Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Cẩn trọng với các bệnh khi giao mùa ở trẻ em vùng DTTS

Hiếu Anh - 13:59, 17/11/2020

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa. Do đó, trẻ em thường mắc các bệnh về thời tiết, nhất là các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vì vậy, các bậc phụ huynh ở vùng DTTS và miền núi cần chủ động phòng, chống bệnh cho trẻ.

Nhiều trẻ em ở vùng cao Mù Cang Chải đến khám bệnh lúc giao mùa
Nhiều trẻ em ở vùng cao Mù Cang Chải đến khám bệnh lúc giao mùa

Trẻ nhập viện tăng đột biến

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, từ đầu tháng 10 đến nay, trẻ em mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, như cúm mùa, sốt Virus, viêm phế quản, viêm phổi RSV… đến khám và điều trị có chiều hướng gia tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày có 93 - 110 trẻ đến khám, trong đó có trên 20% bệnh nhi được chỉ định phải nhập viện điều trị nội trú, tăng 1,5 - 2 lần so các tháng khác trong năm.

Chỉ tính riêng Khoa Nội nhi Tổng hợp của Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, hiện có 26 buồng bệnh với 60 giường bệnh đã quá tải, có những giường bệnh phải nằm ghép 3, 4 bệnh nhi.

Còn tại Yên Bái, nhiều bệnh viện ở cơ sở cũng trong tình trạng quá tải. Bác sĩ Đỗ Thị Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nhi - Tổng hợp Bệnh viện Sản nhi Yên Bái cho biết: Từ cuối tháng 9 năm nay, số bệnh nhân tại khoa tăng khoảng 20 cháu mỗi ngày và đạt ngưỡng 100 bệnh nhi/87 giường bệnh. Khoa đã phải tăng số giường lên tối đa là 139 giường để chữa trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, từ thời điểm cuối tháng 10 đến nay, có lúc số bệnh nhi nằm tại khoa Điều trị đã lên đến 152/139 giường bệnh.

Số bệnh nhi nhập viện ở các khoa khác trong Bệnh viện cũng có khoảng 50 trẻ (tăng khoảng 30 bệnh nhi so với trước lúc giao mùa), đông nhất là trẻ dưới 3 tuổi, trong đó đa số là trẻ mắc bệnh đường hô hấp và thêm một số trẻ bị tiêu chảy thông thường.

Không thể chủ quan

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, chất lượng không khí, môi trường sống của vùng miền núi bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội của vùng này còn kém phát triển. Thế nhưng, nhiều người DTTS vẫn rất chủ quan với các bệnh giao mùa. Chỉ khi nào, bệnh nhân biến chứng nặng mới đến khám ở các cơ sở y tế.

Bà Hà Thị Tầm, dân tộc Tày ở huyện Lục Yên đang chăm sóc cháu nội hơn 2 tháng tuổi tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái cho biết: Từ khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, cháu bà hay sổ mũi, cách đây khoảng 5 ngày thì mệt, quấy khóc, ho. Bà chủ quan do nghĩ cháu bị ốm bình thường nên dùng các biện pháp dân gian như giã lá húng chanh rồi tự mua thuốc cho cháu uống nhưng mãi không khỏi. Khi thấy cháu có biểu hiện khó thở bà đưa đến trạm xá khám, nhưng có biểu hiện nặng nên phải đưa cháu đến bệnh viện tỉnh điều trị.

Bác sĩ Đào Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội nhi Tổng hợp, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, nhiều người dân còn rất chủ quan với các căn bệnh giao mùa. Do điều kiện sinh sống khó khăn, dân trí thấp nên nhiều người DTTS số ở vùng sâu, vùng xa chỉ mời thầy cúng về cúng khi con cái bị ốm, hay tự mua thuốc kháng sinh để điều trị, hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát. Những việc làm này vô tình khiến cho tình trạng của trẻ có thể biến chứng nặng khi đưa đến các cơ sở y tế.

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hạnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ em có sức đề kháng kém, cấu trúc đường thở chưa hoàn thiện nên dễ bị Virus tấn công. Đây là căn bệnh khá phổ biến thời điểm giao mùa, nhưng nếu không được điều trị sớm và đúng cách rất dễ gây ra biến chứng thậm chí tử vong ở trẻ.

Bác sĩ Hồng Hạnh khuyến cáo, nếu cha mẹ thấy con sốt cao, ho nhiều hơn, khó thở, ăn ít hơn, đi tiểu ít hơn, thở nhanh rút lõm lồng ngực thì khi đó trẻ có biểu hiện rất nặng, phải đưa con đến cơ sở y tế để tư vấn chính xác chứ không nên tự đi mua thuốc điều trị.

Tin cùng chuyên mục
Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.