Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đường đến ước mơ

Cậu học trò người Mông ở huyện Kỳ Sơn trên hành trình vươn tới ước mơ trở thành quân nhân

An Yên - 13:00, 25/12/2023

Hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, thiên tai thường xuyên xảy ra tại quê nhà ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)... những khó khăn, thiếu thốn ấy càng khiến chàng thiếu niên người Mông Mùa Quốc Cường trở nên kiên cường hơn trong cuộc sống. Để rồi những thành tích mà em mang về, đã minh chứng chỉ cần sự quyết tâm, kiên trì thì thách thức nào cũng có thể vượt qua.

Mùa Quốc Cường cùng cô giáo Chủ nhiệm
Mùa Quốc Cường cùng cô giáo Chủ nhiệm

Quốc Cường có dáng người thấp, đậm, nước da đen giòn của nắng gió biên thùy vùng Kỳ Sơn xa xôi. Tuổi thơ của Cường là sau những mùa rẫy thì theo mẹ cha lên rừng kiếm măng, kiếm củi. Cũng bởi vì thế, bước chân của Cường đã sớm thích nghi với việc leo núi, lội suối… mà trở nên săn chắc, nhanh nhẹn hơn. Người dân bản Sơn Hà, xã Tà Cạ bảo: thằng Cường khỏe lắm, nhanh lắm đó. Tuổi hắn mà leo núi, thì chẳng ai bằng đâu.

Sinh ra ở huyện rẻo cao 30a, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống gia đình Cường không thuộc diện khấm khá. Nhưng bù lại, hai anh em Cường được cha mẹ cho ăn học đầy đủ. 

Điều rất đáng quý là, niềm yêu thích các bộ môn thể thao, đã là thứ như ngấm vào máu thịt cha con Quốc Cường. Chẳng thế mà, các cuộc thi, hội khỏe phù đổng tại trường, tại huyện, Cường đều được lựa chọn.

Những tháng ngày êm đềm của Mùa Quốc Cường không trọn vẹn, khi cha và mẹ chia tay và họ đều nhanh chóng có gia đình mới. Đó là thời điểm năm ngoái, khi Mùa Quốc Cường mới bước vào năm học lớp 11 tại Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An. 

Mùa Quốc Cường (Người mặc áo anh bìa phải sát cô giáo chủ nhiệm) là học sinh giàu nghị lực
Mùa Quốc Cường (hàng đứng, thứ 4 từ phải qua, sát cô giáo Chủ nhiệm) cùng các bạn trong lớp

Cô Bùi Thị Lệ Thu, giáo viên Chủ nhiệm lớp 12C hiện nay của Cường chia sẻ: Cuộc sống thiếu hơi ấm và sự bảo ban của cha mẹ, hai anh em Cường đã nương tựa vào nhau nơi căn nhà cũ và nhờ vào sự chỉ dạy, đùm bọc của ông bà nội. Cuộc sống trọ học xa nhà, hai anh em Cường cũng mỗi đứa một nơi. Cường theo học tại Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An, còn em trai theo học Trường THCS thị trấn Mường Xén.

Những khó khăn của cuộc sống miền rẻo cao, những thiếu thốn tình cảm từ cha mẹ, càng thôi thúc Mùa Quốc Cường nỗ lực học tập, rèn luyện. Năm học lớp 10, Cường mới đạt học sinh tiên tiến, nhưng đến lớp 11, Cường với quyết tâm cao độ đã nâng thành tích học tập của mình lên học sinh giỏi. Cô giáo Bùi Thị Lệ Thu cho biết thêm, trong cuộc sống, Cường rất nghị lực và giàu lòng nhân ái, luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong cuộc sống và sinh hoạt.

Quốc Cường và tấm huy chương vàng giải vô địch kéo co trẻ toàn quốc
Quốc Cường (thứ 2 từ trái qua) và tấm Huy chương Vàng giải vô địch kéo co trẻ toàn quốc

Đặc biệt, từ niềm đam mê thể thao dân tộc đã tạo cho Cường những niềm vui mới. Với bộ môn kéo co, cần sự dẻo dai của đôi chân và thể lực tốt, Cường đã là lựa chọn số 1 của trường tham dự các cuộc thi. Hiện tại, trong bộ sưu tập của Cường đã có 1 Huy chương Đồng giải vô địch kéo co toàn quốc quần chúng. Còn với giải vô địch kéo co trẻ toàn quốc năm 2023, Cường và đội tuyển "ẵm" 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng.

Học tập tốt, có ý chí phấn đấu, có khát vọng vươn lên, Cường đã được xét học cảm tình Đảng và sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hiện nay, Cường là Đội trưởng Đội Cờ đỏ, Đội Thanh niên tình nguyện Trường THPT DTNT số 2 Nghệ An.

Tại Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên người DTTS xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Mùa Quốc Cường là một trong những học sinh xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Quốc Cường trải lòng: Quê hương em rất nghèo, thường xuyên chịu cảnh thiên tai nên đời sống người dân rất khổ. Em chỉ có một ước mơ lớn nhất là sớm trở thành một quân nhân để quay về, đem sức trẻ, hiểu biết để cống hiến cho bản làng, quê hương. 

Tin cùng chuyên mục
Cô sinh viên người Sán Dìu với ước mơ quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới

Cô sinh viên người Sán Dìu với ước mơ quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới

Đạt 36,1 điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Lê Thị Thuỳ Châm, dân tộc Sán Dìu đã trở thành sinh viên năm thứ nhất Khoa ngôn ngữ Hàn Quốc – Trường Đại học Hà Nội. Châm chia sẻ việc đăng ký học chuyện ngành này, vì ước mơ sau khi ra trường sẽ có cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ra Thế giới