Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Dải thổ cẩm” ở núi rừng Trường Sơn

Tấn Vịnh - 22:04, 14/11/2019

Thổ cẩm, trang phục là diện mạo của di sản văn hóa tộc người. Dệt vải thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống lâu đời và phổ biến của các dân tộc miền núi. Nghề dệt thổ cẩm gắn bó với cuộc sống của đồng bào, là một phần quan trọng của tri thức dân gian, là di sản văn hóa, tài nguyên nhân văn quý giá của các dân tộc thiểu số.

Các thợ dệt ký văn bản cam kết tham gia mạng lưới dệt thổ cẩm
Các thợ dệt ký văn bản cam kết tham gia mạng lưới dệt thổ cẩm

Trong quá khứ, các dân tộc đã có quan hệ giao lưu, học hỏi lẫn nhau về nghề dệt thổ cẩm, trao đổi với nhau các sản phẩm dệt, đồ trang sức, ảnh hưởng qua lại về kiểu cách trang phục... Xuất phát từ yếu tố lịch sử, văn hóa đó, Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế của Nhật Bản (FIDR) đã khai sinh ra “Dải thổ cẩm” mang đậm dấu ấn, sắc màu đại ngàn, khởi động mạng lưới thổ cẩm của nhiều nhóm nghệ nhân dệt thuộc các dân tộc sinh sống ở vùng cao.

Trong cuộc sống mưu sinh ở các buôn làng, thôn bản hiện nay, nghề dệt truyền thống của đồng bào vẫn còn giữ gìn, bảo lưu ở một số buôn làng. Tuy nhiên, nguyên liệu dệt đã thay đổi, không giữ được hồn cốt của thổ cẩm truyền thống, nhất là hoa văn và sắc màu.

Mặc dù nghề dệt của các dân tộc như Cơ-tu, Tà Ôi, Hrê đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, nhưng không nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng để tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản quý báu của dân tộc...

Cơ duyên đến với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào vùng cao từ khi FIDR (trụ sở tại Đà Nẵng) quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp đỡ sinh kế cho bà con sinh sống ở địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam. Qua thời gian gắn bó với các thôn bản vùng cao, những người bạn đến từ Nhật Bản đã bị cuốn hút bởi vốn văn hóa truyền thống của người Cơ-tu, trong đó có nghề dệt thổ cẩm.

Nhìn thấy tiềm năng, triển vọng phát triển sản phẩm làng nghề nói riêng, di sản văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, có thể khai thác phục vụ hoạt động du lịch, bà Nobuko Otsuki - Trưởng Đại diện Tổ chức FIDR tại Việt Nam, cùng với các cộng sự của mình đã có nhiều năm ấp ủ hình thành “mạng lưới dệt” để đánh thức nghề truyền thống của cả vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.

Qua nhiều lần vận động, khảo sát, tổ chức tập huấn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con, nhân dịp Hội thảo Khởi động mạng lưới thổ cẩm các dân tộc miền Trung - Tây Nguyên “mạng dưới dệt” đã chính thức ra mắt vào ngày 10/10 tại đô thị cổ Hội An. Mạng lưới gồm 17 nhóm nghệ nhân dệt thuộc các dân tộc Cơ-tu, Xơ-đăng, Ba Na, Ê-đê, M’nông, Mạ, Giẻ-triêng... đang sinh sống ở 5 tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Kon Tum, Đăk Nông.

Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR và các thợ dệt thổ cẩm trong buổi ra mắt khởi động mạng lưới thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên
Bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR và các thợ dệt thổ cẩm trong buổi ra mắt khởi động mạng lưới thổ cẩm miền Trung - Tây Nguyên

Riêng trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam, nhóm dệt của làng Zara còn có nhiều làng khác tham gia mạng lưới như La Dêê, La Êê, Dak Tôi, Tà Pơ, Zuôih, Chơ Chun (huyện Nam Giang), Dhờ Rồng, Bhà Hôồn (Đông Giang). Đặc biệt, xã Zuôi có đến 120 thợ dệt thổ cẩm tham gia mạng lưới.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Lan (Hợp tác xã thổ cẩm Zara) được chọn trong Ban điều hành mạng lưới, cho biết trong tương lai mạng lưới sẽ mở rộng nhiều địa bàn, thu hút nhiều nhóm nghệ nhân thuộc các thành phần dân tộc tham gia.

Để hỗ trợ công tác truyền thông, tổ chức FIDR còn hình thành trang web mang tên weaving network. Những ai quan tâm có thể truy cập vào trang mạng này để tìm kiếm thông tin và các thành viên có thể liên lạc với nhau nhanh nhạy hơn để trao đổi, chia sẻ thông tin, hình ảnh, các hoạt động của nhóm...

Việc khởi động mạng lưới thổ cẩm mang ý nghĩa nhiều mặt. Tham vọng của mạng lưới là tạo điều kiện, cơ hội để nghệ nhân các dân tộc trong khu vực, trong các tỉnh thành liên kết với nhau nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bí quyết, nâng cao tay nghề, chia sẻ những thông tin để quảng bá, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nghề truyền thống của bào được duy trì cũng góp phần thay đổi diện mạo ở buôn làng, vừa giúp giữ gìn sắc phục dân tộc, vừa tạo công ăn việc làm, có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.

Dải thổ cẩm là “sân chơi” của các thợ dệt - chủ nhân của các sản phẩm thổ cẩm. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhằm tạo ra cơ hội và môi trường thuận lợi, thích hợp nhất để giúp bà con được kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.