Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Cảnh báo tình trạng biến dạng trang phục truyền thống

Hồng Phúc - 10:14, 03/03/2020

Trang phục truyền thống là một yếu tố quan trọng làm nên bản sắc của mỗi dân tộc. Thế nhưng, trước sự phát triển kinh tế, giao lưu của nhiều nền văn hoá, trang phục của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, bị biến dạng bởi cách tân lệch lạc.

Phụ nữ Jrai ở Ia Ka - Gia Lai vẫn miệt mài với nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Phụ nữ Jrai ở Ia Ka - Gia Lai vẫn miệt mài với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Trên thực tế, chúng ta có thể nhìn thấy thành công trong việc gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc của nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, … Đó là cách họ “phổ thông hoá” trang phục của mình, không chỉ ở trong nước, các bộ trang phục này được nhiều người nước ngoài biết đến, yêu thích. Chỉ cần gõ Google tìm kiếm, hàng trăm thông tin quảng bá, mua bán hiện ra dễ dàng. Nó không chỉ thúc đẩy động lực bảo tồn văn hoá, mà còn quảng bá cực kỳ hiệu quả hình ảnh quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, xã hội. 

Ở Việt Nam, sự đa dạng về trang phục với 54 dân tộc anh em đã góp phần tạo ra sự đa dạng văn hoá hiếm có đất nước nào có được. Nhưng đây cũng là lý do khách quan khiến chúng ta khó tạo ra những dấu ấn khác biệt. Đồng thời, chính điều này cũng tạo ra thách thức trong việc bảo tồn trang phục truyền thống của đồng bào DTTS. Theo số liệu điều tra mới đây của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thì có tới 40 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam không còn mặc trang phục truyền thống. 

Ở bộ trang phục này, chân váy được may bằng chất liệu vải thổ cẩm của người Mông, có thể gây hiểu sai về văn hoá dân tộc này
Ở bộ trang phục này, chân váy được may bằng chất liệu vải thổ cẩm của người Mông, có thể gây hiểu sai về văn hoá dân tộc này

Đánh giá trang phục dân tộc như “thẻ căn cước” nói lên văn hóa, giá trị thẩm mỹ mang bản sắc của mỗi tộc người, nhưng Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Thực tế hiện nay, trang phục truyền thống của các DTTS đang ngày càng mai một và biến dạng. Trong 53 dân tộc thiểu số thì có không ít dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống của mình, hoặc thay đổi cách ăn mặc. Đáng buồn hơn, nhiều người trong số đó còn mang suy nghĩ, nếu không mặc theo kiểu “toàn cầu hóa” sẽ bị coi là “lạc hậu”. 

Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại hơn là, thái độ ứng xử với trang phục truyền thống, không riêng trong cộng đồng người DTTS mà còn ở các môi trường khác. Hiện nay, nhiều hoạt động nghệ thuật sử dụng các trang phục truyền thống nhưng đã cách tân, cải biên khác xa với bản gốc, khiến công chúng có thể có những cái nhìn sai về văn hoá các DTTS.

Những thiếu nữ dân tộc Mông trong trang phục truyền thống. (Ảnh TL)
Những thiếu nữ dân tộc Mông trong trang phục truyền thống. (Ảnh TL)

Đặc biệt, điều này xuất hiện nhiều trong các tiết mục múa dân gian. Đã có trường hợp diễn viên mặc trang phục truyền thống của người Mông, nhưng lại không phải là váy xòe thổ cẩm do người Mông làm, mà lấp lánh kim tuyến y hệt trang phục của người Trung Quốc.

Việc lạm dụng hoặc làm biến dạng các bộ váy truyền thống của người Thái, Tày, Mường, Dao... thành sản phẩm thời trang lai căng, kệch cỡm đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Điều này còn đặc biệt nguy hiểm khi các trang phục này được trình diễn trên sân khấu trước nhiều khán giả, đặc biệt với thời đại truyền thông phát triển như hiện tại, những video ca nhạc, kịch, phim về chủ đề DTTS còn được xuất hiện rộng rãi hơn trên internet, mạng xã hội. Nếu những người làm nghệ thuật không đủ hiểu biết, không có có thái độ cẩn trọng với trang phục thì khó có thể đòi hỏi sự hiểu biết của khán giả.