Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cao Bằng: Nhiều giải pháp phát triển kinh tế sau dịch Covid-19

Minh Thu - 21:45, 11/07/2020

Ngay sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách theo Nghị quyết số 42 tại huyện Bảo Lạc. (Ảnh minh họa).
Chi trả tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách theo Nghị quyết số 42 tại huyện Bảo Lạc. (Ảnh minh họa).

Chú trọng sản xuất nông nghiệp

Trong quý I/2020, tỉnh Cao Bằng cũng như những địa phương khác của cả nước đã chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19; giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ... đều bị giảm sút. Tổng sản phẩm theo giá so sánh (GRDP) quý I/2020 của tỉnh chỉ đạt 4,19%; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh, chỉ bằng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu du lịch đạt 21,22 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm 2019.

Để khôi phục kinh tế, giải pháp trước mắt, quan trọng đầu tiên mà tỉnh triển khai là, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm tại chỗ. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả vốn sự nghiệp của các Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao diện tích, giá trị sản xuất.

Ông Đào Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng cho biết: Ngoài việc giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, chúng tôi đã xây dựng phương án tái đàn lợn. Nhờ đó, đã tăng thêm được 54.000 con lợn thương phẩm (dự kiến tính đến hết năm 2020 đạt tổng đàn 320.000 con, trong đó 31.200 lợn nái giống). Ngoài đàn lợn, chúng tôi cũng duy trì tăng trưởng đàn gia cầm được 2,8 triệu con, tiếp tục thúc đẩy triển khai dự án trang trại công nghệ cao và các dự án nông nghiệp khác.

Không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 thông qua hệ thống các ngân hàng bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Điển hình như, các ngân hàng thương mại đã thực hiện miễn giảm lãi, cơ cấu lại hạn trả nợ cho khách hàng, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD); triển khai các gói tín dụng với lãi suất phù hợp để hỗ trợ khách hàng.

Bảo đảm an sinh xã hội

Thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, toàn tỉnh Cao Bằng có 18.629 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) và người có công được hưởng chính sách hỗ trợ. Đến nay, các huyện, thành phố đã hoàn thành 100% việc chi trả cho 3.609 người có công, thân nhân người có công với kinh phí hỗ trợ 5,403 tỷ đồng. Hoàn thành rà soát, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 15.020 đối tượng BTXH với số tiền 22,522 tỷ đồng.

Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng đã triển khai rất hiệu quả việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch Covid-19. Người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã được hỗ trợ kịp thời, bằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ tín dụng cũng như thực hiện một loạt các biện pháp tài khóa khác.

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Xuân Ánh cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nắm tình hình và kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động SXKD, tìm kiếm mở rộng thị trường; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tư nhân; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và người dân…”.