Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Các Chương trình MTQG tạo bước phát triển mới cho Phìn Ngan

Trọng Bảo - 18:44, 08/05/2025

Phìn Ngan là xã còn nhiều khó khăn của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thời gian qua nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG) đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương vùng khó này.

Hệ thống giao thông thôn bản ở Phìn Ngan được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình MTQG
Hệ thống giao thông thôn bản ở Phìn Ngan được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình MTQG

Theo đó, hàng loạt các công trình, dự án về giao thông được hỗ trợ và đầu tư, như công trình đường giao thông nội đồng thôn Sùng Bang được UBND xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phê duyệt dự án vào tháng 11/3/2024 và được điều chỉnh dự án vào tháng 8 năm 2024, với tổng mức đầu tư trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (MTQG 1719). 

Tuyến đường có chiều dài 0,8km được thiết kế đường cấp A giao thông nông thôn, với bề rộng mặt đường 6m đổ bê tông và các hạng mục phụ trợ. Tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa cũng như từng bước hoàn thiện tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới của xã.

“Trước đây, tuyến đường này là đường đất, ngày nắng còn đỡ chứ những ngày mưa bà con đi lại rất vất vả; chủ yếu phải đi bộ chứ xe máy không thể di chuyển được. Từ việc khảo sát, lấy ý kiến người dân trong thôn chúng tôi đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường này; trước hết là tạo điều kiện phát triển cho Nhân dân trong thôn nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội toàn xã nói chung”, ông Vàng A Khé, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết thêm.

Diện mạo nông thôn vùng cao Phin Ngan đã và đang thay đổi mạnh mẽ
Diện mạo nông thôn vùng cao Phin Ngan đã và đang thay đổi mạnh mẽ

Triển khai nguồn vốn đầu tư thuộc Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến năm 2024 xã Phìn Ngan đã làm 8 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Có thể kế đến các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại như: Đường giao thông thôn Lò Suối Tủng đi Láo Vàng chiều dài 2,45km tổng vốn đầu tư hơn 2,9 tỷ đồng; công trình đường giao thông thôn Trung Chải đi Cầu treo Tủi Mần chiều dài 1,8km tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng…

Chị Mẩy hy vọng khi cây mận cho quả sẽ có thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống của gia đình
Chị Mẩy hy vọng khi cây mận cho quả sẽ có thêm nguồn thu nhập nâng cao đời sống của gia đình

Cùng với việc củng cố cơ sở hạ tầng, nguồn lực từ các Chương trình MTQG đã và đang tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Phìn Ngan. Năm 2024, gia đình chị Tẩn Khờ Mẩy, là một trong những hộ được lựa chọn tham gia dự án trồng mận Tả Van theo nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tham gia dự án, chị Mẩy được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc giống mận Tả Van - đây là giống mận đặc sản có giá trị kinh tế cao hiện nay.

“Tôi đã trồng 300 gốc mận Tả van trên diện tích đất trồng ngô của gia đình. Trong thời gian chờ mận sinh trưởng và phát triển, tôi vẫn trồng xen canh cây ngô để bảo đảm lương thực và thức ăn chăn nuôi. Tôi rất hy vọng, sau khi cây mận cho quả sẽ có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống của gia đình”, chị Mẩy chia sẻ.

Trong quá trình cây mận sinh trưởng và phát triển bà con vẫn có thể trồng xen canh ngô để bảo đảm lương thực và thức ăn chăn nuôi
Trong quá trình cây mận sinh trưởng và phát triển bà con vẫn có thể trồng xen canh ngô để bảo đảm lương thực và thức ăn chăn nuôi

Có thể nói, nguồn lực đầu tư của Đảng và Nhà nước thời gian qua đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của xã Phìn Ngan. Chỉ tính riêng trong năm 2024 toàn xã đã giảm được 43 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo của xã còn 279 hộ.

Bên cạnh đó, Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Dao trên địa bàn xã đã và đang được triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ người dân được nghe đài đạt 95%, tỷ lệ người dân được xem ti vi đạt trên 70%, trên 85% hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa, 6/10 thôn đạt thôn bản văn hóa…

“Có được kết quả này, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của Nhân dân, thì nguồn lực từ các Chương trình MTQG có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hàng chục tỷ đồng thuộc các Chương trình MTQG được đầu tư trên địa bàn xã; nhờ đó, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm…không ngừng được củng cố; nhiều giống cây con mới có giá trị kinh tế như mận Tả van, dưa hấu, lợn đen bản địa được đưa vào nuôi trồng thay thế những những giống cũ kém hiệu quả. Nhờ vậy, góp phần cải thiện thu nhập cho đồng bào các dân tộc”, Chủ tịch UBND xã Vàng A Khé cho biết.

Bà con nông dân Phìn Ngan thu hoạch vỏ quế
Bà con nông dân Phìn Ngan thu hoạch vỏ quế

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định Phìn Ngan đã và đang có những chuyển biến tích cực về mọi mặt; diện mạo nông thôn vùng cao có những thay đổi mạnh mẽ. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã cũng như lộ trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Động lực mới từ Chương trình MTQG 1719

Động lực mới từ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) là một giải pháp đột phá, có tính lịch sử, nhằm đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của cả nước. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã đem lại những thay đổi tích cực, tạo động lực để các địa phương tiếp tục có nhiều giải pháp quan tâm, chăm lo cho người dân trong những năm tiếp theo.