Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Cần tỉnh táo khi tìm việc qua mạng xã hội

Hoàng Quý - 09:41, 03/08/2020

Chỉ cần lướt qua một số trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc tìm kiếm việc làm trên Google, hàng trăm kết quả sẽ hiển thị vừa nhanh, gọn, dễ dàng lại thu hút đông đảo sự quan tâm của người cần tìm việc làm. Bên cạnh tính tiện lợi, hình thức tuyển dụng qua mạng xã hội cũng bị một số đối tượng lợi dụng để lừa đảo, khi thấy nhu cầu tìm việc của người lao động tăng cao.

Người lao động cần cẩn trọng tránh sập bẫy tuyển dụng.
Người lao động cần cẩn trọng tránh sập bẫy tuyển dụng.

Nhiều hình thức lừa đảo

Thời gian vừa qua, đánh vào tâm lý người lao động đang có nhu cầu cao kiếm việc làm, đặc biệt là sau khi thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của những người đang có nhu cầu tìm việc. Như mới đây, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Trung Kiên và Lê Đức Mạnh (quê Yên Bái) có hành vi trộm cắp tài sản và lừa đảo thông qua tuyển dụng việc làm.

Nạn nhân là anh L.T.L (quê Hà Tĩnh) đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt mất chiếc điện thoại di động của mình. Do mất việc bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh L lên mạng xã hội tìm kiếm việc làm và nhận được lời giới thiệu của Kiên và Mạnh về công việc quản lý kho quần áo với mức lương 6 triệu đồng/tháng, đã bao gồm cả ăn, ở. Qua một thời gian trao đổi qua mạng xã hội, các đối tượng đã hẹn anh L đến gặp mặt và hứa hẹn đưa đến địa điểm để đi làm. Lợi dụng lúc anh L không để ý, các đối tượng đã trộm mất chiếc điện thoại di động anh L cầm theo.

Hay như vụ việc Nguyễn Văn Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) sau khi tìm việc làm trên mạng xã hội, anh đã quen một đối tượng tên Chung. Chung hứa giới thiệu cho anh Sơn việc làm tại một công ty của Nhật Bản, với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, cùng với các đãi ngộ như: Miễn phí tiền ăn, hỗ trợ tiền thuê nhà. Để được vào làm việc, anh Sơn phải đóng 2 triệu đồng. Sau khi đưa cho Chung 2 triệu đồng, anh Sơn đã không còn liên lạc được với Chung nữa.

Anh L và anh Sơn chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bị lừa đảo khi tìm việc qua mạng xã hội. Vì mong muốn có được việc mà nhiều người lao động không ngần ngại đóng phí. Tuy nhiên, khi được giới thiệu thì công việc hoàn toàn không như mô tả, lương lại thấp hơn, người lao động không đồng ý và đòi lại phí thì người giới thiệu không trả và đưa ra vô số lý do.

Tỉnh táo để tránh sập bẫy

Theo ông Vũ Quang Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các nạn nhân vì số tiền bị mất không lớn, nên các trường hợp nêu trên và nhiều người bị lừa đã không tố cáo với các cơ quan chức năng. Đây chính là kẽ hở, khiến kẻ xấu có cơ hội tiếp tục lừa đảo, còn các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để xử lý hành vi vi phạm.

Ông Thành khuyến cáo: “Người lao động nên tìm việc làm thông qua các kênh thông tin chính thống, các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín và cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Đồng thời, người lao động không liên hệ qua các tài khoản trên mạng xã hội, khi chưa bảo đảm được tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo, người lao động nên lưu lại thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan điều tra”.

Người lao động nên tìm việc làm thông qua các kênh thông tin chính thống, các sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín và cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký, trao đổi. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo, người lao động nên lưu lại thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để thông báo, cung cấp ngay cho cơ quan điều tra”.

Ông Vũ Quang Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.