Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Lao động di cư và bài toán giảm nghèo đa chiều

Sỹ Hào - 09:49, 15/05/2020

Lao động (LĐ) DTTS di cư đến các khu công nghiệp (KCN) tìm việc làm đang có xu hướng gia tăng. Việc dịch chuyển này trước mắt tạo sinh kế; nhưng để tạo thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo đa chiều thì cần có những giải pháp căn cơ.

Điều kiện sản xuất khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến xu hướng LĐ người DTTS đi làm ăn xa ngày càng tăng. (Ảnh minh họa).
Điều kiện sản xuất khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến xu hướng LĐ người DTTS đi làm ăn xa ngày càng tăng. (Ảnh minh họa).

Gia tăng LĐ di cư

Năm 2019, tổ chức CARE (một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo và phát triển) tại Việt Nam đã triển khai một dự án nghiên cứu về LĐ di cư trong cộng đồng DTTS. Nghiên cứu được thực hiện tại 5 tỉnh, gồm: Điện Biên, Bắc Kạn, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.

Kết quả nghiên cứu của CARE cho thấy, xu hướng LĐ người DTTS rời bản làng đi làm ăn xa đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, so với năm 2018, trong các cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở Bắc Kạn, số LĐ đi làm ăn xa năm 2019 tăng 148%; trong cộng đồng dân tộc Khmer ở Trà Vinh tăng 178%; trong các cộng đồng dân tộc Thái, Mường ở Điện Biên tăng 198%.

Một số cộng đồng dân tộc Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị, dân tộc Xơ-đăng ở Kon Tum, dân tộc Mông ở Bắc Kạn, đi làm ăn xa là xu hướng mới xuất hiện; nhưng trong hai năm 2018, 2019, số lượng LĐ di cư tăng đột biến.

Theo kết quả nghiên cứu của CARE tại Việt Nam, xu hướng phổ biến nhất của LĐ người DTTS di cư là đi làm công nhân trong các nhà máy ở các KCN. Ít phổ biến hơn là xu hướng làm các công việc phi chính thức như: Phụ hồ, buôn ve chai, bốc vác, thợ nề, thợ mộc…

Theo phân tích của tổ chức CARE tại Việt Nam, LĐ người DTTS di cư từ trước đến nay chủ yếu là nam giới. Tuy nhiên, LĐ nữ người DTTS cũng đang có xu hướng tham gia thị trường LĐ (chủ yếu là phi chính thức) ngày càng nhiều.

Việc LĐ người DTTS có xu hướng di cư tìm việc làm là tất yếu khi mà ở địa phương, LĐ rất chật vật trong việc tạo sinh kế. Thiếu vốn đầu tư, thiếu đất sản xuất… khiến thu nhập của LĐ người DTTS thường không ổn định. Trong khi đó, hiện ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà máy để sử dụng LĐ tại chỗ.

Những hệ lụy xã hội

LĐ người DTTS di cư tìm việc làm có mặt tích cực là tạo nguồn thu nhập cho gia đình LĐ. Nguồn tiền từ những LĐ DTTS đi làm ăn xa gửi về có tác động tích cực với đời sống, cải thiện được việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, vệ sinh và nước sạch, thông tin) trước tiên cho gia đình họ và sau đó là cả thôn bản chung.

Nhưng nguồn thu nhập đó chỉ cao hơn so với thời điểm mà LĐ chưa di cư. Bởi thực tế, đại đa số LĐ người DTTS đều chưa qua đào tạo, khi rời bản làng, tham gia thị trường lao động ở các thành phố thì cũng chỉ làm những công việc đơn giản, thậm chí là nặng nhọc.

Đặc biệt là với LĐ nữ người DTTS; theo thống kê của Tổng cục Thống kê, cả nước hiện có trên 4,7 triệu LĐ nữ người DTTS, chiếm khoảng 50,4% quy mô lực lượng LĐ người DTTS. Nhưng hiện nay, tỷ lệ LĐ nữ DTTS qua đào tạo chỉ là 5,9%; tỷ lệ có trình độ sơ cấp nghề chỉ có 0,2%, trình độ cao đẳng 1,4%...

Việc đi làm ăn xa cũng khiến LĐ người DTTS đối diện với nhiều vướng mắc khác liên quan đến gia đình, nhất là về mặt con cái, vì không xin được học cho con ở nơi mới. Theo số liệu điều tra, 15% người đi làm ăn xa phải trở về vì không xin được học cho con.

Tất cả những vấn đề đó đang đặt ra yêu cầu phải đồng bộ các chính sách an sinh xã hội (giáo dục, y tế) cho người già và trẻ em ở nơi đi và nơi đến để người thân của những người LĐ người DTTS không ai bị bỏ lại phía sau.


Tin cùng chuyên mục
Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Năm 2024 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình xóa nhà dột nát, nhà tạm tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025, khi thị xã đã nỗ lực quyết tâm và đã hoàn thành 100% kế hoạch của cả giai đoạn. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.