Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Cách quản lý môi trường nuôi thủy sản trong mùa mưa bão

Như Ý - 10:25, 15/07/2021

Vào mùa mưa bão, nhiều hộ gia đình nuôi trồng thủy sản gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc bảo vệ và chăm sóc thủy sản. Nếu không có những biện pháp kịp thời khắc phục, thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản sẽ là rất lớn. Sau đây là một số lưu ý về quản lý môi trường ao nuôi trong mùa mưa bão cho bà con nông dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với ao nuôi cá nước ngọt

Đối với ao nuôi cá ở các vùng úng trũng, hàng năm thường bị ảnh hưởng khi lũ về, người nuôi cần có kế hoạch sản xuất để tiến hành thu hoạch trước, tránh thất thoát sản phẩm khi bão, lụt xảy ra.

Đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4-0,5m trở lên.

Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc xẻng gia cố sửa chữa hệ thống đê bờ bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra.

Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn thì có thể dùng lưới nilon cùng với các cột tre gỗ vây xung quanh ao để tránh cá đi mất khi nước dâng cao, tràn bờ. Đồng thời, đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, nước tràn bờ.

Cần phát quang cây xung quanh bờ đê, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá.

Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch thu hoạch sản phẩm trước khi có bão. Khi mưa lũ xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

Đối với nuôi cá hồ chứa

Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi cá, tu sửa lại những chỗ yếu, dễ bị hư hỏng, vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để đảm bảo nước lưu thông nhanh và môi trường trong sạch; củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè nuôi vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn làm vỡ lồng, bè. Đặc biệt phải quan tâm đến tình trạng khung lồng do dòng nước lũ hoặc gió làm vỡ khung lồng, cuốn trôi làm thất thoát sản phẩm.

Với loại hình nuôi vây trong hồ chứa, thời kỳ chuẩn bị thu hoạch, cũng như đang nuôi cần phải kiểm tra lại đăng, lưới chắn. Đăng lưới chắn phải được thiết kế hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhanh nơi cổng xả tràn nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.

Đối với nuôi cá ruộng lúa

Khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tranh thủ thu hoạch, tránh thất thoát sản phẩm khi có bão, lũ xảy ra. Trong trường hợp cá chưa đạt cỡ thu hoạch thì phải có phương án phòng tránh lũ lụt như gia cố lại bờ, bờ bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi bố trí nhiều cống thoát nước, mương thoát nước, đặt lưới ni lon vây quanh khu vực nuôi và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ vùng, dọn sạch đăng, mương rãnh để nước thoát nhanh; chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết. Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với nuôi tôm nước lợ

Những vùng nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh trong vùng đầm hiện nay, người nuôi cần kiểm tra hoạt động của tôm nuôi và môi trường nước trước và sau mưa để có biện pháp xử lý kịp thời, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở làm thất thoát sản phẩm. Thường xuyên theo dõi, cập nhật dự báo thời tiết để có biện pháp thu hoạch trước khi lũ lụt xảy ra.

Để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm, người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước như trước khi mưa to cần phải lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao và để mực nước trong ao cao nhất.

Trong khi mưa nên tránh các hoạt động làm xáo trộn nước trong ao nuôi và sau khi mưa cần nhanh chóng rút bớt nước ở tầng mặt của ao bằng cách tháo các cánh phai của cống thoát.

Những vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến thân thiện môi trường, nuôi theo hình thức đánh tỉa thả bù, người nuôi khẩn trương tận thu các sản phẩm: tôm; cua; cá, tránh thất thoát sản phẩm khi bão lụt xảy ra.

Đối với các vùng đất bị chua phèn, rắc vôi quanh bờ phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi. Đồng thời cần chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí đề phòng khi điện lưới bị mất.

Các vùng nuôi tôm trên cát chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão từ biển đổ vào, người nuôi cần phải quan tâm đến việc củng cố ao nuôi vững chắc, chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất. Tích cực áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường.

Đối với nuôi thủy sản trên biển

Tiến hành thu hoạch trước mùa mưa lũ nếu cá, tôm đạt kích cỡ thu hoạch. Nếu không thể thu hoạch trước mùa mưa lũ, cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, củng cố lại các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, nơi không bị ảnh hưởng nước ngọt, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè./.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.