Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7?

Như Ý - 14:25, 25/08/2023

Rằm tháng 7 Âm lịch theo truyền thống được người Việt Nam coi là ngày xá tội vong nhân, cũng là dịp lễ Vu Lan báo hiếu - theo quan niệm Phật giáo nhằm hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành, thể hiện tình thương yêu đối với mọi chúng sinh.

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7?

Lễ Vu Lan là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt, là ngày để mọi người con hướng về mẹ cha. Ngày này mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu, những ai còn cha mẹ hãy báo đáp bằng lòng hiếu thảo, đừng để đến khi cha mẹ không còn mới hối tiếc và ân hận. Với những người con không còn cha mẹ trên đời, việc chuẩn bị mâm cúng lễ Vu Lan chu đáo và thành tâm cũng là cách để bày tỏ thương nhớ và lòng biết ơn công lao của cha mẹ.

Năm nay Rằm tháng 7 rơi vào ngày thứ Tư, ngày 30 tháng 8 Dương lịch năm 2023 (15/7 âm lịch). Tuy nhiên, từ ngày 2 - 14/7 âm lịch, người dân đã bắt đầu cúng Rằm tháng 7 để tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên. Tùy vào điều kiện của gia đình để chọn ngày cúng. Điều quan trọng là gia chủ phải thành tâm và mong muốn thể hiện sự cảm tạ chân thành của mình tới trời Phật, thần linh và tổ tiên là được.

Tuy nhiên các gia đình nên chọn các ngày, giờ hoàng đạo như ngày 2,7,8,12,14 để cúng, không nên chọn ngày hắc đạo như ngày 3,6,10,13 Âm lịch để cúng.

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 1

Cụ thể khung giờ hoàng đạo như sau:

Ngày 12/7 Âm lịch tức ngày 27/8 Dương lịch năm 2023. Giờ Hoàng đạo gồm: Sửu: 1:00-2:59, Thìn: 7:00-8:59, Ngọ: 11:00-12:59, Mùi: 13:00-14:59, Tuất: 19:00-20:59, Hợi: 21:00-22:59.

Ngày 14/7 Âm lịch tức ngày 29/8 Dương lịch năm 2023. Giờ Hoàng đạo gồm: Dần: 3:00-4:59, Mão: 5:00-6:59, Tỵ: 9:00-10:59, Thân: 15:00-16:59, Tuất: 19:00-20:59, Hợi: 21:00-22:59

Ngoài ra để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, quan niệm dân gian cho rằng vào lễ Vu Lan, con cháu nên làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ. Để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt. Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay.

Vào ngày Vu Lan, các Phật tử cũng thành tâm cúng dường, bố thí, chia sẻ cho những người khổ đau hay lên chùa tụng kinh lễ bái để cầu sự siêu thoát cho ông bà, tổ tiên; cầu phúc cho cha mẹ sống thọ, khỏe mạnh. Đồng thời, có thể ăn chay, niệm Phật, tham gia lễ hội thả hoa đăng, bông hồng cài áo...

Lễ cúng Rằm tháng 7 thường gồm cúng Phật, cúng gia tiên và cúng chúng sinh. Vậy, các mâm cúng lễ này cần chuẩn bị những lễ vật gì?

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 2

Mâm cúng Phật Rằm tháng 7

Đối với những gia đình theo đạo Phật, rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn. Theo giáo lý nhà Phật, lễ cúng không quan trọng ở mâm cao cỗ đầy mà cốt ở lòng thành của mỗi người.

Lễ cúng Phật cần được đặt ở nơi cao nhất trên bàn thờ. Nếu dùng hoa tươi thì nên chọn hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… tránh dùng các loại hoa tạp, hoa dại. Đồ cúng thường là cỗ chay hoặc ngũ quả, nước lọc.

Gia chủ có thể làm mâm cỗ chay gồm: Giò, chả chay, nem chay hoặc nem nấm, canh nấm hoặc rau củ quả, đậu hũ...

Ngoài ra, khi làm lễ cúng Phật vào ngày rằm tháng 7, bạn nên đọc một khóa kinh Vu Lan để hồi hướng công đức đến đấng sinh thành và thể hiện đạo hiếu làm con.

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 3

Mâm cúng gia tiên Rằm tháng 7

Đối với mâm lễ cúng gia tiên thường sắp xếp "Trên chay dưới mặn" tức là trên hoa quả, dưới là cỗ mâm mặn. Các món ăn nấu tùy theo điều kiện gia đình, các món ăn cần đa dạng, tươi sạch để thể hiện lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên.

Mâm cúng mặn thường gồm các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho, món xào, món nộm,.. Kèm theo là trái cây, hoa cúng, nước, rượu, nhang, nến, vàng mã và cả những vật dụng dành cho người cõi âm làm bằng giấy tượng trưng như quần áo, giày dép,...

Khi bầy mâm cùng, nếu người cúng là trưởng tộc thì cúng xôi gà và 9 bát xếp chồng lên nhau, 9 đôi đũa. Nếu không có gà thì một miếng thịt hoặc một khoanh giò.

Nếu là con trưởng trong nhà thì cúng 1 mâm cơm, tùy tâm và điều kiện, có ít cúng ít, có nhiều cúng nhiều, nhưng không thể thiếu 7 cái bát chồng lên nhau.

Nếu không phải con trưởng thì cúng 1 mâm cơm gồm nhiều đồ ăn và 5 cái bát tượng trưng cho ngũ đại đồng đường, xếp 5 bát chồng lên nhau.

Chúng ta lâu nay thường lầm tưởng xếp 6 cái bát, để các các cụ ngồi thành 1 mâm, thực ra không phải vậy. Số lượng bát phải phụ thuộc vào người cúng là con trưởng hay con thứ, tượng trưng cho các đời trong dòng tộc.

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 4

Mâm cúng chúng sinh Rằm tháng 7

Lễ cúng chúng sinh thường có gạo muối, cháo trắng, hoa quả, đường thẻ, quần áo chúng sinh, bỏng ngô, bánh kẹo, tiền vàng, nước, 3 ly cốc nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

Lễ cúng chúng sinh không nên làm lễ mặn vì có thể khơi dậy tham, sân, si. Lễ cúng chúng sinh phải được bày ngoài trời hoặc trước cửa chính của ngôi nhà. Gia chủ đọc văn khấn hoặc bài cúng nôm theo tâm nguyện và rải lòng thương của mình đối với các cô hồn, mong linh hồn giải thoát khỏi trần thế đau khổ.

Khi lễ cúng chúng sinh xong thì gạo, muối được vãi ra sân, đường còn vàng mã thì đem đốt.

Theo truyền thống xưa, các gia đình sẽ mua quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...). Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến cáo không nên sử dụng vàng mã, tránh lãng phí. Đồng thời Giáo hội cũng cấm đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự. Bởi vậy, các gia đình có thể cân nhắc hình thức này.

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 5

Dưới đây là các bài cúng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin) mời các bạn tham khảo:

Văn khấn thần linh Rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Hôm nay là ngày Rằm tháng 7…….

Tín chủ chúng con là…..

Ngụ tại…….

Thành tâm sửa biện hương hoa, lễ vật và các thứ cúng dâng, bày lên trước án.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Đức Mục Kiền Liên Tôn Giả.

Chúng con thành tâm kính mời ngài Kim Niên Đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân và tất cả các vị thần linh cai quản trong khu vực này.

Cúi xin các ngài giáng lâm án tọa, xét soi chứng giám.

Nay gặp tiết Vu Lan, ngày vong nhân được xá tội. Chúng con đội ơn Tam Bảo, Phật trời phù hộ, thần linh các đấng che chở, công đức lớn lao nay không biết lấy gì đền báo.

Do vậy kính dâng lễ bạc, giãi tỏ lòng thành, nguyện mong nạp thụ. Phù hộ độ trì cho chúng con và cả gia đình luôn mạnh khỏe, già trẻ bình an, một lòng hướng về chính đạo, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám!

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 6

Văn khấn tổ tiên Rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy tổ tiên nội ngoại và chư vị Hương linh.

Tín chủ chúng con là….

Ngụ tại….

Hôm nay là ngày Rằm tháng 7 năm…. Nhân gặp tiết Vu Lan vào dịp Trung Nguyên, chúng con nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ đã sinh thành ra chúng con gây dựng cơ nghiệp, xây đắp nền nhân, khiến nay chúng con được hưởng âm đức.

Chúng con cảm nghĩ ơn đức cù lao khôn báo, cảm công trời biển khó đền nên tín chủ con sửa sang lễ vật, hương hoa, trà quả, kim ngân vàng bạc, thắp nén tâm hương, thành kính lên các cụ Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Bá Thúc Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội và tất cả các hương hồn trong nội tộc, ngoại tộc của họ….

Cúi xin các vị thương xót cháu con, linh thiêng hiện về, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh bình an, lộc tài vượng tiến, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long, hướng về chính giáo.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật ( 3 lần)

(Tổng hợp) Cần chuẩn bị những gì để cúng Rằm tháng 7? 7

Văn khấn chúng sinh Rằm tháng 7

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con lạy Đức Phật Di Đà

Con lạy Bồ Tát Quan Âm.

Con lạy Táo Phủ Thần quân Chinh thần.

Tiết tháng 7 sắp thu phân. Ngày Rằm xá tội vong nhân hải hà….Âm cung mở cửa ngục ra. Vong linh không cửa không nhà. Đại Thánh Khảo giáo - A Nan Đà Tôn giả. Tiếp chúng sinh không mả, không mồ bốn phương. Gốc cây xó chợ đầu đường. Không nơi nương tựa đêm ngày lang thang. Quanh năm đói rét cơ hàn. Không manh áo mỏng - che làn heo may. Cô hồn nam bắc đông tây. Trẻ già trai gái về đây hợp đoàn.

Nay nghe tín chủ thỉnh mời, Lai lâm nhận hưởng mọi lời trước sau, Cơm canh cháo nẻ trầu cau, tiền vàng quần áo đủ màu đỏ xanh, gạo muối quả thực hoa đăng, mang theo một chút để dành ngày mai, phù hộ tín chủ lộc tài, an khang thịnh vượng hòa hài gia trung. Nhớ ngày xá tội vong nhân. Lại về tín chủ thành tâm thỉnh mời. Bây giờ nhận hưởng xong rồi. Dắt nhau già trẻ về nơi âm phần, tín chủ thiêu hóa kim ngân, cùng với quần áo đã được phân chia.

Kính cáo Tôn thần chứng minh công đức cho tín chủ con tên là: ……………………

Vợ/Chồng: …………………………

Con trai: …………..

Con gái:…………………………….

Ngụ tại:……………………………..

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Tin cùng chuyên mục
Tu Thó - Làng du lịch cộng đồng đầu tiên của đồng bào Xơ Đăng ở vùng Quốc bảo sâm Ngọc Linh

Tu Thó - Làng du lịch cộng đồng đầu tiên của đồng bào Xơ Đăng ở vùng Quốc bảo sâm Ngọc Linh

Chiều 14/1, UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh Kon Tum Công nhận Làng du lịch cộng đồng Tu Thó, xã Tê Xăng. Dự lễ có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kon Tum Nguyễn Đức Tuy; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh.