Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Cao Bằng: Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thùy Như - 08:38, 20/12/2022

Triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, gọi tắt là (Chương trình MTQG DTTS&MN), trong năm qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm sớm đưa Chương trình mục tiêu quốc gia đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, là năm đầu tiên triển khai Chương trình, công tác tổ chức thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trao đổi về vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 tỉnh Cao Bằng.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Cao Bằng
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, Trưởng Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Cao Bằng

PV: Thưa ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh Cao Bằng, sau 01 năm triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng đã cụ thể hoá các nhiệm vụ thuộc Chương trình như thế nào? Ông có thể cho biết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình này?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg, tỉnh Cao Bằng đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về triển khai Chương trình. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 09/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 về việc phân bổ vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2626/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh Cao Bằng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ quản lý ngành, địa phương chủ động ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai thực hiện, nhằm đạt được mục tiêu Chương trình đã đề ra. Đồng thời, ban hành các Kế hoạch và chỉ đạo các các cấp, các ngành ban hành kế hoạch thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; thực hiện phân bổ, sử dụng nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình của tỉnh Cao Bằng là 820.329 triệu đồng (trong đó: Tổng vốn Ngân sách Trung ương (NSTW) là 816.285 triệu đồng; Ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh) đối ứng hỗ trợ nhà ở là 2.200 triệu đồng; Vốn tín dụng: 4.044 triệu đồng). Kết quả giải ngân đến ngày 30/11/2022 đạt 10.035,723 triệu đồng.

Nhìn chung, sau 01 năm triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg, UBND tỉnh Cao Bằng đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng trong triển khai thực các nội dung Chương trình trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia được giao chậm, trong khi các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương không đồng bộ và chưa đầy đủ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, các địa phương, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong triển khai các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình và giải ngân số vốn được giao năm 2022.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Cao Bằng

PV: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG DTTS&MN, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, tỉnh Cao Bằng đề ra những mục tiêu và giải pháp gì, thưa ông?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện. Trong đó, chỉ đạo tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung trọng tâm các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, cụ thể:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống Nhân dân trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc.

Ưu tiên phát triển, đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vùng nông thôn, đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả chính sách giải quyết việc làm; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS.

Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tăng cường đào tạo, quy hoạch, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ người DTTS; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ người DTTS trên địa bàn.

Tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận An ninh Nhân dân vững chắc ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra kết quả thực hiện các chương trình MTQG; coi trọng vai trò của cấp cơ sở và bảo đảm sự tham gia của người dân trong việc giám sát, đánh giá khi triển khai thực hiện các chương trình. Phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện các chương trình…

Với Chương trình MTQG DTTS&MN, đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo
Với Chương trình MTQG DTTS&MN, đồng bào DTTS tỉnh Cao Bằng có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo

PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG để Chương trình MTQG DTTS&MN sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng DTTS tỉnh Cao Bằng?

Ông Hoàng Xuân Ánh: Với nhu cầu và kế hoạch thực hiện các Chương trình MTQG của địa phương giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn năm 2030, tỉnh Cao Bằng mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản, Thông tư hướng dẫn các dự án, tiểu dự án, nội dung (chưa có hướng dẫn) thuộc Chương trình để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện kịp thời; có chính sách cho phép các địa phương chuyển nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023 (gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp) để chủ động hơn trong thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng mong muốn các Bộ, ngành Trung ương (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) sớm có cơ chế ưu tiên và bổ sung nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I; từ năm 2021 đến năm 2025 cho tỉnh Cao Bằng để triển khai thí điểm thực hiện xóa nhà ở tạm, dột nát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, nhất là tại các huyện nghèo (theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025) theo kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tháng 11/2021.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các linh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.