Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cấp đất ở, đất sản xuất - Động lực mới để đồng bào DTTS ở Quảng Trị thay đổi cuộc sống

Phạm Tiến - 17:48, 02/10/2023

Dự án 1 về "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã mở ra hướng giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị.

(Bài kế hoạch- CĐ Quảng Trị):Cấp đất ở đất sản xuất, động lực mới để đồng bào DTTS phát triển toàn diện 1
Cấp đất ở, đất sản xuất là động lực quan trọng trong việc phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ưu tiên triển khai cấp đất ở, đất sản xuất cho đồng bào

Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó DTTS gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh.

Thiếu đất ở, đất sản xuất, từ lâu đã trở thành vấn đề cấp bách đối với đồng bào DTTS và người dân vùng miền núi. Xác định tầm quan trọng của đất ở và đất sản xuất, Chương trình MTQG 1719 đã đưa vấn đề này lên đầu tiên (Dự án 1). Trong quá trình thực hiện, Quảng Trị cũng ưu tiên triển khai sớm, triển khai nhanh nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng thụ hưởng thuộc 2 huyện miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông.

Tại huyện biên giới Hướng Hóa, thực hiện Nghị Định 28/2022/NĐ-CP về "Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719" và các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị Định 28/2022/NĐ-CP của tỉnh Quảng Trị, ngày 26/9/2022 UBND huyện Hướng Hóa đã ban hành Quyết định số 3394/QĐ-UBND Phê duyệt danh sách các hộ gia đình thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán và tín dụng ưu đãi. Theo đó, trong năm 2022, toàn huyện có 78 hộ được hỗ trợ đất ở, 156 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Năm 2023, do được phân bổ nguồn vốn sớm hơn nên ngày 10/5/2023, UBND huyện Hướng Hóa đã có Quyết định số 1453/QĐ-UBND phê duyệt 66 hộ được hỗ trợ đất ở, 97 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Như vậy, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có 153 hộ được hỗ trợ đất ở; 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Cùng với huyện Hướng Hóa, ĐaKrôngcũng là huyện có đông đồng bào DTTS sinh sống. Vì thế, Chương trình MTQG 1719 nói chung và Dự án 1 nói riêng có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Riêng nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được chính quyền địa phương ưu tiên triển khai sớm.

Bám sát các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, ngày 21/4/2023, UBND huyện đã có Quyết Định số 532/QĐ-UBND, phê duyệt 67 hộ được hỗ trợ đất ở đợt 1/2023. Trong đó, xã A Ngo 10 hộ, xã A Vao 18 hộ, xã Húc Nghì 07 hộ, xã Tà Long 06 hộ, xã Ba Nang 10 hộ, xã Đakrông 10 hộ, xã Mò Ó 06 hộ. 

Tiếp sau đó, là các Quyết định số 534 ngày 24/4/2023; Quyết định số 833 ngày 15/5/2023; Quyết định 1433 ngày 12/07/2023; Quyết định 1432 ngày 12/07/2023 phê duyệt thêm 166 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở (đợt 2,3, 4 năm 2023)

Như vậy, tính riêng năm 2023, toàn huyện Đakrông đã có 233 hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ đất ở. Riêng đối với đất sản xuất, hiện các ban, ngành đang hoàn thiện khâu cuối cùng, để trình UBND huyện Đakrông ký quyết định phê duyệt số hộ được thụ hưởng.

(Bài kế hoạch- CĐ Quảng Trị):Cấp đất ở đất sản xuất, động lực mới để đồng bào DTTS phát triển toàn diện 2
Từ nguồn vốn đầu tư của Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719, Đồng bào DTTS ở thôn Amor, xã A Xing, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có nước sạch để sinh hoạt

Động lực mới từ đất ở, đất sản xuất

Đánh giá bước đầu thực hiện Dự án 1 về "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt" (Chương trình MTQG 1719), chỉ tính riêng nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã có hàng trăm hộ hưởng lợi. Ý nghĩa hơn, từ khi có đất ở, hàng nghìn nhân khẩu DTTS được an cư lạc nghiệp. Có đất sản xuất hàng trăm hộ đình đình DTTS chủ động được lương thực. 

Minh chứng như hộ gia đình anh Hồ Văn Dân ở thôn Trằm Cheng, xã Hướng Lộc (Hướng Hóa), trước đây, do thiếu đất sản xuất để canh tác nên gia đình anh luôn rơi vào cảnh "thiếu trước hụt sau" về lương thực. Khi biết gia đình được hỗ trợ 1 ha đất sản xuất, anh Dân không giấu nổi niềm vui: “Không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều bà con ở đây đều rất phấn khởi khi được hỗ trợ đất sản xuất;  khi được giao đất, gia đình tôi sẽ cố gắng chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi để cuộc sống tốt hơn”.

Hay như hộ gia đình anh Hồ Văn Ka Rê (1981), thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn (Hướng Hóa), cũng trong tình cảnh thiếu đất sản xuất nhiều năm nên cuộc sống rất khó khăn. Khi biết mình được hỗ trợ 22,5 triệu đồng để cải tạo 1ha đất hoang hóa thành đất sản xuất, anh vui lắm. Rồi anh dự định: “Tôi sẽ trồng cây lương thực như ngô, sắn và trồng thêm cỏ sữa để nuôi bò. Tôi tin khi có đất sản xuất chúng tôi sẽ thoát nghèo".

Cùng với tập trung giải quyết tình trạng đất sản xuất, thì đất ở cũng là vấn đề mà các địa phương miền núi đặc biệt quan tâm. Tại huyện Đakrông, trong 2 năm 2022 và 2023, tổng ngân sách hỗ trợ đất ở được cấp là 7,6 tỉ đồng. Đây là nguồn lực rất lớn đối với địa phương trong việc hỗ trợ để đồng bào được an cư.

Theo danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ đất ở, chúng tôi tìm đến  anh Hồ Cu Đen ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Trò chuyện thì được biết gia đình anh Đen thuộc diện hộ nghèo. Do không có đất để làm nhà nên cả gia đình 3 người (Vợ chồng anh Đen và 1 đứa con-PV) đang phải sống nhờ ở gia đình bố mẹ. Việc sống chung cũng có nhiều bất tiện, nay biết tin mình được hỗ trợ đất ở, anh Đen vô cùng phấn khởi.

Được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã được an cư trong nhà "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng)
Được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Quảng Trị đã được an cư trong nhà "3 cứng" (nền cứng, khung cứng, mái cứng)

Được biết, hiện thủ tục hỗ trợ đất ở cho gia đình anh Hồ Văn Đen cũng như các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng của huyện, đã được triển khai đến bước đo vẽ sơ đồ thửa đất. Khi xong các thủ tục, chính quyền địa phương sẽ giải ngân hỗ trợ. Bên cạnh đó, các thửa đất thụ hưởng chính sách tại Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 cũng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo pháp luật.

Theo bà Hồ Thị Lệ Hà, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện nay, hầu hết các địa phương ở Quảng Trị đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn đối với Dự án 1 được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Qua đó, hàng trăm hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất  sẽ sớm được cấp đất. 

"Cùng với Dự án 1, nhiều dự án khác trong Chương trình MTQG 1719 đang được triển khai đồng bộ sẽ là động lực để vùng đồng bào DTTS, miền núi Quảng Trị phát triển toàn diện", bà Hồ Thị Lệ Hà chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Bừng sáng những buôn làng bên cung đường Trường Sơn Đông

Bừng sáng những buôn làng bên cung đường Trường Sơn Đông

Gần 9 năm qua, đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn huyện Krông Pa (Gia Lai) được đưa vào sử dụng đã khẳng định tầm quan trọng là "đòn bẩy" để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp các buôn làng đồng bào DTTS dọc theo tuyến đường này thêm sức sống mới.