Tại buổi lễ, ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết đã mở ra một trang mới trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Thực thi Hiệp định, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Với tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo công cuộc chiến đấu ở miền Nam, và chuyển phần lớn lực lượng cán bộ, bộ đội, học sinh ở các tỉnh Nam Bộ tập trung ở một số nơi, trong đó có hàng chục nghìn người tập trung ở Cà Mau để tập kết ra Bắc.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh: Sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 là một cuộc chuyển quân có ý nghĩa chiến lược nhằm đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập và đào tạo lực lượng để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
70 năm trôi qua, với truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Độc lập – Tự do của dân tộc, để chuẩn bị kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc, năm 2024, tỉnh Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của sự kiện trên các phương tiện truyền thông; hoạt động tái hiện 200 ngày sự kiện tập kết ra Bắc…
"Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh cũng như hiện vật về giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc", ông Ngại nói.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau đã quyết định đầu tư cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Đốc. Đây là một công trình văn hóa lịch sử với tổng diện tích trên 10ha với nhiều hạng mục. Trong đó, hạng mục chính là biểu tượng con tàu và phù điêu nhằm tái hiện, khắc ghi dấu ấn lịch sử về sự kiện tập kết ra Bắc 1954.
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, đây không chỉ là công trình ghi nhớ công lao, tri ân đối với các bậc tiền nhân đi trước mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Ngoài ra, nơi đây cũng là địa điểm để tham quan, học tập, sinh hoạt cho mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và du khách… Với giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc , Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia đối với địa điểm tập kết ra Bắc 1954 tại tỉnh Cà Mau.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng có liên quan khẩn trương có phương án cụ thể để quản lý, giữ gìn để công trình phát huy tối đa giá trị.
Được biết, cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc, phần tượng đài có hình chiếc tàu dài 25m, cao 10,5m, rộng 8,5m. Bức phù điêu 2 bên thân tàu được khắc họa cách điệu gồm các thành phần lực lượng cán bộ, chiến sĩ miền Nam, Nhân dân và gia quyến tiễn đưa người thân theo chuyến tàu. Ngoài ra, phía trước tàu khắc họa mô tả hình ảnh Má Sảnh trao cây vú sữa miền Nam ra tặng Bác Hồ và tiễn đưa đoàn người đi tập kết, với tổng mức đầu tư hơn 176 tỉ đồng.