Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Tày ở Minh Xuân giữ gìn bản sắc văn hóa

Mai Huyên – Khắc Điệp - 15:36, 02/04/2021

Là vùng đất tập trung đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Minh Xuân (huyện Lục Yên, Yên Bái) đang nỗ lực bảo tồn, gìn giữ mạch nguồn dân ca, dân vũ của cha ông bao đời để lại.

Một lớp học hát then ở xã Minh Xuân
Một lớp học hát then ở xã Minh Xuân

Trong đời sống của đồng bào Tày ở Minh Xuân, từ bao đời nay không thể thiếu các làn điệu dân ca, dân vũ. Các làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày rất đa dạng, phong phú và đặc sắc như: hát cọi, hát lượn, hát then, hát khắp, hát phong sư, hát vỉ quan làng…Những câu hát mượt mà trầm bổng ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước, làng bản, sự gắn bó cộng đồng, tình yêu đôi lứa… giúp con người nhận thức được giá trị chân - thiện - mỹ, thêm yêu đời, có lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.

 Chị Mai Thị Hồng Chắn, là người trẻ tuổi ở Minh Xuân nhưng rất tâm huyết, dành nhiều thời gian sưu tầm, học hỏi và luyện tập các bài hát dân ca truyền thống. Chị chia sẻ: “Bây giờ, em đã lưu giữ được khá nhiều giai điệu của các bài hát như: hát then, hát cọi, hát khảm hải, hát ví, hát phong sư… Em hay hát trong các dịp đám cưới, các hội diễn. Em đã tham gia và nhận được nhiều giải thưởng trong khu vực và toàn quốc”.

 Các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng góp phần giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Tày
Các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng góp phần giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Tày

Để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, những năm qua, xã Minh Xuân luôn chú trọng xây dựng, hỗ trợ phát triển các Câu lạc bộ, các nhóm, đội văn nghệ dân gian. Đến nay, toàn xã có 3 câu lạc bộ hát khắp, hát cọi; có 14 thôn thì mỗi thôn đều có một đội văn nghệ riêng. Họ là những người có độ tuổi khác nhau nhưng cùng chung sở thích, say mê ca hát các làn điệu dân ca, dân vũ và truyền lại cho thế hệ trẻ.

 Bà Bế Thị Thanh ở thôn Nà Tạng cho biết, bà đã tham gia đội văn nghệ từ khi còn là thiếu nữ, mình hát không hay thì mình múa, tham gia các trò chơi dân gian và quan trọng hơn là cổ vũ tinh thần cho thế hệ trẻ biết trân trọng truyền thống dân tộc.

Thông qua các CLB này, xã đã phát động toàn thể hội viên tham gia sưu tầm vốn văn hóa dân gian của dân tộc Tày. Đồng thời tổ chức dàn dựng, biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc có nguy cơ bị mai một, như: hát then, đánh yến… Đó cũng là giải pháp mà Minh Xuân bảo tồn, phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội và những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày.

Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức các lớp dạy hát dân ca cho những cháu có năng khiếu để lan tỏa niềm say mê cho thế hệ trẻ; đầu tư cho công tác sưu tầm, bảo tồn các nghề thủ công truyền thống như: Đan lát, dệt thổ cẩm; phục dựng, duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc như: Ném còn, đánh cù, bắn nỏ, đẩy gậy, đánh yến... từ đó tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần trong các tầng lớp Nhân dân.

Ông Nguyễn Nguyên Đúng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Xuân cho biết thêm: “Thời gian tới, xã Minh Xuân sẽ tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ và mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ cho bà con, nhất là các bạn trẻ. Đặc biệt sẽ khuyến khích việc sưu tầm và thể hiện các làn điệu dân ca truyền thống nhằm quảng bá và bảo tồn nét văn hóa của dân tộc Tày”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.