Mong một chỗ ở an toàn
Ngay sau khi thiên tai xảy ra trên địa bàn, trong ngày 11/9, lực lượng Quân đội, Công an, dân quân địa phương thuộc huyện Nguyên Bình đã khẩn trương di dời 40/80 hộ dân vùng bị ảnh hưởng sạt lở đến địa điểm an toàn tại xóm Lũng Luông, xã Vũ Nông, cách điểm sạt lở khoảng 2km. Cùng với việc dựng lều bạt, các nhu yếu phẩm như: đường sữa, nước sạch, mì gói, bánh ngọt cũng đã được các đoàn cứu trợ chuyển đến, đảm bảo nhu cầu trước mắt cho bà con.
Đảng, Nhà nước, tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình sẽ luôn quan tâm, đồng hành cùng người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hoàng Xuân ÁnhChủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng
Những hộ dân chạy thoát trong vụ sạt lở kinh hoàng tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình cũng đã được bố trí ở tạm Nhà văn hóa và nhà bà con thân thích trong xóm. Trưởng xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, ông Hoàng Văn Me cho biết: Bây giờ, bà con xóm Lũng Lỳ đã tạm qua nỗi sợ hãi, đã tự động viên nhau vượt lên nỗi đau và khó khăn để sống tiếp. Nhưng nhà cửa mất sạch rồi, cũng chưa biết dựng nhà ở đâu cho an toàn.
“Chúng tôi đang rất mong chờ các cấp chính quyền hỗ trợ, bố trí chỗ ở cho bà con” - ông Me bày tỏ.
Gần 1 tuần sau trận lở đất, dù chưa nguôi nỗi đau mất vợ, mất hết tài sản, ông Hoàng Văn Dờ, Người có uy tín xóm Lũng Lỳ vẫn nghĩ đến bà con: Bây giờ, điều cần thiết nhất là ổn định chỗ ở cho những người mất nhà, để còn lao động, sản xuất, để trẻ nhỏ được học hành. Dù sao cũng vẫn phải sống tiếp” - ông Dờ cho biết.
Tại xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, hộ gia đình bà Phùng Mùi Diết, 62 tuổi có tổng số 8 người. Trong vụ sạt lở, đất đá không chỉ vùi lấp ngôi nhà của gia đình mà còn cướp đi sinh mạng con trai, con dâu và một cháu nhỏ. Nằm trên giường bệnh điều trị chấn thương chậu hông, gãy xương chậu, bà Diết vẫn đau đáu mong có một ngôi nhà để đưa di ảnh, bàn thờ các con và cháu về thờ cúng để linh hồn người đã khuất được an ủi.
Đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ
Ngay trong sáng 15/9, trao đổi với chúng tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Phạm Xuân Tùng cho biết: Vụ sạt lở đất vừa qua, ở Nguyên Bình có gia đình mất đi tới 4 người, có 2 vợ chồng cùng bị nạn để lại 3 đứa con thơ bé... Huyện đã thống kê có trên 50 hộ gia đình nhà bị phá huỷ hoàn toàn hoặc phải di dời toàn bộ ra chỗ khác vì sạt lở đất... Với 100% dân số là đồng bào DTTS, rất nghèo khó, chủ yếu chăn nuôi, canh tác theo phương thức tự cung tự cấp, việc tự làm được căn nhà là vô cùng khó khăn, sau khi mưa lũ đã cướp đi hết của đồng bào...
Hiện nay, đã có hai nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí 2 tỷ 240 triệu đồng hỗ trợ 32 hộ dân trên địa bàn huyện bị mất nhà cửa (mỗi hộ được nhận hỗ trợ 70 triệu đồng để tái thiết nhà ở). Người dân sẽ nhận tiền trực tiếp (ký hoặc điểm chỉ), sau đó, UBND xã đứng ra làm giấy biên nhận giữ hộ tiền cho các hộ dân đến khi hoàn thành nhà ở. Cùng với đó, chính quyền lo mặt bằng, lo xây dựng, lo huy động cộng đồng, nhân công để giúp dân làm nhà ở.
“Với cách làm như thế này thì tiền thực sự đến tay người dân. Nhà thực sự sẽ được làm để người dân được ở, tránh được tình trạng người dân không quản lý được tiền, có thể làm mất hoặc chi tiêu không hợp lý, vì họ đang rất rối ren. Qua khảo sát cho thấy, cách làm này phù hợp với điều kiện của địa phương và được Nhân dân đồng thuận” - ông Tùng khẳng định.
Kiểm tra công tác tìm kiếm, cứu nạn tại hai huyện Nguyên Bình, chiều 14/9, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã đến khảo sát thực tế điểm tái định cư sau sạt sở ngay tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành - nơi dự kiến làm nhà cho 6 hộ dân bị sạt lở, vùi lấp hoàn toàn và 4 hộ bị ảnh hưởng. Vị trí xây dựng khu tái định cư mới cách điểm xảy ra sạt lở khoảng 300 - 500m.
Tại đây, ông Hoàng Xuân Ánh yêu cầu chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch. Công tác tái thiết xóm Lũng Lỳ cần lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng lại, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn tuyệt đối với hạ tầng, địa hình phù hợp, môi trường, nguồn nước vệ sinh. Đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Theo đó, tỉnh Cao Bằng sẽ hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại hoàn toàn, mỗi nhà 70 triệu đồng; lực lượng bộ đội sẵn sàng hỗ trợ người dân vận chuyển vật liệu, xây dựng nhà cửa; đảm bảo vị trí xây dựng nhà mới an toàn, hợp lý; nhà mới đạt tiêu chí “3 cứng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh khẳng định: “Đảng, Nhà nước, tỉnh Cao Bằng, huyện Nguyên Bình sẽ luôn quan tâm, đồng hành cùng người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo thống kê đến hết ngày 14/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 và mưa to kéo dài gây sạt lở, lũ quét trên địa bàn huyện Nguyên Bình đã làm 52 người chết, 15 người bị thương tại các xóm: Lũng Lỳ, Khuổi Ngọa, xã Ca Thành; Lũng Súng, xã Yên Lạc. Hiện còn khoảng 5 người mất tích tại điểm sạt lở Khuổi Ngọa, xã Ca Thành đang được các lực lượng chức năng tích cực tìm kiếm. Cùng với đó, 27 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 79 ngôi nhà bị thiệt hại một phần; 305 hộ có nguy cơ sạt lở cao phải sơ tán khẩn cấp.