Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Quyết định 2086 ở Cao Bằng: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào Lô Lô

Minh Thu - 10:05, 01/07/2020

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” (Quyết định 2086), Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ, đầu tư theo Quyết định 2086, sau khi nguồn vốn của Đề án này được cấp vào cuối năm 2019. Ngay trong năm 2020, các định mức đầu tư đã được xây dựng và chuẩn bị triển khai thực hiện.

Ông Bế Văn Hùng (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Lô Lô trong chuyến khảo sát tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc mới đây.
Ông Bế Văn Hùng (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Lô Lô trong chuyến khảo sát tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc mới đây.

Những tháng đầu năm 2020, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã tổ chức hai đợt rà soát tại các xóm có đồng bào dân tộc Lô Lô sinh sống thuộc địa bàn hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Trong đợt rà soát, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức họp dân, triển khai các nội dung thuộc Quyết định 2086, như: Đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào…

Chị Chi Thị Tuyết, ngụ xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc - một trong 50 hộ dân được học nghề dệt thổ cẩm truyền thống bộc bạch: “Năm 2019, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề dệt hoa văn trên khăn, áo. Tuy nhiên, chúng tôi chưa có điều kiện để phát triển nghề dệt này bởi chưa có nguồn sợi bông để làm ra thành phẩm. Chúng tôi mong được hỗ trợ sợi bông để dệt vải. Như vậy, chúng tôi vừa có thể sử dụng sản phẩm truyền thống do chính mình làm ra, vừa có thể bán được sản phẩm”.

Ở xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, qua khảo sát, gia đình anh Hoàng Văn Hải được đưa vào diện hỗ trợ cây sa mộc và cây hồi giống để trồng và chăm sóc theo Quyết định 2086. Anh Hải cho biết: “Sa mộc, hồi là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu nhập ổn định. Được Nhà nước đầu tư, gia đình tôi có cơ hội để mở rộng sản xuất, xóa đói giảm nghèo”. Theo anh Hải, một số hộ dân trong xóm đã phát triển trồng sa mộc, trồng hồi, quế, tuy nhiên đầu ra vẫn còn tự phát nên thu nhập chưa ổn định. Anh Hải mong muốn Nhà nước có phương án hỗ trợ đầu ra, bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm canh tác.

Chị Tuyết, anh Hải là 2 trong số 536 hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng được khảo sát nhu cầu, đưa vào danh mục hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh trong năm 2020. Từ nguồn vốn Trung ương cấp năm 2019 (23 tỷ đồng), tỉnh Cao Bằng sẽ đầu tư phát triển sản xuất tại 11 xóm, trọng điểm là 3 xóm: Khau Cà, xã Hồng Trị; xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc) và xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm). Mỗi xóm được hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu, vì đây là những loại cây trồng hợp khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Cùng với đó, tỉnh sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ trâu, bò, đầu tư làm đường giao thông nông thôn, đường nước sinh hoạt và nhà sinh hoạt cộng đồng tại 11 xóm. Ban Dân tộc tỉnh cũng có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hỗ trợ đồng bào được vay vốn với lãi suất thấp, đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, xây dựng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc thành xóm điểm tiêu biểu bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô với nghề dệt thổ cẩm, du lịch cộng đồng…

“Với nguồn vốn được cấp, việc thực hiện Quyết định 2086  sẽ sớm được triển khai, góp phần giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thay đổi dần tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, việc thực hiện Quyết định 2086 sẽ góp phần thay đổi đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc Lô Lô trên địa bàn”, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Những “cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Bình Định: Những “cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

Những Người có uy tín có tiếng nói rất quan trọng trong đời sống của đồng bào DTTS, họ được xem là những “cây cao bóng cả” của thôn làng. Vì thế, trong những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phối hợp với những Người có uy tín thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được những hệ lụy của tảo hôn, từ đó thay đổi nếp nghĩ và nói không với tảo hôn.