Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Cà Mau: Nhiều hoạt động hướng tới Kỷ niệm 60 năm “Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là”

Như Tâm - 08:23, 19/11/2023

Nhằm phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của vùng đất có bề dày lịch sử, ghi nhớ công lao và những chiến tích của quân và dân Cà Mau, trước thềm Kỷ niệm 60 năm “Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hàng loạt các sự kiện, hoạt động ý nghĩa nhằm tri ân các gia đình cách mạng, nhân chứng lịch sử và giáo dục lòng yêu nước trong thế hệ trẻ.

Thăm hỏi gia đình nhân chứng lịch sử

Theo lãnh đạo tỉnh Cà Mau, việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào về quê hương Cà Mau anh hùng đến cán bộ và Nhân dân tỉnh, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 -2025.

Cụ thể như, mới đây, Đoàn công tác do ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà đến 3 nhân chứng lịch sử và là gia đình tiêu biểu, là ông Huỳnh Hữu Quảng (SN 1945), 55 tuổi Đảng, thương binh 4/4; ông Trịnh Văn Thư (SN 1944), 45 năm tuổi Đảng, thương binh 3/4 (cùng ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi) và ông Nguyễn Tấn Lực (SN 1943), thương binh 1/4 (ngụ xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi),   mỗi gia đình nhân chứng lịch sử 1 phần quà và tiền mặt trị giá 2 triệu đồng.

Trò chuyện và chứng kiến các gia đình nhân chứng lịch sử đều có cuộc sống tươm tất ổn định, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau bày tỏ sự vui mừng, đồng thời nhấn mạnh: “Các thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công ơn các gia đình có công với cách mạng, cũng như những thế hệ đi trước đã có công đùm bọc, che chở, bảo vệ an toàn cho cán bộ và các khu căn cứ cách mạng. Đặc biệt, các nhân chứng lịch sử không ngại hy sinh, với tinh thần mưu trí, dũng cảm đã trực tiếp tham gia trận đánh tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi, Cái Nước và Cứ điểm Chà Là”.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã ân cần thăm hỏi, chúc các nhân chứng lịch sử và gia đình luôn sống vui, sống khỏe, hạnh phúc, tiếp tục phát huy thành tích đạt được, tuyên truyền giáo dục các con, cháu và Nhân dân ở địa phương phát huy thật tốt truyền thống cách mạng, tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau và đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.

Bí thư Nguyễn Tiến Hải khẳng định, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, là thắng lợi oanh liệt, đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau, chứng minh lực lượng vũ trang của ta đã phát triển mạnh. Đây là lần đầu tiên ta đánh cùng một lúc hai chi khu, là một trong những trận thắng lớn, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, hiệu suất chiến đấu cao, đã mở màn cho lực lượng vũ trang đánh vào các chi khu của địch, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào phá ấp chiến lược của địch trên chiến trường Cà Mau. Từ diễn biến và kết quả chiến dịch này, vùng giải phóng ở Nam Cà Mau và Bắc Cà Mau được mở rộng liên hoàn, hàng loạt ấp chiến lược ở các xã khác cũng bị san bằng...

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tiếp tục quan tâm chăm lo đối với gia chính sách và người có công với cách mạng, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội nhằm tri ân những người có công, thể hiện truyền thống, đạo lý cao đẹp ‘‘Uống nước nhớ nguồn’’ của dân tộc Việt Nam.

 Cũng trong dịp này, Đoàn công tác do Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện làm trưởng đoàn, đã đến thăm, tặng quà các nhân chứng lịch sử, gia đình tiêu biểu trên địa bàn huyện Thới Bình.

Đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1941, thương binh ¾, ngụ Ấp 2, xã Tân Lộc, nhập ngũ năm 1962 đơn vị DK275 trực thuộc Trung đoàn Quân khu 9; bị thương khi tham gia trận đánh Chà Là ngày 24/11/1963
Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà gia đình ông Nguyễn Thanh Tòng, thương binh ¾, ngụ Ấp 2, xã Tân Lộc, đơn vị nhập ngũ là DK275, thuộc Trung đoàn Quân khu 9; bị thương khi tham gia trận đánh Chà Là ngày 24/11/1963

Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Được biết, ngoài thăm hỏi, tri ân các gia đình có công, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, niềm tự hào về quê hương Cà Mau anh hùng trong Nhân dân.

Đơn cử, ngày 11/11, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu Chiến binh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau tổ chức “Về nguồn giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Ông Đỗ Tấn Phước, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau khẳng định: “Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là” của quân và dân ta trên chiến trường Cà Mau, là một điển hình sống động về bài học quý giá “lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa”; đồng thời khẳng định đường lối chiến tranh Nhân dân của Đảng ta hoàn toàn đúng đắn.

 Chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là đã ghi thêm những chiến công chói lọi và làm rạng rỡ trang sử hào hùng của dân tộc, trong giai đoạn đầu của chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. 60 năm trôi qua, nhưng những chiến tích hào hùng rất đỗi tự hào của quân và dân Cà Mau về chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là vẫn được ghi nhớ, gìn giữ trong mỗi người dân Cà Mau”.

Anh Trần Thái Bình - Bí thư chi đoàn Trường THCS Trần Văn Phán, đại diện cho tuổi trẻ Cà Mau bày tỏ: “Tuổi trẻ hôm nay may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, trong độc lập tự do của dân tộc; được học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Tuổi trẻ Cà Mau luôn tự hào và vô cùng biết ơn các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, các thương bệnh binh… đã không tiếc máu xương cho hoà bình, tự do của dân tộc như ngày hôm nay”.

Theo tư liệu, cách đây tròn 60 năm, Bộ Tư lệnh quân khu, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau, lực lượng bộ đội chủ lực của Quân khu, Tiểu đoàn U Minh và du kích địa phương đã tiến công quân sự, giành chiến thắng vang dội ở 2 chi khu: Đầm Dơi, Cái Nước (vào đêm 9 rạng sáng 10-9-1963) và cứ điểm quân sự kiên cố của Mỹ ngụy ở Chà Là (ngày 23 và 24-11-1963). Các trận đánh này, ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 1.000 tên địch, bắn hạ hàng chục máy bay, phá hủy nhiều đồn bót, mở rộng vùng giải phóng, thu được một lượng lớn vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Tại cứ điểm Chà Là được xem là “mồ chôn máy bay địch”

Lễ kỷ niệm “60 năm chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là”, sẽ chính thức được tổ chức vào 9h ngày 23/11 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau. Tiếp đó, tổ chức lễ phát động hiến tặng tài liệu, hiện vật trong kháng chiến, trưng bày các hiện vật phục vụ Nhân dân tham quan; bên cạnh đó là các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ phục vụ quần chúng Nhân dân...