Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cà Mau: Giải bài toán việc làm

Như Tâm - 11:12, 02/04/2021

Tỉnh Cà Mau có 73% dân số đang ở độ tuổi lao động, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, những tác động do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, khiến địa phương gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Giữ chân người lao động bằng những giải pháp tạo việc làm luôn là vấn đề được tỉnh Cà Mau quan tâm giải quyết.

Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động
Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động

Giải pháp từ thực tế

Theo thông tin của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trung bình mỗi năm, Cà Mau có khoảng trên 200 ngàn lao động phải xa quê, tìm việc làm ngoài tỉnh. Hầu hết số lao động này không tay nghề, không tư liệu sản xuất, tính chất công việc bấp bênh, đối diện với yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chi phí sinh hoạt, đi lại… Vì vậy, không ít lao động sau thời gian mưu sinh bên ngoài, lại trở về địa phương sinh sống.

Từ thực tế trên, giải quyết việc làm tại chỗ luôn là vấn đề được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhiều giải pháp được triển khai, nhằm tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động. Trước hết, là đổi mới công tác dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường; mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục, với 75 ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với đặc thù của từng huyện, thành phố và điều kiện sản xuất của người dân. Nổi bật có các nghề như: nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn, tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng….

Đặc biệt, tỉnh chú trọng định hướng, chỉ đạo chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, đoàn thể, tận dụng lợi thế của địa phương mở các lớp dạy các nghề, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề; hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lớp dạy nghề. Như ở huyện Trần Văn Thời, có nghề ép chuối khô, làm khô bổi; nghề làm tôm khô, nuôi cá chẽm ở huyện Ngọc Hiển; nghề sửa chữa điện, đan lát ở thành phố Cà Mau...

 Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm/năm, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu tuyển sinh, tuyển chọn lao động. 

Bức tranh sáng về việc làm

Từ chủ trương và giải pháp đưa ra, đã xuất hiện nhiều mô hình giải quyết việc làm hiệu quả. Minh chứng như ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi có hơn 400 lao động phải đi làm ăn xa. Trước thực tế này, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể đã chủ động kết nối tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Như Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Sen, với vai trò là Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ của ấp, chị Nguyễn Hồng Đẹp đã trực tiếp đứng ra kết nối với một Công ty ở Vĩnh Long tổ chức đào tạo nghề đan sọt nhựa xuất khẩu; đồng thời trực tiếp ký hợp đồng với công ty này nhận nguyên liệu về cho phụ nữ tại ấp làm. Đến nay, đã có 4 tổ nhóm, với gần 40 lao động nữ tại địa phương tham gia, với mức thu nhập khoảng 60 ngàn đồng/ngày.

Bà Huỳnh Thị Điệp, người trong ấp phấn khởi nói: “Lớn tuổi rồi, có được nghề này mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn, cũng giúp trang trải phần nào cuộc sống hàng ngày”.

Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 195.700 lao động (đạt 103% kế hoạch). Đặc biệt, trong năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, kinh tế-xã hội, nhưng Cà Mau vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Trong đó, tỉnh vẫn giải quyết việc làm cho gần 41 nghìn lao động (vượt 5% kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo là 50%...

Đáng phấn khởi là tỷ lệ lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 80%. Thu nhập của lao động sau khi được học nghề cũng tăng hơn 50% so với trước khi được học nghề. Kết quả này đã đưa tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đến cuối năm 2020 còn 1,57%, vượt kế hoạch đề ra.

Tiếp tục điều chỉnh cơ chế, tìm kiếm giải pháp 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng hiện nay, tỉnh Cà Mau vẫn còn hơn 50% lực lượng lao động là lao động nông nghiệp, trong khi, nghề chính là nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản sinh thái có tính thời vụ, sử dụng không nhiều lao động. Hơn nữa, Cà Mau là địa bàn sông nước, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thông tin,…ở các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sinh hoạt, đời sống, tiêu thụ sản phẩm, cũng như khả năng tìm việc làm và tự tạo việc làm đối với người lao động.

Lực lượng lao động qua đào tạo chủ yếu ở trình độ sơ cấp nghề; ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; các địa phương chưa chủ động liên kết với doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và tạo việc làm cho người học sau đào tạo.

Trong khi đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau đã đặt ra mục tiêu phấn đấu, giải quyết việc làm cho 200.000 lao động, bình quân hàng năm là 40.000 lượt lao động; đào tạo nghề cho 140.000 lao động, trong đó đào tạo chất lượng tay nghề cao khoảng 13.400 người (có trình độ cao đẳng trên 10 nghìn người).

Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết: tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục rà soát về cơ chế, chính sách tạo việc làm, đào tạo nghề. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tăng cường phân luồng và ưu tiên đào tạo nghề. Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm từ các hoạt động: phát triển kinh tế - xã hội và cho vay vốn ưu đãi để tạo việc làm của địa phương; tuyển chọn, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh;  tuyển chọn, xuất khẩu lao động

“Tỉnh cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, đẩy mạnh khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ thông tin… giúp doanh nghiệp phát triển, nhằm tạo việc làm tại chỗ cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chia sẻ.