Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Cao Bằng: Quan tâm bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống người Lô Lô

Hà Anh - 05:20, 20/11/2023

Tại Cao Bằng, người Lô Lô sinh sống tập trung ở 2 huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm với dân số khoảng hơn 2.800 người, chiếm hơn 50% tổng số người Lô Lô trên cả nước. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, người Lô Lô nơi đây vẫn giữ gìn, bảo tồn rất tốt nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm
Ngày hội văn hoá dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm

Tại huyện Bảo Lâm, người Lô Lô sinh sống với hơn 1.300 người, sống tập trung thành từng làng, bản nhỏ từ 10 đến 30 hộ, chủ yếu ở các xóm Cà Mèng, Cà Đổng, Cà Pẻn A, Cà Pẻn B (xã Đức Hạnh). Tuy chỉ chiếm 2,01% dân số của toàn huyện, nhưng dân tộc Lô Lô của huyện Bảo Lâm có bề dày lịch sử về tín ngưỡng, văn hóa dân gian độc đáo. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người Lô Lô vẫn gìn giữ, lưu truyền những phong tục, tập quán cũng như những lễ hội truyền thống của cha ông như lễ cầu mưa, các tiết mục múa trống, các điệu múa dân gian. Dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm còn gìn giữ và lưu truyền trang phục dân tộc với đường nét hoa văn được thêu tỉ mỉ, sắc sảo, có giá trị văn hóa cao.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719); huyện Bảo Lâm đã tập trung đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng hạ tầng giao thông, tạo sinh kế... với số tiền hơn 3,1 tỷ đồng. Qua đó, từng bước giúp đồng bào Lô Lô tháo gỡ khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước. 

Theo đó, trong năm 2022, huyện Bảo Lâm đã tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô lần thứ nhất tại xóm Cà Đổng, trên nền tảng tái hiện lại những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Lô Lô; thu hút hơn 1.100 người Lô Lô tham dự và gần 1.000 người là du khách, khách mời đến tham dự ngày Hội.

Trong ngày Hội, nhiều hoạt động đã được tổ chức như: Lễ cầu mưa; thi hát dân ca giao duyên; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Lô Lô; giao lưu ẩm thực; thi thêu thổ cẩm, quay sợi bông, giã gạo, đội gùi hứng ngô và nhiều hoạt động khác. Đặc biệt, ngày Hội còn có sự tham gia giao lưu của các nghệ nhân dân tộc Lô Lô đến từ huyện Bảo Lạc. Ngày Hội đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài huyện đến tham gia, cổ vũ.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô huyện Bảo Lâm là hoạt động ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đến đời sống văn hóa, tinh thần của bà con dân tộc Lô Lô trên địa bàn huyện. Đây cũng là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán của đồng bào Lô Lô đến du khách trong và ngoài huyện.

Phụ nữ dân tộc Lô Lô lựa chọn trang phục truyền thống
Phụ nữ dân tộc Lô Lô lựa chọn trang phục truyền thống

Đồng thời, năm 2023, thực hiện Dự án 9, Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn”, Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Bảo Lâm đã tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống dân tộc Lô Lô. Các nghề được đưa vào dạy như đan lát, thêu thùa, dệt vải tại xã Đức Hạnh với sự tham gia của 288 học viên. Tại đây, các học viên được các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy nghề dệt vải, quay sợi, kỹ thuật cắt, khâu, thêu, ghép vải trên trang phục truyền thống và truyền dạy đan lát.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa và Truyền thông huyện Bảo Lâm cho biết: “Việc tổ chức lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống nhằm góp phần bảo tồn, trao truyền những tri thức dân gian và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và gắn với phát triển du lịch; nâng cao hiểu biết về vai trò của nghề thủ công truyền thống trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy các thế mạnh của địa phương. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030 thuộc Dự án 9, Tiểu dự án 1: Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” đang được Bảo Lâm thực hiện.

Trong khi đó, tại huyện Bảo Lạc, người Lô Lô sinh sống tập trung từng bản làng ở các vùng đặc biệt khó khăn thuộc các xã Hồng Trị, Kim Cúc và xã Cô Ba. Để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô, Huyện Bảo Lạc đã thực hiện các kế hoạch chuyên đề cũng như lồng ghép các nội dung, phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Lô Lô. 

Đơn cử như tại xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc là nơi có 100% là dân tộc Lô Lô đen sinh sống. Người Lô Lô nơi đây vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời, như: ngôn ngữ, làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội, không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ công...

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô, huyện Bảo Lạc đã xây dựng Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng.

Các hạng mục đã triển khai gồm xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Khuổi Khon; bảo tồn nhà truyền thống đồng bào Lô Lô. Đồng thời, tiến hành sưu tầm và bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào, kết hợp tổ chức hướng dẫn, truyền dạy cho dân bản. Trên cơ sở đó, đã thành lập đội văn nghệ quần chúng, xây dựng chương trình nghệ thuật.... phục vụ du khách.

Lớp truyền dạy nghề truyền thống Lô Lô tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm
Lớp truyền dạy nghề truyền thống của dân tộc Lô Lô tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm

Cùng với phát triển du lịch cộng đồng ở Khuổi Khon, Bảo Lạc còn kết hợp phát triển du lịch theo mô hình sinh thái, phát huy bản sắc dân tộc địa phương.Theo đó, huyện đã hỗ trợ xóm Khuổi Khom xây dựng nhà dịch vụ Homestay để phục vụ khách đến tham quan, du lịch; thành lập các câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm và đưa những sản phẩm của mình thành những mặt hàng lưu niệm để bán cho du khách.

Đồng thời, huyện đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương, trong đó có các lễ hội của người Lô Lô như: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu (Háng toán), Lễ mừng cơm mới,…Ngoài ra, nhằm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của người Lô Lô, huyện Bảo Lạc đã tổ chức dạy tiếng dân tộc Lô Lô đen theo hình thức truyền khẩu cho gần 400 thanh, thiếu niên dân tộc Lô Lô 2 xã: Hồng Trị và Cô Ba do các bậc cao niên truyền dạy.

Nói về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô trên địa bàn, Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, những năm qua, việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô luôn được tỉnh chú trọng quan tâm. Trong đó, thông qua các hoạt động như tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng cơm mới; tổ chức hội thi hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, "Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người Lô Lô đen tỉnh Cao Bằng"... việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô đã phát huy hiệu quả thiết thực.

"Cùng với đó với nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2030, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng Lô Lô chắc chắn sẽ được bảo tồn hiệu quả và ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần cho đồng bào", ông Hùng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.