Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Cải lương kể huyền tích dân gian về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn

PV - 14:57, 01/11/2022

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, kể huyền tích dân gian về sự ra đời của vua Lý Công Uẩn - vị hoàng đế mở ra vương triều Lý, một trong những triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Vở diễn sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc diễn ra từ ngày 5-22/11 tại Long An.

Cảnh trong vở Huyền thoại gò Rồng Ấp. Ảnh: LQT
Cảnh trong vở Huyền thoại gò Rồng Ấp. Ảnh: LQT

Huyền thoại về sự ra đời của nhà vua

Kịch bản “Huyền thoại gò Rồng Ấp” do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ viết, tác giả Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng, các nghệ sỹ Đoàn Cải lương thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện.

“Huyền thoại gò Rồng Ấp” kể về một người con gái ở xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp (nay là Từ Sơn, Bắc Ninh) tên là Phạm Thị Ngà, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì. Thị Ngà mồ côi cha mẹ, được anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn thương tình đem phần mộ hai ông bà táng ở gò Rồng Ấp, nơi tương truyền có huyệt đất thiêng.

Trong một lần tham gia lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ, Thị Ngà đã mang thai. Cùng thời gian đó, sư phụ của Vạn Hạnh đã viết một bài kệ tiên tri ngụ ý rằng: Vào tháng 10 năm Kỷ Dậu, tức là 36 năm sau, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, xây dựng quốc thống vững bền, đó là triều Lý. Gò Rồng Ấp chính là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mộ phần gia tiên họ Phạm. Con cháu nhà ấy ắt sẽ dựng được nghiệp lớn... Điềm báo ấy ứng với việc mộ táng cha mẹ Thị Ngà đang được chôn cất ở gò Rồng Ấp và bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà khi đó.

Thời điểm đó, ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên là Hồng Kỳ vô tình biết lời tiên tri, bởi lòng tham vô độ, phú hộ đã bốc mộ phần cha mình đem táng ở gò Rồng Ấp với hy vọng con cháu sau này sẽ làm nên nghiệp đế. Hắn biết Thị Ngà đang mang thai thiên tử nên liên tiếp bày mưu hãm hại, nhưng Thị Ngà đều may mắn vượt qua các kiếp nạn, sinh con trước cổng chùa Cổ Pháp rồi qua đời. Đứa bé được sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp mang về nuôi nấng. Đó chính là Lý Công Uẩn, sau này trở thành vua Lý Thái Tổ - người khai quốc triều Lý, tạo dựng kinh đô Thăng Long nghìn năm rạng rỡ.

“Huyền thoại gò Rồng Ấp” là một tác phẩm nghệ thuật có tính giải trí cao mà vẫn đậm chất trữ tình và đầy tính triết lý, với thông điệp về cõi đất, khoảng trời nước Nam - nơi địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh anh để hun đúc, sản sinh ra những con người làm rạng danh cho đất nước. Đồng thời khẳng định cái ác, cái xấu xa phải lùi bước trước cái thiện, lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ của con người… Vở diễn như một bức tranh mô phỏng xã hội Việt Nam thời kỳ đầu xuất hiện các triều đại phong kiến tập quyền độc lập, giúp người xem hiểu rõ hơn về nền văn minh châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt khi đó cùng sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo.

Phương pháp sân khấu hiện thực và biểu hiện, cùng thủ pháp ước lệ không gian, thời gian của sân khấu tự sự phương Đông được kết hợp trong vở diễn một cách hài hòa, ê kíp dàn dựng đã tạo nên một vở diễn đậm chất huyền thoại cổ tích. Cùng với các thủ pháp dàn dựng trên sân khấu, âm nhạc của Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Anh Tú và thiết kế mỹ thuật của họa sỹ, Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng với những tìm tòi, sáng tạo mang tính thể nghiệm cũng đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của tác phẩm. Vở diễn thực sự cuốn hút người xem từ đầu đến cuối bởi cách kể chuyện, dàn dựng và diễn xuất của nghệ sỹ…

Vở diễn kể huyền tích về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ. Ảnh: LQT
Vở diễn kể huyền tích về sự ra đời của vua Lý Thái Tổ. Ảnh: LQT

Đậm bản sắc văn hóa dân tộc

Chia sẻ về lý do thực hiện vở diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, sự ra đời của nhân vật Lý Công Uẩn rất ly kỳ, nhuốm màu huyền thoại và gắn với nhiều huyền tích dân gian. Với mong muốn có những lý giải thêm cho câu chuyện ly kỳ này, ông đã rất tâm huyết và cùng ê kíp dàn dựng vở diễn để tiếp tục tìm hiểu một cách thấu đáo hơn về vị vua có xuất thân khá đặc biệt nhưng đã làm nên một triều đại với nhiều dấu ấn trong lịch sử.

Nghệ sỹ Ưu tú Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ: Câu chuyện về vua Lý Thái Tổ mang đậm tính huyền thoại và vở diễn này đã mang đến cho chúng ta những kiến giải về sự xuất hiện của vương triều nhà Lý. Nếu học sinh đi xem vở này sẽ phần nào hiểu thêm về lịch sử và thêm lý giải về huyền thoại. Vở diễn góp phần thay đổi nhận thức, tư tưởng và khơi gợi thêm lòng tự hào dân tộc trong mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ...

Nghệ sỹ Nhân dân Vương Hà cho biết, bà thực sự cảm phục ê kíp sáng tạo nên tác phẩm này, đồng thời cũng rất hài lòng với dàn diễn viên. Các nghệ sỹ dù còn trẻ nhưng đã diễn rất chuyên nghiệp. Những vai chính như đào thương của Minh Nguyệt (vai Phạm Thị Ngà), kép của Nghệ sỹ Ưu tú Trần Quang Khải (vai thiền sư Vạn Hạnh) đều hát và diễn rất tốt. Nghệ sỹ Nhân dân Vương Hà cũng rất bất ngờ bởi những gương mặt diễn viên lâu nay vắng bóng hoặc mới xuất hiện trên sân khấu cũng đã tạo ấn tượng rất tốt cho khán giả như Ngọc Linh vai Thị Nhài, con gái phú hộ; Thiên Kiều vai bà phú hộ, Xuân Thông vai phú hộ...

Kịch bản “Huyền thoại gò Rồng Ấp” đã từng được chính đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng trên sân khấu kịch nói cho Sân khấu Lệ Ngọc và đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng công chúng. Lần này, vở diễn được dàn dựng trên sân khấu cải lương đã đem đến những cảm xúc và ấn tượng mới mẻ cho khán giả. Có thể thấy ở bản dựng cho sân khấu cải lương, ê kíp dàn dựng đã khéo léo lồng ghép, kết hợp giữa những giá trị của sân khấu truyền thống với giá trị của nghệ thuật đương đại, đã khai thác triệt để khía cạnh biểu diễn tâm lý nhân vật, làm nổi bật tinh thần của vở diễn.

Tác giả kịch bản “Huyền thoại gò Rồng ấp” – Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, ông rất hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng. Một vở kịch văn học được hóa thân trong 2 loại hình nghệ thuật, trong đó, sân khấu kịch nói với nhiều yếu tố hiện đại và sân khấu cải lương mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng cả hai loại hình này đều làm nổi bật được nội dung vở diễn và ý đồ của tác giả cùng những thông điệp tư tưởng, yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh... lồng ghép trong đó. Đặc biệt, ở mỗi bản diễn đều có sức hấp dẫn riêng bởi đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình. Việc đổi mới hình thức thể hiện đã tạo nên sự tươi mới cho từng tác phẩm cũng như góc nhìn đa chiều từ một kịch bản văn học.

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, sau khi tham gia Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc tại Long An, diễn ra từ ngày 5-22/11, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ mang "Huyền thoại gò Rồng Ấp" phục vụ các lễ hội đầu năm 2023.