Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cần đầu tư bài bản hơn cho nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam

Nguyệt Anh (T/h) - 10:09, 24/10/2021

Nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam đã từng có một thời phát triển rực rỡ với những tên tuổi các nhà viết kịch nổi tiếng như Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Xuân Trình… Tuy nhiên, trong dòng chảy đời sống hiện đại, nghệ thuật kịch nói đang đứng trước những thách thức, cần có những bước đột phá, chuyển mình mạnh mẽ mới mong tìm lại được chỗ đứng trong lòng khán giả.

Các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của tác giải Lưu Quang Vũ
Các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn vở diễn "Hoa cúc xanh trên đầm lầy" của tác giải Lưu Quang Vũ

Một thời vàng son

Tuần lễ Kỷ niệm 100 năm Sân khấu Việt Nam diễn ra từ ngày 21 đến 27/10/2021, với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam-Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển”; Gala “Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam”; công diễn một số vở kịch đặc sắc như: Chén thuốc độc (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch Việt Nam); Ai là thủ phạm (tối 24/10, Nhà hát Tuổi trẻ); Bạch đàn liễu (tối 25/10, Sân khấu Lucteam); Phải có ba đồng (tối 26/10, Nhà hát Kịch Hà Nội).

Ngày 23/10, tại Hà Nội, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”. Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sân khấu cùng đại diện lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật.

Tại Hội thảo, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã khái quát về sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, kịch nói Việt Nam hình thành từ sự kết hợp giữa sân khấu truyền thống và sân khấu phương Tây từ Pháp du nhập vào nước ta cách đây đúng 100 năm và trải qua nhiều bước thăng trầm.

Nửa đầu thế kỷ XX, kịch nói tồn tại với sự tài tử, nghiệp dư ở mọi phương diện như: Kịch bản, dàn dựng, diễn xuất, thưởng thức. Sự tài tử này chỉ chấm dứt sau năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt tay vào chuyên nghiệp hóa thể loại kịch Việt Nam, cử người đi học để được đào tạo chính quy. Sân khấu Việt Nam hiện đại vì thế trở thành nền sân khấu được chuyên nghiệp hóa.

Những năm 1970-1980, loại hình này phát triển hoàng kim với nhiều tác phẩm sáng giá, thu hút khán giả, sân khấu sáng đèn hàng đêm, người xem chật kín rạp. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, sân khấu Việt nói chung, sân khấu kịch nói riêng gặp nhiều khó khăn và ngày càng thưa vắng khán giả, đặc biệt trong 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh ấy, Hội thảo này được tổ chức nhằm ôn lại chặng đường lao động sáng tạo của sân khấu kịch nói Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển mới của sân khấu kịch nói sau đại dịch COVID-19.

Cần đầu tư, đào tạo xứng tầm về nhân lực

Hội thảo đã ghi nhận ý kiến, tham luận quý giá của lãnh đạo các Hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý, đơn vị nghệ thuật sân khấu; các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu, nghệ sỹ uy tín như: Phó Giáo sư Tất Thắng; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Duy Khuê; Nhà văn Ngô Thảo; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái; Nhà viết kịch Nguyễn Hiếu; Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ; Nghệ sỹ Nhân dân Giang Mạnh Hà; Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu; Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc; Đạo diễn Lê Quý Dương...

Cảnh trong vở “Chén thuốc độc”, vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam, ra đời cách đây 100 năm, được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam dựng lại. Ảnh: Hòa Nguyễn
Cảnh trong vở “Chén thuốc độc”, vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam, ra đời cách đây 100 năm, được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam dựng lại. Ảnh: Hòa Nguyễn

Trong đó, nhiều ý kiến tập trung phân tích, khẳng định, nền sân khấu kịch nói Việt Nam tuy ra đời muộn nhưng đã tiếp thu những tinh hoa của nhân loại nên có sự phát triển nhanh chóng, tạo dấu ấn trong lòng công chúng, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thẩm mỹ, nhân cách người Việt Nam. Nghệ thuật kịch Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát triển thành nền kịch chuyên nghiệp, hoàn thiện, hiện đại, hữu ích, có tính dân tộc, khoa học và đại chúng; có sự phong phú về đề tài, chủ đề, thể tài với nhiều hình thái sinh động như: Sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu Nhà nước, sân khấu xã hội hóa…

Bên cạnh đó, nhiều tham luận cũng thẳng thắn nêu lên thực trạng cũng như những thách thức đối với vấn đề phát triển sân khấu kịch nói Việt Nam hiện nay như: Hiện trạng thiếu vắng khán giả, hình thức và nội dung cũ kỹ, đặc biệt là thiếu đề tài đương thời của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế…

Tổng kết Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trí Trắc nêu bật một số vấn đề mang tính giải pháp để sân khấu kịch Việt Nam có thể phát triển vững vàng thời gian tới. Theo đó, sân khấu kịch Việt Nam cần có sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có kế hoạch đào tạo khán giả tiềm năng; Đào tạo tác giả, mở trại sáng tác theo hình thức mới hiệu quả hơn; đẩy mạnh giao lưu sân khấu quốc tế, nhất là với các nước theo cơ chế thị trường để học tập, rút kinh nghiệm; Đào tạo đạo diễn, diễn viên ở các nước có nền nghệ thuật sân khấu tiên tiến; Xây dựng cơ chế đặc thù cho nghệ thuật sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng…

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, thời gian tới, các nhà quản lý, đơn vị nghệ thuật, nghệ sỹ cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là về viết kịch bản, diễn xuất... Các đơn vị cần đầu tư kỹ thuật tiên tiến, tiếp cận với những hình thức thể hiện sân khấu mới, tập trung sáng tạo tác phẩm xứng tầm, tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu kịch nói để tập trung được nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí nhằm đầu tư các tác phẩm sân khấu chất lượng đỉnh cao... để sân khấu kịch nói vượt qua giai đoạn khó khăn này và phát triển lên tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.