Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Các tỉnh ven biển chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông, vùng núi Bắc Bộ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Minh Nhật - 20:43, 30/09/2024

Chiều 30/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 7341/CĐ-BNN-ĐĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định chủ động ứng phó với bão gần Biển Đông.

Vùng Biển nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía bắc vĩ tuyến 18,0; phía đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Vùng Biển nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía Bắc vĩ tuyến 18,0; phía Đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo)

Công điện nêu rõ: Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão Krathon ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc, 121,3 độ kinh đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 10-15km/giờ; dự báo trong 24 giờ tới, bão Krathon có khả năng đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực bắc Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với diễn biến, ảnh hưởng của bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Phía bắc vĩ tuyến 18,0; phía đông kinh tuyến 116,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu

Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).


Dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 40-60mm, có nơi hơn 80mm
Dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 40-60mm, có nơi hơn 80mm

Nguy cơ lũ quét, sạt lở tại 7 tỉnh, thành phố ở vùng núi Bắc Bộ

Dự báo, trong những giờ tới, khu vực miền núi Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong 6 giờ qua, ở khu vực các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Trung Đồng 1 112mm (Lai Châu); Mường Mùn 2 67mm (Điện Biên); Tân Lập 1 173,6mm (Hà Giang); Lam Vỹ 53,4mm (Thái Nguyên); Thanh Mai 50,6mm (Bắc Kạn);...

Do ảnh hưởng của mưa lớn những ngày qua, các chuyên gia khí tượng nhận định, mô hình độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng phổ biến từ 40-60mm, có nơi hơn 80mm.

Cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí an toàn hơn.