Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Cà Xen không còn xa ngái...

Khánh Ngân - 21:25, 12/05/2023

Trong tiềm thức của nhiều người ở Quảng Bình, bản Cà Xen, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, là bản xa ngái nằm mù tít trên đỉnh Trường Sơn. Nhưng giờ đây, đường phẳng lỳ đã đưa ô tô chạy về tận bản. Mới đây có dịp về với bản Cà Xen, được thưởng ngoạn vẻ yên bình trong nắng mới với vẻ đẹp xanh mướt của cây cối, của những ruộng lúa nước đang vào độ đẻ nhánh. Thấp thoáng dưới chân núi, những ngôi nhà kiên cố thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ trước kia.

Là bản vùng biên, nhưng Cà xen không còn xa ngái, mọi chủ trương, chính sách về công tác dân tộc luôn thông suốt về với Cà Xen
Là bản vùng biên, nhưng Cà xen không còn xa ngái, mọi chủ trương, chính sách về công tác dân tộc luôn thông suốt về với Cà Xen

Trong không gian ấm cúng của nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cà Xen, Trưởng bản Hồ Xuân không giấu được niềm vui kể lại, năm nay, bà con đón Tết Nguyên đán rất vui, hộ nghèo của bản được tỉnh tặng 1 triệu đồng, huyện tặng gạo nếp, thịt lợn cùng nhiều món quà của các nhà hảo tâm. Từ năm 2022, lần đầu tiên bản có 2 hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nuôi trâu bò, trồng rừng, trồng lúa.

Là bản vùng biên, Cà Xen có 60 hộ, 193 nhân khẩu đều là người Mã Liềng (Một nhánh địa phương thuộc dân tộc Chứt - PV). Toàn bản hiện có 4,6 ha lúa nước, với sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương, đã giúp bà con mỗi năm sản xuất hai vụ lúa. Ngoài ra, đồng bào còn trồng thêm cây hoa màu như ngô, lạc, sắn, khoai… nên đã làm chủ được lương thực. 

Đặc biệt, chăn nuôi cũng được xác định, là hướng đi trên hành trình xóa đói giảm nghèo của đồng bào ở Cà Xen. Do đó, hiện nay, tổng đàn trâu, bò ở bản đã có gần 70 con, trong đó có 10 con bò lai; đàn gia cầm có 1.400 con. Tổng đàn gia súc, gia cầm đã tăng qua hàng năm góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ đồng bào DTTS. 

Là bản vùng biên, trong tiềm thức của nhiều người ở Quảng Bình, bản Cà Xen là bản xa ngái nằm mù tít trên đỉnh Trường Sơn. Nhưng giờ đây, Cà Xen không còn xa ngái. Mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính sách đặc thù của địa phương về dân tộc luôn được thông suốt về với Cà Xen. Trên hành trình thoát nghèo của người Chứt, luôn có sự hỗ trợ, tiếp sức từ những chủ trương, chính sách của Đảng.

Cà Xen không còn xa ngái 1
Vợ chồng ông Hồ Bợt ở bản Cà Xen thu hoạch được khoảng 8 tạ lúa vụ Hè Thu

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết: Những năm trước đây, đồng bào chưa có động lực và quyết tâm thoát nghèo. Tuy nhiên thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2022, từ việc thực hiện Nghị quyết số 08 NQ/TU, ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (NQ số 08); đặc biệt 2năm gần đây, việc triển khai giải ngân các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tuyên Hóa, trong đó có bản Cà Xen, thì diện mạo, đời sống người dân ở bản Cà Xen đã có nhiều thay đổi, khởi sắc.

Giờ đây, đường phẳng lỳ đã đưa ô tô chạy về tận bản. Mới đây có dịp về với bản Cà Xen, được thưởng ngoạn vẻ yên bình trong nắng mới với vẻ đẹp xanh mướt của cây cối, của những ruộng lúa nước đang vào độ đẻ nhánh. Thấp thoáng dưới chân núi, những ngôi nhà kiên cố thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ trước kia.

Kể về hành trình thoát nghèo của mình, anh Cao Thông (SN 1967), hộ dân ở bản Cà Xen khoe, hiện nay gia đình anh có 5 ha rừng, 3 con trâu, 4 con bò, 2 con lợn, các thành viên gia đình anh luôn tay luôn chân với công việc. Nguồn thu từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc đã đuổi được cái đói, cái nghèo bao năm đeo đẳng gia đình. "Mừng nhất là cuối năm 2022 nhà mình, cùng với nhà Trưởng bản Hồ Xuân đã thoát nghèo được nêu gương ở xã", anh Cao Thông nói.

Cà Xen không còn xa ngái 3
Đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Bình do Bí Thư tỉnh ủy Vũ Đại Thắng làm Trưởng đoàn về thăm đồng bào Chứt ở bản Cà Xen vào đầu năm 2023

Còn nhớ, những ngày đầu năm 2023, đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Bình do Bí thư tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã lên thăm đồng bào Chứt ở Cà Xen. Lắng nghe câu chuyện về hành trình thoát nghèo, vươn lên trong gian khó, hạn chế của bà con, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng rất xúc động, chúc mừng những đổi thay quan trọng của đồng bào dân bản Cà Xen. Đặc biệt, những khó khăn và nguyện vọng, mong muốn của bà con, cũng đã được Đoàn công tác lắng nghe chia sẻ.

Chính quyền các cấp cũng đã xác định, để mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững của đồng bào Chứt ở Cà Xen thành hiện thực, việc thực hiện Nghị Quyết số 08 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, là tiền đề quan trọng. Đó cũng là động lực to lớn để đồng bào ở Cà Xen vững tin trên hành trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Cà Xen không còn xa ngái 4
Trồng rừng cũng đang là kế mưu sinh giúp người Chứt ở Cà Xen vươn lên thoát nghèo bền vững

Phấn khởi là, cùng với phát triển của kinh tế, đồng bào Chứt ở Cà Xen đã ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, vận động con em đến lớp đầy đủ. Hiện cả bản có 74 em trong độ tuổi đi học, một số em học lên đến cấp THPT, vào đại học và trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, ở cấp học THCS, so với trước kia, nay đã không em nào bỏ học giữa chừng, bản làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hầu hết hộ dân trong bản đều có nhà ở kiên cố, có phương tiện giao thông, nghe nhìn, các vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

Cùng với những chính sách đặc thù về công tác dân tộc, sự nỗ lực của đồng bào, đặc biệt, hai tấm gương thoát nghèo của Trưởng bản Hồ Xuân và gia đình ông Cao Thông là những yếu tố quan trọng, cổ vũ kịp thời để đồng bào bản ở Cà Xen phát huy tinh thần tự tôn, tự hào nỗ lực hơn trong lao động sản xuất để thêm nhiều hộ thoát nghèo, bản làng ngày càng khởi sắc.

Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.