Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Hoàng Quý - 16:59, 16/09/2024

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến qũy đất (đất ở, đất sản xuất) ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục bị thu hẹp do sạt lở, bồi lấp. Dữ liệu về quỹ đất đã bố trí cho người dân được thu thập cách đây hơn một tháng nay không còn chính xác, cần thiết được cập nhật để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)
Ngôi nhà diện tích chưa đầy 30m2 của gia đình anh Lý A Bằng, sinh năm 1990, dân tộc Mông, ở Khe Khô Ngoai, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) đã bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất ngày 08/9/2024.

Từ “có” thành “không”

Trong cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (gọi tắt là cuộc Điều tra) năm 2024 được tiến hành từ ngày 01/7 đến 15/8 vừa qua, các địa phương đã tổng hợp được thực trạng về đất ở, đất sản xuất của các hộ DTTS trên địa bàn.

Đây là dữ liệu quan trọng để đánh giá, tổng kết chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong những năm qua, nhất là kết quả thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

Nhưng hiện số liệu thu thập từ cuộc Điều tra được cơ bản đã không còn chính xác. Sau đợt mưa lũ vừa qua, rất nhiều hộ DTTS ở các địa phương miền núi phía Bắc có đất ở, đất sản xuất đã bị sạt lở vùi lấp, bồi lắng. Đến nay vẫn chưa có thống kê cụ thể, nhưng rất nhiều hộ từ “Có” (có đất ở, đất sản xuất) nay chuyển chuyển thành “Không”, từ “Thiếu” chuyển thành “Không”.

Sạt lở đất xảy ra sáng ngày 10/9/2024 ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) đã vùi lấp 37 căn nhà; Đất đã cũng đã vùi lấp vùng thung lũng rộng hơn 20ha. Ngày 15/9, tỉnh Lào Cai đã quyết định bố trí tái định cư cho thôn Làng Nủ tại khu vực đồi Sim, diện tích khoảng 10ha, cách nơi cũ gần 2km.

Gia đình anh Lý A Bằng, sinh năm 1990, dân tộc Mông, ở Khe Khô Ngoai, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) có 9 nhân khẩu. Bao năm nay, cả 9 nhân khẩu sinh sống trong căn nhà tạm, diện tích chưa đầy 30m2.

Theo ông Ma Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Linh Phú, dù biết điều kiện thiếu đất ở của gia đình anh Bằng, nhưng xã không còn quỹ đất ở nên chưa thể giải quyết được. Không chỉ hộ anh Bằng mà đây là tình trạng chung của 12 hộ ở Khe Khô Ngoai, thôn Pác Hóp.

Trong khi thực trạng thiếu đất ở của 12 hộ ở Khe Khô Ngoai (100% là đồng bào dân tộc Mông) chưa có phương án giải quyết thì ngày 08/9, mưa lũ sau bão số 3 đã làm sạt lở một phần quả đồi ở đây. Đất đá đã vùi lấp nhiều căn nhà, trong đó có nhà của anh Lý A Bằng.

Ngày 13/9, khi kiểm tra tình hình thiệt hại sạt lở tại thôn Pác Hóp, Bí thư Huyện ủy huyện Chiêm Hóa, ông Vũ Quang Thắng, đã yêu cầu xã Linh Phú phải lập tức di dời các hộ dân tại Khe Khô Ngoai đến nơi an toàn. Về lâu dài, cần tìm vị trí khác để định cư cho bà con, kiên quyết không xảy ra bất cứ thiệt hại nào về người trong bối cảnh mưa lũ tiếp tục được dự báo ngày càng bất thường.

Đây là việc phải làm, nhưng cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản đối với xã Linh Phú. Bởi việc tạo ra quỹ đất để bố trí định cư cho các hộ đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai cao là rất khó khăn.

Còn đối với gia đình anh Lý A Bằng và các hộ ở Khe Khô Ngoai bị sạt lở vùi lấp nhà ở vừa qua, từ chỗ thiếu đất ở nay đã chuyển thành những hộ không có đất ở. Thực trạng này hoàn toàn khác so với dữ liệu thu thập được cách đây hơn 1 tháng.

Thêm công sức khai hoang, phục hóa

Ngày 13/9, trực tiếp đến Khe Khô Ngoai thăm hỏi, động viên đồng bào, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr xúc động trước sự chủ động của đồng bào trong ứng phó với mưa lũ. Mặc dù thiên tai khốc liệt xảy ra song người dân vẫn bảo toàn được tính mạng, không ai bị thương.

“Mong bà con sinh sống ở vùng thường xuyên có nguy cơ thiên tai cao phát huy kinh nghiệm trong ứng phó với thiên tai, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái để ổn định cuộc sống”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị, cùng với việc lo chỗ ăn, chỗ ngủ, nhu yếu phẩm cần thiết thì cấp ủy, chính quyền địa phương nhanh chóng sắp xếp, bố trí lại dân cư, di chuyển các hộ dân sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 116 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao về sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc núi tạo hướng chắn gió, dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; các nhà ở, công trình do đào chân núi dọc theo đường giao thông.

Đồng thời, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị, cơ quan làm công tác dân tộc các cấp tỉnh Tuyên Quang tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành chức năng để tham mưu tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới; trong đó đặc biệt lưu ý thống kê cụ thể, chính xác thực trạng đời sống của đồng bào DTTS sau mưa lũ.

Yêu cầu cơ quan công tác dân tộc các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiến hành thống kê tình hình thiệt hại của đồng bào DTTS sau mưa lũ, là chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trong những ngày qua. 

Kết quả thống kê, là căn cứ để hỗ trợ đồng bào trước mắt; về lâu dài, đây là cơ sở để hoạch định chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.

Trong đó, việc thống kê số liệu về tình hình thiệt hại về mất đất ở, đất sản xuất do thiên tai đặc biệt quan trọng để triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Bởi thực tế, hiện nhiều địa phương đã và đang khẩn cấp di dời các hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao. 

Khi chỗ cũ không còn an toàn, thì cần kíp bố trí chỗ ở mới; đi kèm với đó là cần bố trí nguồn lực cần bố trí để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân.

Cùng với công tác bố trí đất ở cho các hộ có nhà ở đã bị vùi lấp, các hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ thiên tai cao thì việc khôi phục sản xuất sau mưa lũ, ổn định đời sống của người dân là việc phải làm.

Khó khăn lúc này là rất nhiều diện tích đất canh tác của người dân các tỉnh miền núi phía Bắc đã bị mưa lũ vùi lấp, bồi lắng. Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tại, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại.

Ở miền núi, với địa hình bị chia cắt mạnh, sau mưa lũ, hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân đều bị bùn vùi lấp. Nếu không kịp thời khắc phục, thì sẽ dễ bị hoang hóa, không thể tiếp tục sản xuất.

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2) 2
Nhiều địa phương đã và đang khẩn cấp di dời các hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao. Khi chỗ ở cũ không còn an toàn thì cần kíp bố trí chỗ ở mới; đi kèm với đó là cần bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân. (Trong ảnh: Một góc Khe Khô Ngoai, thôn Pác Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang sau sạt lở đất ngày 08/9/2024)

Hiện nay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ đối với các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thì Dự án 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) có nội dung hỗ trợ khai hoang đất sản xuất. Nghị quyết số 111/2024/QH15 đã quyết nghị nhiều cơ chế chính sách đặc thù; trong đó có thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện quản lý, thực hiện các Chương trình MTQG.

Trong bối cảnh đặc biệt, thì cũng phải có giải pháp đặc biệt. Các địa phương cần vận dụng cơ chế thí điểm từ Nghị quyết số 111/2024/QH15; căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để giải quyết các nhu cầu cấp bách của người dân bị thiệt hại do mưa lũ, trong đó có bố trí đất ở, đất sản xuất đã bị vùi lấp, bồi lắng.

Nhưng để triển khai được chính sách đúng quy định, đúng đối tượng yêu cầu đặt ra là, phải có số liệu thống kê chính xác. Vì vậy, các địa phương cần sớm đối chiếu dữ liệu đã thu thập được từ cuộc Điều tra cách đây hơn 1 tháng, cập nhật số liệu thiệt hại sau mưa lũ để lên phương án phù hợp. Việc cập nhật dữ liệu lúc này cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá, hoạch định chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Chương trình MTQG 1719 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ; giải quyết nhà ở cho hơn 18.300 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ. Ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ sau bão chắn chắn sẽ làm tăng số hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Do đó, việc cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai là cơ sở để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho giai đoạn 2026 – 2030.

Tin cùng chuyên mục