Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cách tuyên truyền phòng chống dịch độc đáo của một phụ nữ dân tộc Tày

Trung Hải - 18:19, 20/08/2021

Những ngày qua, nhiều người dân xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) và cộng đồng mạng rất thích thú theo dõi Facebook chị Nguyễn Thị Phương (SN 1977), dân tộc Tày ở thôn 5, xã Cư M’gar. Trên Facebook của mình, chị Phương đã thể hiện bài hát then mang chất liệu dân ca Tày với nội dung tuyên truyền mọi người chung tay phòng, chống dịch Covid-19, được hàng ngàn người vào nghe và cổ vũ.

Chị Phương (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Lồng Tồng ở xã Cư M’gar, năm 2020
Chị Phương (thứ hai từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm tại Lễ hội Lồng Tồng ở xã Cư M’gar, năm 2020

Làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn kiêm Chi hội trưởng phụ nữ, chị Nguyễn Thị Phương rất say mê hát then - đàn tính nên đã tự học hát, luyện đàn để tham gia các phong trào văn nghệ tại địa phương. Chị cùng CLB Hát then, đàn tính xã nhà đi biểu diễn nghệ thuật tại nhiều cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức và đạt được giải thưởng cao.

Thôn 5 và các thôn lân cận có nhiều hộ đồng bào dân tộc Tày - Nùng di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào, mang theo những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong đó có hát then - đàn tính lan tỏa trên quê hương mới Tây Nguyên. Sau những giờ lao động vất vả, các chị em lại cùng nhau đàn hát giao lưu vui vẻ.

Trong đợt đón người lao động từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về quê hương tránh dịch lần này, chị Phương đã tích cực cùng Ban Tự quản thôn tuyên truyền mọi người tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Chị Phương đã lên mạng Internet tìm những bài hát có nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 để chuyển thể thành làn điệu hát then. Vừa qua, chị đăng tải video lên Facebook những bài hát mộc mạc, giản dị do bản thân thể hiện để tuyên truyền mọi người chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Giọng hát hay cộng với tay đàn điêu luyện của chị đã được cộng đồng mạng xã hội Facebook, Youtube rất thích thú cổ vũ. Những bài hát then của chị Phương lan tỏa nhanh chóng và đã nhận được hàng ngàn lượt like, bình luận, chia sẻ.

Video chị Phương hát then đăng lên Facebook được cộng đồng mạng qua tâm, theo dõi
Video chị Phương hát then đăng lên Facebook được cộng đồng mạng qua tâm, theo dõi

Chị Nguyễn Thị Thanh, ở thôn 2, xã Cư M’gar vui vẻ cho biết: “Sau khi xem chị Phương đàn tính, hát then trên Facebook, tôi rất thích. Qua những bài hát của chị Phương thể hiện, tôi cảm nhận chị là người rất tâm huyết và có ý thức trách nhiệm cao đối với công tác phòng, chống dịch bệnh".

Nói về niềm vui của người làm công tác xã hội, mang tiếng hát, lời ca để góp sức tuyên truyền cùng tham gia chống dịch, chị Phương chia sẻ, ở thôn 5 và xã Cư M’gar có nhiều thanh niên đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam, nay trở về địa phương để tránh dịch, trong thời gian cách ly, mọi người rất thiếu các món ăn tinh thần. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn chuyển thể những bài hát chống dịch Covid-19 sang làn điệu then để tự biên, tự diễn rồi quay video đăng lên facebook. Cũng không ngờ lại được mọi người yêu thích theo dõi và cổ vũ nhiệt tình, tôi cảm thấy rất vui!

Nhận xét về chị Phương, bà Hồ Thị Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cư M’gar cho rằng, chị Nguyễn Thị Phương là một Trưởng Ban công tác Mặt trận tiêu biểu trong đợt tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cách tuyên truyền của chị  mới mẻ, sáng tạo nên đã có tác động tích cực đến với nhiều người. Chị Phương là một cán bộ năng nổ nhiệt tình tham gia mọi phong trào của địa phương, được cấp trên tin tưởng, Nhân dân quý mến”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.