Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Thoát nghèo nhờ Chương trình MTQG 1719

Minh Thu - 11:45, 07/05/2025

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), để giúp người dân thoát nghèo bền vững, các cấp, ngành, đoàn thể ở nhiều địa phương đã chú trọng việc hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế. Qua đó, từng bước giúp đồng bào thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Việc hỗ trợ sản xuất đã và đang góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh minh họa).
Việc hỗ trợ sản xuất đã và đang góp phần nâng cao đời sống đồng bào DTTS huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh minh họa)

Giải quyết tốt những nhu cầu thiết yếu của người dân

Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ dê, trâu sinh sản mà còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện”.

Chị Nguyễn Thị Phương Thôn Nà Đon, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn

Nhằm giúp người dân có thêm sinh kế để giảm nghèo, trong 2 năm (2023 - 2024), chính quyền xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới đã triển khai 3 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình MTQG 1719), trong đó có 2 dự án chăn nuôi dê sinh sản và 1 dự án chăn nuôi trâu sinh sản tại thôn Nà Đon. Dự án chăn nuôi dê sinh sản có 29 hộ tham gia, mỗi hộ được cấp 5 con dê để chăn nuôi. Qua gần 2 năm thực hiện, hầu hết đàn dê của các gia đình đều phát triển tốt. Dự án nuôi trâu sinh sản được triển khai từ năm 2024 với nguồn kinh phí gần 1 tỷ đồng, với 29 hộ tham gia (7 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo và 17 hộ mới thoát nghèo). Đến nay, theo đánh giá của chính quyền địa phương, các hộ dân tham gia dự án đều chăm sóc, phát triển tốt đàn trâu.

Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Phương ở thôn Nà Đon, xã Thanh Vận. Gia đình chị Phương tham gia cả hai dự án nói trên. Năm 2023, chị được hỗ trợ 5 con dê cái, qua quá trình chăn nuôi, có thời điểm đàn dê của gia đình chị tăng lên 11 con. Năm 2024, tham gia dự án nuôi trâu, chị được hỗ trợ 1 con trâu cái, hiện đã sinh được 1 con nghé.

“Được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ dê, trâu sinh sản mà còn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện” - chị Phương bày tỏ.

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi ở tỉnh Bắc Kạn. Từ đó, giải quyết tốt những nhu cầu thiết yếu của người dân, giúp đời sống đồng bào vùng DTTS ngày càng được nâng lên. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 16.123 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 19,47%).

Tương tự, tại xã Cư Mta, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, việc thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình MTQG 1719 đã có những tín hiệu tích cực sau gần 4 năm triển khai.

Đặc biệt, trong đó, với nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa phương đã triển khai Dự án nuôi bò cái sinh sản tại các buôn Hí-Đứk, buôn Hai, buôn Đăk, buôn Phao với tổng kinh phí thực hiện trên 1.760 triệu đồng, người dân đối ứng 5% là 96,8 triệu đồng.

Buôn trưởng buôn Hí-Đứk, ông Y Hao Niê chia sẻ: “Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ chương trình bò cái sinh sản tạo sinh kế, bà con có thêm công ăn việc làm, có điều kiện thoát nghèo. Một trong những điểm mới là bà con được đi chọn bò, đánh số bò đã chọn. Sau khi được hỗ trợ, các tổ giám sát của buôn sẽ giám sát, hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò cho bà con để đạt hiệu quả cao…”.

 Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đang kịp thời giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS tạo đột phá phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (Ảnh minh họa).
Nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 đang kịp thời giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS tạo đột phá phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nét khởi sắc ở vùng đồng bào DTTS

Một trong những địa phương triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở phía Bắc là tỉnh Lào Cai. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình MTQG 1719 đã thực sự tạo ra những thay đổi lớn tại địa phương này, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại khu vực miền núi.

Theo thống kê, Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Lào Cai đã thực hiện 158 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; trong đó, có 37 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 121 dự án phát triển sản xuất cộng đồng với 6.904 hộ tham gia; thực hiện mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho khoảng trên 15 nghìn lao động nông thôn. Đồng thời giới thiệu việc làm cho trên 5 nghìn lao động; trong đó, kết nối việc làm thành công cho trên 3 nghìn lao động.

Đến nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các mô hình kinh tế khác đang ngày càng phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Tại vùng đồng bào DTTS của tỉnh Lào Cai đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đạt giá trị kinh tế cao, như cánh đồng một giống lúa tại huyện Văn Bàn, vùng lúa Séng Cù chất lượng cao tại huyện Mường Khương, huyện Bát Xát; vùng ngô hàng hóa ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà; vùng dứa, chuối ở huyện Mường Khương... Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) toàn tỉnh Lào Cai đạt 104 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm khoảng 6%.

Với tỉnh Bắc Kạn, thông tin từ UBND tỉnh cho biết, triển khai Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã đề xuất triển khai 66 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó có 57 dự án đã được phê duyệt, 32 dự án đã triển khai thực hiện. Cùng với đó, số dự án phát triển sản xuất cộng đồng được đề xuất giai đoạn này là 223 dự án, trong đó 162 dự án đã được phê duyệt, 156 dự án đã triển khai thực hiện. Kinh phí được phân bổ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719 là 181 tỷ đồng.

Năm 2025 là năm cuối để các địa phương tiếp tục bứt phá trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã và đang tạo nhiều chuyển biến đáng kể ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Những kết quả quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chiêm bái Xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chiêm bái Xá lợi Bồ tát Thích Quảng Đức

Ngày 7/5, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cùng Đoàn lãnh đạo các cơ quan Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đã đến Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP. Hồ Chí Minh) thăm Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và chiêm bái Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức.