Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Các địa phương chuẩn bị tốt điều kiện cho năm học mới 2024 - 2025

Minh Thu - 11:27, 26/08/2024

Để chuẩn bị tốt năm học mới 2024 - 2025, nhiều địa phương trên cả nước đã chú trọng sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; ưu tiên các hạng mục công trình, như: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa

Cuối tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, toàn tỉnh Sơn La có nhiều trường mầm non, tiểu học, THCS bị ảnh hưởng, tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Bắc Yên, Sông Mã và TP. Sơn La,. Đến thời điểm hiện tại, công tác khắc phục đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và các địa phương chỉ đạo tu sửa; kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ sách, vở đồ dùng học tập; động viên học sinh đến trường trong năm học mới.

Tại TP. Sơn La, năm học 2024 - 2025, toàn Thành phố có 45 đơn vị trường học, trong đó 36 trường công lập, 9 trường ngoài công lập, trên 870 nhóm, lớp với tổng số gần 28.000 học sinh. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các trường cho năm học mới cơ bản đạt yêu cầu. Các trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh cho năm học 2024 - 2025, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đầy đủ, khang trang, tổng vệ sinh khuôn viên trường, lớp để sẵn sàng chào đón các em học sinh về tựu trường theo đúng kế hoạch.

Tại huyện Mai Sơn, lũ quét làm 19 phòng học, phòng chức năng, phòng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú tại Trường Tiểu học Chiềng Nơi bị ngập nước. Ngoài ra, cầu treo vào điểm trường Huổi Sàng bị lũ cuối trôi, khó khăn trong việc đến lớp của 205 học sinh đang học tại điểm trường.

Theo thầy giáo Hà Minh Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Nơi: Thiệt hại tại điểm trường trung tâm của Trường tiểu học đã cơ bản khắc phục. Nhà trường nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, nhiều đoàn thiện nguyện ủng hộ quần áo, sách vở, chăn màn và nhiều vật dụng cá nhân. Hiện nay, nhà trường đã cho học sinh lớp 1 tựu trường đúng kế hoạch. Nhà trường cũng đã đảm bảo cơ sở vật chất nấu ăn bán trú cho 205 học sinh tại điểm trường.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Sơn La có 610 trường học, với trên 375.000 học sinh. Chuẩn bị cơ sở vật chất năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các trường học trực thuộc, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố hướng dẫn các trường rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp học; trong đó ưu tiên các hạng mục công trình, như: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp, đảm bảo các điều kiện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm này, các trường học trên địa bàn đã cơ bản hoàn tất các khâu từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đến việc ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, huy động học sinh ra lớp, sẵn sàng đón chào năm học mới với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ dạy học.

Giáo viên Trường Mẫu giáo Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng lao động dọn vệ sinh chuẩn bị năm học mới.
Giáo viên Trường Mẫu giáo Liên Đầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng lao động dọn vệ sinh chuẩn bị năm học mới

Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Di Linh dự kiến có trên 35.000 học sinh từ mẫu giáo đến trung học cơ sở thuộc 70 trường công lập, với trên 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Phước Bảo Cường, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Di Linh: Ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, bên cạnh triển khai các hoạt động Hè, các trường học trên địa bàn huyện cũng đồng thời tập trung thực hiện kế hoạch chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025. Các trường tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để kịp thời sửa chữa, nâng cấp, bổ sung và hoàn thành trước ngày 25/8. Không để bất cứ hạng mục công trình tu sửa, cải tạo nào kéo dài sau ngày tựu trường, gây mất an toàn cho học sinh khi đến trường.

Bên cạnh đó, các trường cũng đã hoàn thành công tác tuyển sinh lớp 6 bậc THCS trước 20/7, tuyển sinh lớp mẫu giáo 5 tuổi và lớp 1 bậc Tiểu học trước ngày 25/7. Đồng thời, mở các lớp bổ túc tiếng Việt cho học sinh DTTS trước khi vào lớp 1. Trong mùa hè này, các trường tiểu học có học sinh DTTS trên địa bàn huyện Di Linh đã mở 55 lớp, dạy tiếng Việt cho 1.478 học sinh, giúp các em có nền tảng để tiếp thu kiến thức tốt hơn khi bước vào lớp 1.

Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Di Linh đã cử tất cả giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng do các Nhà xuất bản, Công ty sách tổ chức và các lớp bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên. Song song với đó, các đơn vị trường học tiến hành ôn tập cho các em học sinh thi lại trong hè.

Tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, từ 5 năm trước, Trường Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Trần Đề, huyện Trần Đề được xây dựng và đưa vào giảng dạy giúp gần 300 em học sinh dân tộc Khmer có thêm điều kiện học tập tốt. Theo thầy Trần Sung, Hiệu trưởng nhà trường: Trường hiện có 3 khu, gồm khu phòng học có 10 phòng, khu hành chính có 16 phòng và khu nội trú có tổng cộng 36 phòng ở, đáp ứng cơ bản cho các em học và ở nội trú.

“Trong thời gian hè, nhà trường đã chuẩn bị cơ bản về cơ sở vật chất. Chỉ đạo bộ phận thư viện sắp xếp bộ sách giáo khoa, thống kê những sách nào còn thiếu theo bộ môn, theo khối lớp, khi học sinh tập trung vào trường thì cơ bản giải quyết đầy đủ cho học sinh mượn sách 100%. Cùng với đó, nhà trường rà soát lại, bổ sung thêm một số cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để đáp ứng cơ bản dạy học, khu nội trú cũng đã được sửa chữa”, thầy Trần Sung chia sẻ.

Các địa phương đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025.
Các địa phương đã sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025

Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tại 24 trường với tổng kinh phí hơn 23 tỷ đồng; mua sắm bổ sung bàn ghế, bảng, thiết bị… cho các trường với tổng kinh phí hơn 3,558 tỷ đồng. Với việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị như trên, cơ bản đã đảm bảo các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 9, từ năm học 2024 - 2025”.

Có thể khẳng định, đến nay, công tác chuẩn bị năm học mới 2024 – 2025 đã được các địa phương triển khai và hoàn thành cơ bản các nội dung. Từ đó, tạo tiền đề để học sinh cả nước bước vào năm học mới với tâm thế mới, quyết tâm hoàn thành thắng lợi chương trình năm học.

Năm học 2024 - 2025, học sinh các tỉnh, thành trong toàn quốc tựu trường từ ngày 21/8 đến 1/9 và đồng loạt khai giảng vào 5/9. Theo khung kế hoạch năm học 2024 - 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng được tổ chức trong cả nước vào sáng 5/9. Các địa phương phải đảm bảo đủ 35 tuần thực học (18 tuần học kỳ I, 17 tuần học kỳ II); thực hiện các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.