Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Các sản phẩm đặc trưng vùng DTTS: Chưa được đánh thức để phát triển du lịch

Hồng Phúc - 10:01, 11/12/2019

Các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Thực phẩm, hàng lưu niệm… không chỉ đem lại lợi ích về mặt kinh tế mà còn mang thông điệp về văn hóa, vùng đất, con người, quảng bá hình ảnh của địa phương. Nhưng thực tế hiện nay, các sản phẩm du lịch (SPDL) đặc trưng ở vùng đồng bào DTTS còn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này.

Khách du lịch trải nghiệm đánh bắt cá bằng nơm tại Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều, Quảng Ninh)
Khách du lịch trải nghiệm đánh bắt cá bằng nơm tại Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều, Quảng Ninh)

Từ những năm đầu thế kỷ 21, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) các tỉnh đã phối hợp với người dân ở các điểm du lịch tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế cho thấy, 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.

Sản phẩm du lịch khi đưa ra thị trường để bán sẽ trở thành hàng hóa. Thông qua những sản phẩm này có thể đánh giá, đo lường hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả quảng bá du lịch của địa phương đó. 

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện toàn quốc có trên 800 sản phẩm nông, lâm thủy sản có uy tín phân bổ trên 720 địa phương khác nhau. Tuy nhiên, mới có khoảng hơn 60 sản phẩm nông sản đăng ký bảo hộ thành công dưới dạng “chỉ dẫn địa lý” và khoảng 160 nhãn hiệu được đăng ký xác lập quyền và được bảo hộ pháp lý cho các đặc sản trên. Ở vùng đồng bào DTTS đang ít về số lượng, thiếu tính đặc trưng vùng, miền; mẫu mã đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách… ít tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo, dù có nhiều tiềm năng và lợi thế.

Điển hình như tại khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng) hiện có hơn 60 gian hàng bày bán các SPDL, phần lớn các sản phẩm như: khăn, áo, móc chìa khóa, vòng tay… Nhưng điều đáng nói ở đây là chúng đều không phải là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cao Bằng mà đa phần là hàng của Trung Quốc. Những mặt hàng này không có gì đặc trưng, nên khó thu hút khách mua cũng là một điều dễ hiểu. Trong khi đó, các sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của Cao Bằng như: măng ớt, khẩu sli, trà thảo dược, … lại không được khai thác hiệu quả. 

 Sản phẩm đồ lưu niệm bày bán tại các điểm du lịch ở Cao Bằng
Sản phẩm đồ lưu niệm bày bán tại các điểm du lịch ở Cao Bằng

Anh Lê Quang Khải (Hà Nội), du khách đã từng tới điểm du lịch Pác Bó chia sẻ: “Tôi tới thăm quan và muốn tìm hiểu thêm về văn hoá vùng miền qua các sản phẩm du lịch, thế nhưng rất khó chọn những thứ đặc trưng mang về làm quà cho người thân bởi đa phần các mặt hàng này đều không phải đặc sản hay sản phẩm của địa phương mà tìm mua ở nơi khác cũng có”. 

Thực tế này đặt ra những vấn đề đáng bàn, nếu như thắng cảnh, văn hoá đồng bào là giá trị cốt lõi của sức hấp dẫn đối với du khách thì các sản phẩm du lịch sẽ là giá trị tăng thêm. Có những địa phương nổi tiếng với những sản phẩm du dịch đặc trưng như nhắc đến Tây Nguyên sẽ là cà phê, nhắc đến Thanh Hoá sẽ nổi bật món nem chua hay nhắc đến Huế là mè xửng, … Xây dựng, phát triển thương hiệu tốt các sản phẩm du lịch sẽ có sức lan toả, quảng bá mạnh mẽ đối với địa phương. 

Vì thế, cần một giải pháp đồng bộ từ chính quyền đến người dân trong việc đẩy mạnh việc phát triển thương hiệu đặc sản cho vùng miền; kết nối thương mại cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, HTX... sản xuất, phân phối sản phẩm đặc trưng vùng miền. Những giải pháp này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền đến với khách hàng trong và ngoài nước, qua đó giá trị của du lịch sẽ được tăng lên.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.