Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Cao Bằng: Sẽ ngăn chặn thành công nạn tảo hôn vào năm 2025

Đào Thúy - Như Anh - 17:54, 28/11/2023

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã tồn tại lâu đời ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Cao Bằng. Điều này để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, để đẩy lùi TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS&MN rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, để đẩy lùi TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS&MN rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành.

Nâng cao nhận thức người dân

Xã Thanh Long là một trong những xã vùng III của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với 680 hộ dân, 6.595 nhân khẩu, xã có 10/12 xóm đặc biệt khó khăn với 100% các hộ đều là đồng bào DTTS (chủ yếu là Tày, Nùng, Mông, Dao). Trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS ở xã diễn biến khá phức tạp, nhiều trẻ em gái kết hôn và sinh con khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Bà Hoàng Thị Yến, Phó chủ tịch xã Thanh Long chia sẻ, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, địa phương được Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng lựa chọn xây dựng mô hình điểm về tuyên truyền TH&HNCHT.

Để thực hiện mô hình có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã Thanh Long đã phối hợp với Ban dân tộc tỉnh thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống TH&HNCHT tại xã gồm 10 thành viên, do 1 lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh làm Trưởng ban, 1 Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Long và 1 Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng làm Phó trưởng ban. Thành lập 2 tổ tuyên truyền viên cấp xã, phụ trách chỉ đạo trực tiếp các tổ tuyên truyền viên cấp xóm, thành lập 13 tổ tuyên truyền cấp xóm tại 12 xóm và Trường THCS Thanh Long. Đây là lực lượng nòng cốt triển khai các nội dung của Đề án tại cơ sở.

Đặc biệt, các tổ tư vấn gồm những người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS, gần gũi, dễ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về TH&HNCHT, thường xuyên rút kinh nghiệm, điều chỉnh công tác tư vấn cho phù hợp với nhận thức của người dân.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, đơn vị chủ trì triển khai tiểu dự án 2 thuộc CTMTQG 1719 tại địa phương
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, đơn vị chủ trì triển khai tiểu dự án 2 thuộc CTMTQG 1719 tại địa phương

Anh Triệu Chiều Pin (SN 1980, trú tại xóm Đoàn Kết, xã Thanh Long) chia sẻ: “Tôi kết hôn năm 1998 đến nay đã có 2 con. Con cả của tôi kết hôn năm 2016, vừa tròn 18 tuổi. Trước đó, con trai tôi có ý định kết hôn từ năm 2015, gia đình cũng đã xem ngày và chuẩn bị tổ chức đám cưới. Sau khi được tổ tuyên truyền cơ sở đến nhà động viên, hỏi thăm, trao đổi, gia đình tôi mới biết kết hôn trước 18 tuổi là vi phạm pháp luật. Được sự động viên của chính quyền xã, con tôi và gia đình đã quyết định lùi lại ngày cưới 1 năm để chờ đủ tuổi kết hôn. Cũng nhờ tổ tuyên truyền cơ sở, hiện nay, con gái tôi vẫn đang theo học lớp 12 tại Trường PTDT nội trú huyện Hà Quảng, gia đình không có ý định ép con bỏ học, kết hôn”.

Sân khấu hoá là hình thức tuyên truyền có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TH&HNCHT.
Sân khấu hoá là hình thức tuyên truyền có hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TH&HNCHT.

Theo ông Triệu Dào Trình, Trưởng xóm Đoàn Kết, xã Thanh Long, thành viên tổ tuyên truyền cơ sở thông tin: Hằng năm, chính quyền xã thường xuyên lồng ghép các buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con thông qua những buổi họp xóm. Nắm bắt tình hình từng hộ tại xóm, nhà nào có con cái kết hôn chưa đủ tuổi là cán bộ xã lại đến vận động, phân tích cho bà con hiểu và nắm rõ pháp luật, nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã đồng ý lùi ngày, nhiều cặp vợ chồng chờ đủ tuổi mới đến xã đăng ký kết hôn. Từ năm 2019 đến nay, xóm Đoàn Kết không còn xuất hiện tình trạng TH&HNCHT.

Vì một thế hệ tương lai khoẻ mạnh

Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trở thành tiểu dự án quan trọng nằm trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025. Sau 2 năm triển khai thực hiện tiểu dự án, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đã ban hành 3 kế hoạch, hơn 40 văn bản liên quan khác về các nội dung.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng, chống TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS&MN được chú trọng. Hoạt động truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, xã, thôn, xóm có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được tăng cường, thực hiện dưới nhiều hình thức, phong phú về nội dung.

Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Cao Bằng đã và đang đề ra nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2025 ngăn chặn thành công tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 10.681 cặp kết hôn, trong đó, 666 cặp tảo hôn, chiếm 6%, giảm 731 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020; 310 cặp tảo hôn 1 người, 356 cặp tảo hôn cả 2 người. Độ tuổi tảo hôn trung bình ở nữ trên 16 tuổi, ở nam trên 17 tuổi. Tuy nhiên vẫn còn 56 trẻ em tảo hôn, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Nùng. Ngoài ra, tình trạng hôn nhân cận huyết thống toàn tỉnh có 6 cặp, giảm 20 cặp so với giai đoạn 2015 - 2020.

Tiếp tục duy trì 7 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong giai đoạn 2015 - 2020; xây dựng 4 mô hình tại các huyện, xã có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện: Hạ Lang, Bảo Lạc, Thạch An. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Tiểu dự án 2 là 10 tỷ 557 triệu đông, trong đó, cấp tỉnh 5 tỷ 271 triệu đồng, cấp huyện 5 tỷ 286 triệu đồng. Đến ngày 20/6/2023 thực hiện giải ngân 1 tỷ 091 triệu đồng.

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em. Thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức đồng bào DTTS; đặc biệt là thực hiện Tiểu dự án 2 nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn TH&HNCHT.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.