Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Cây đại thụ” của thôn Công Dồn

PV - 14:30, 21/01/2019

Thôn văn hóa Công Dồn xã Zuôih, Nam Giang (Quảng Nam) có 403 hộ với hơn 1.780 nhân khẩu, 100% là đồng bào Cơ-tu. Đồng bào Cơ-tu ở thôn Công Dồn xem Bh’ling Hạnh (70 tuổi) là vị già làng mẫu mực, Người có uy tín trong cộng đồng người Cơ-tu tại địa phương.

Công Dồn Già làng Bh’ling Hạnh (thổi khèn bơrét) cùng đội chiêng thôn Công Dồn tại Lễ hội văn hóa, thể thao các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XIX năm 2018.

Cuộc đời già làng Bh’ling Hạnh là một chuỗi quá trình cống hiến. Thời trai trẻ, ông cống hiến cho cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, khi về già, ông dồn tâm sức vào việc bảo tồn và gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, luôn hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn phát triển kinh tế.

Hằng ngày, ngoài công việc nương rẫy, già làng Bh’ling Hạnh ít khi ở nhà, lúc thì ông vào rừng sâu để tìm khúc gỗ đẹp về làm tượng, lúc đi bứt mây về đan gùi, tìm tre, nứa về chế tác nhạc cụ dân tộc. Buổi tối, ông lại tập hợp dân làng, họp bàn tìm cách khôi phục giữ gìn văn hóa của cha ông.

Tại thôn Công Dồn, một đội cồng chiêng nhí đã được thành lập. Già làng Bh’ling Hạnh là người trực tiếp hướng dẫn, tập luyện cho các cháu. Nhiều năm nay, đội cồng chiêng nhí thôn Công Dồn cùng già làng Bh’ling Hạnh đã đi trình diễn tại nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ trong huyện và tỉnh.

Hiện nay, già làng Bh’ling Hạnh đã bước sang tuổi 70 nhưng vẫn thường xuyên phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn đi đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất.

Anh Tơ Ngôl Thái, cán bộ Văn phòng UBND xã Zuôih, cũng là người con của thôn Công Dồn cho biết: Ông Bh’ling Hạnh là cây đại thụ của làng, được dân làng Công Dồn quý mến, suy tôn làm già làng vào năm 2015. Một lời nói của già làng Bh’ling Hạnh có sức lan tỏa lớn và được tất cả mọi người nghe theo. Sự đổi thay, khởi sắc của vùng đất này đều có sự đóng góp của già làng Bh’ling Hạnh.

Để huy động người dân Cơ-tu tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, già làng Bh’ling Hạnh có phương pháp riêng trong công tác vận động, tuyên truyền. Ngoài những buổi họp dân, ông tranh thủ “tỉ tê” trò chuyện với bà con thông qua những bữa cơm thân mật tại Gươl trong các lễ hội truyền thống của bản hoặc Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc. Ông vận động nhân dân trong thôn nhiệt tình ủng hộ, hiến đất làm đường, tự nguyện góp tiền làm các tuyến đường bê tông trong thôn và xây dựng nhà văn hóa. Vận động các hộ chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghe theo lời vận động của già làng Bh’ling Hạnh, đến nay, số hộ khá, giàu trong thôn Công Dồn ngày một tăng, số hộ nghèo giảm dần.

Nhờ vai trò của già làng Bh’ling Hạnh và cấp ủy thôn, trưởng thôn nên nhiều năm liền, làng Công Dồn không có người vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan bị đẩy lùi. Công Dồn là thôn đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM) của huyện Nam Giang. Nhiều năm liền, Công Dồn đạt danh hiệu làng văn hóa, có nhiều hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Anh Pơloong Diệu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Zuôih nhận xét: Ông Bh’ling Hạnh ở thôn Công Dồn là một trong số 716 già làng, Người có uy tín trong lĩnh vực an ninh trật tự ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam, đã góp phần tích cực trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn miền núi của tỉnh. Bản thân ông Bh’ling Hạnh luôn được Đảng bộ xã Zuôih đánh giá, biểu dương, công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.

NGUYỄN VĂN SƠN