạo 02 điểm chùa Nam tông Khmer (Chùa Tam Hiệp, huyện Trần Văn Thời và Chùa Đầu Nai, huyện Thới Bình); Hỗ trợ, sửa chữa 01 chiếc ghe Ngo; tổ chức 04 lớp tập huấn, đào tạo, truyền nghề loại hình nghệ thuật Nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer tại các điểm chùa; Phục dựng 02 Lễ hội truyền thống của dân tộc Khmer (Nghi thức rước Têu-va-đa đón Tết Chôi Chnam Thmây và Lễ hội đắp núi cát); tổ chức 15 cuộc trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép với chương trình nghệ thuật của đơn vị trong các đợt lưu diễn và biểu diễn tại các trường dân tộc nội trú; hỗ trợ 04 bộ ngũ âm cho 04 điểm chùa và hỗ trợ các thiết bị văn hóa khác cho vùng DTTS.

Từ chùa Rạch Giồng đến chùa Tam Hiệp, những giai điệu nhạc ngũ âm vang lên như lời nhắn gửi từ lời nguyện của đồng bào, là luôn giữ gìn bàn sắc văn hoá của dân tộc. Những chiếc ghe ngo truyền thống được sửa chữa, đội đua được tập luyện và thi đấu trở lại. Những lễ hội truyền thống như Chôl Chnăm Thmây hay nghi lễ đắp núi cát, không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà đang dần trở thành điểm nhấn du lịch văn hóa độc đáo của vùng cực Nam của Tổ quốc.

Nói về tiến độ giải ngân và hiệu quả các công trình, ông Nguyễn Thành Niệm, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau cho biết, các lớp đào tạo về chế biến món ăn truyền thống, kỹ năng phục vụ du khách, hướng dẫn tour… được tổ chức giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer có thêm cơ hội chuyển mình từ người gìn giữ văn hóa thành chủ thể làm du lịch.  

“Quan trọng hơn, dự án đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, gắn kết cộng đồng và hình thành nền tảng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại các địa phương có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, cũng là cơ hội tạo việc làm cho đồng bào tại địa phương”, ông Niệm khẳng định.

Được quan tâm đầu tư, nhiều chùa Khmer ở Cà Mau trở thành điểm đến của khách du lịch
Được quan tâm đầu tư, nhiều chùa Khmer ở Cà Mau trở thành điểm đến của khách du lịch

Kết nối bản sắc, phát triển bền vững

Triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 sẽ còn nhiều khó khăn phát sinh, nhất là giai đoạn thực hiện sáp nhập tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau trăn trở, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cán bộ văn hóa cấp cơ sở còn mỏng và yếu về chuyên môn, sắp tới không còn cấp huyện. Sự phối hợp giữa các ngành khi mới sáp nhập sẽ chưa kịp thời bắt nhịp; việc tuyên truyền, vận động tranh thủ sự đồng thuận của đồng bào ở một số nơi gặp phải khó khăn khi sắp xếp lại bộ máy và nguồn kinh phí...

Từ thực tế triển khai Dự án 6, bài học lớn nhất là phải đặt đồng bào các DTTS vào trung tâm. Cộng đồng không chỉ là vùng đồng bào DTTS được thụ hưởng mà chính là chủ thể gìn giữ và phát huy văn hóa được lưu truyền. Vì thế, theo Đại đức Phạm Minh Thắng, Trụ trì chùa Tam Hiệp, huyện Trần Văn Thời, là 01 trong 02 điểm chùa Nam tông Khmer được trùng tu, tôn tạo theo nguồn vốn Dự án 6, thuộc Chương trình MTQG 1719 cho biết: Chùa Tam Hiệp được đầu tư trùng tu, mở rộng nhiều hạng mục, không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của phật tử, đồng bào dân tộc Khmer nơi đây, mà còn xây dựng điểm đến cho du khách  mỗi khi đến địa phương. 

“Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Ðảng và Nhà nước, cùng chính quyền địa phương và đóng góp của đồng bào phật tử tạo nên tài sản có giá trị văn hoá của cộng đồng. Chính vì thế không ai hết, chính đồng bào phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp cho cộng đồng”, Đại đức Phạm Minh Thắng chia sẻ như một lời tâm niệm.

Việc thực hiện Dự án 6 ở Cà Mau không đơn thuần là những con số đầu tư hay hạng mục xây dựng. Đó là hành trình phục hưng di sản, làm sống lại những giá trị truyền thống giữa lòng thời đại mới. Chính vì lẽ đó, ở Cà Mau, những hạt mầm văn hóa đang được gieo lại bằng sự quan tâm, đầy trách nhiệm và cả tầm nhìn chiến lược, vì một tương lai bền vững cho vùng đồng bào các DTTS, vì một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả thiết thực từ Chương trình MTQG 1719

Hiệu quả thiết thực từ Chương trình MTQG 1719

Qua 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), bằng nhiều giải pháp đồng bộ, các địa phương đã lồng ghép, thực hiện hiệu quả các dự án, Tiểu dự án thành phần của Chương trình. Đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những thay đổi đáng kể; tạo động lực tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong những năm tiếp theo.