Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cần bảo tồn đúng mức các công trình kiến trúc Pháp ở vùng DTTS

PV - 15:09, 24/12/2018

Hiện nay, ở một số vùng DTTS và miền núi có nhiều công trình văn hóa từ thời Pháp thuộc như: phố cổ Đồng Văn (Hà Giang), dinh thự Hoàng A Tưởng (Lào Cai), khu nghỉ dưỡng Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Đây là sự hòa quyện đặc sắc giữa văn hóa Pháp, văn hóa Việt Nam và văn hóa của đồng bào DTTS. Tiếc rằng, đa số các công trình này chưa được quan tâm bảo tồn một cách đúng mức khiến nhiều công trình bị xâm hại, xuống cấp.

công trình kiến trúc Pháp Nhà thờ Sa Pa, một kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh TL

“Phai màu” văn hóa

Dưới chân núi thiêng Ba Vì (Hà Nội) nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mường, Dao trước đây có sự hiện diện của nhiều công trình văn hóa Pháp rất đặc sắc. Từ những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã cho xây dựng hàng loạt những công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp, từ trường học, nhà thờ, nhà nghỉ...

Tiếc rằng, một thời gian dài, các công trình này dường như bị bỏ hoang dần trở thành những phế tích. Toàn bộ các công trình đã đổ vỡ chỉ còn lại nền nhà, gạch, ngói. Nhiều cây cổ thụ mọc chính giữa tòa nhà khiến nơi đây thêm hoang vu cô tịch.

Hay giữa cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao… lại sừng sững mọc lên dinh thự của Hoàng A Tưởng. Dinh thự này được xây dựng trong vòng 8 năm (1914-1921). Thế nhưng, đến thăm dinh thự Hoàng A Tưởng hôm nay, những người yêu văn hóa không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối bởi hồn cốt văn hóa xưa dường như đã bị phai màu. Nằm sát dinh thự Hoàng A Tưởng hiện có một khách sạn hiện đại chình ình lấn át cả công trình cổ. Cùng với đó, nhiều hàng quán lộn xộn đã phá vỡ cảnh quan bình yên vốn có của di tích. Thêm vào nữa, những nét văn hóa phi vật thể như múa sênh tềnh của người Mông, dệt vải của người Dao cũng không còn đậm đặc, nguyên vẹn mà bị biến thể, giản lược, trở thành những sản phẩm thương mại hóa. Những túi thổ cẩm, những bộ váy Mông, những vòng bạc thường là hàng “nhập khẩu” trôi nổi kém chất lượng.

Không nên “thả nổi” văn hóa

Trao đổi về vấn đề gìn giữ những công trình văn hóa Pháp ở vùng miền núi, bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, hiện nay, ở Lào Cai còn hơn 10 di tích từ thời Pháp thuộc. Trong đó, Sở chỉ quản lý dinh thự Hoàng A Tưởng, nhà thờ đá Sa Pa. Còn các di tích khác do cấp cơ sở quản lý. Các di tích này được quản lý chung, chưa có đề án riêng.

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra nhận định: “Trải qua hơn 100 năm, di sản văn hóa Pháp dường như đã in đậm lên đời sống người Việt, trong đó có những công trình ở vùng dân tộc và miền núi. Vượt qua các yếu tố lịch sử, chúng ta vẫn chắt lọc được những tinh hoa văn hóa. Và ngày hôm nay, chúng ta vừa gìn giữ, vừa phát triển. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta luôn luôn nhìn quá khứ bằng con mắt của sự tiến bộ, thay đổi chứ không phải con mắt của những hiện tượng, vấn đề. Vì vậy, những dấu ấn của Pháp ở đây đều là những dấu ấn tốt đẹp, tích cực, làm phong phú hơn văn hóa dân tộc chúng ta”.

Để giải quyết vấn đề này, trước tiên hãy nhìn nhận từ gốc là thái độ với công trình cũng như các thiết chế văn hóa. Thay vì thái độ định kiến văn hóa, chúng ta thừa nhận một cách trân trọng. Như các công trình kiến trúc này đã là một sự hòa quyện rất hài hòa. Cách đây 100 năm về trước, người Pháp đã biết kết hợp những mô hình đã thành chuẩn mực của nước Pháp với thực tiễn của Việt Nam. Ví dụ như dinh thự Hoàng A Tưởng. Để xây dựng biệt phủ này, người Pháp đã dùng vật liệu gồm: đá, vôi, cát, mật mía khai thác tại địa phương, còn ximăng, sắt thép thì được chở bằng máy bay và ngựa thồ từ Hà Nội và Lào Cai lên. Khu dinh thự có sự kết hợp giữa lối kiến trúc cổ của Pháp thế kỷ 17-18 với kiến trúc nhà sàn của người Tày, rất hài hoà nổi lên giữa vùng núi non hùng vĩ.

Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta cần phải nhìn nhận lại vấn đề bảo tồn văn hóa Pháp nói chung, dấu ấn văn hóa Pháp ở vùng dân tộc và miền núi nói riêng. Dẫu biết rằng, xã hội luôn vận động biến đổi do đó quá trình tiếp biến văn hóa là một xu thế tất yếu. Nhưng không vì thế mà chúng ta để thả nổi văn hóa, cần giao lưu, tiếp biến có chọn lọc, có định hướng.

HIẾU ANH