Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cây lúa nước “bám rễ” ở miền núi Phú Yên

T.Nhân - 15:27, 12/05/2023

Trước đây, người dân các huyện miền núi Phú Yên chỉ quen với việc trồng lúa rẫy, hưởng nước trời, mỗi năm 1 vụ, năng suất thấp nên thường xuyên thiếu đói giáp hạt. Từ khi cán bộ khuyến nông đưa cây lúa nước lên miền núi và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con 2 vụ/năm, nhờ đó người dân đã chủ động được nguồn lương thực quanh năm...

Người dân miền núi Phú Yên dần nắm vũng kỹ thuật trồng lúa nước
Người dân miền núi Phú Yên dần nắm vũng kỹ thuật trồng lúa nước

Mười năm trồng cây lúa nước

Khoảng mười năm về trước, buôn Chơ, buôn Học cũng như nhiều buôn làng khác ven dòng sông Ba, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chỉ biết trồng sắn, bắp và lúa rẫy nên tình trạng thiếu đói thường xảy ra. Trước thực trạng đó, huyện Sơn Hòa đã thực hiện dự án san ủi cánh đồng lúa nước; Đồng thời chỉ đạo địa phương vận động các hộ dân có diện tích đất trồng lúa rẫy, tự nguyện dồn điền đổi thửa, tiến hành làm thủy lợi, chia lại đất trồng lúa nước hai vụ để giải quyết cái đói, xóa cái nghèo.

Ông Nay Hiếp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Pa nhớ lại: Người dân rất đồng thuận chủ trương nên khi đó, nhà nhà, người người đều được huy động ra đồng tích cực cày ải để gieo sạ lúa. Người dân cũng được Nhà nước hỗ trợ miễn phí về giống lúa, phân bón và thuốc trừ sâu theo định mức ruộng được giao nên không khí lao động khẩn trương và sôi nổi lắm. 

Xã cũng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và các ngành liên quan tích cực vận động bà con trồng cây lúa nước, cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn cho người dân từ khâu làm đất, ngâm ủ, xử lý giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản; tổ chức các lớp khuyến nông, mô hình trình diễn để bà con học tập và làm theo.

Bên cạnh đó, xã thường xuyên vận động bà con tu sửa kênh mương nội đồng; đưa các loại giống lúa mới, năng suất cao, ít sâu bệnh thay thế giống lúa truyền thống; hướng dẫn lịch thời vụ cụ thể; thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện sâu bệnh, có giải pháp phòng ngừa; hướng dẫn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thời điểm thu hoạch hợp lý. Từ đó, năng suất lúa ngày càng tăng lên và mang lại kết quả ngoài mong đợi. Hiện nay, xã Krông Pa có gần 100ha lúa nước, năng suất bình quân đạt hơn 70tạ/ha.

Qua 10 năm làm quen và bắt tay vào trồng lúa nước, người dân Krông Pa  đã thuần thục các khâu chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Nhờ vậy, người dân  đã chủ động được nguồn lương thực, không còn lo thiếu đói nữa. Niềm vui đã hiện diện trong mỗi nếp nhà sàn của đồng bào nơi đây.

Để đạt năng xuất cao, các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho người dân
Để đạt năng xuất cao, các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho người dân

Chấm dứt cảnh thiếu ăn giáp hạt

Chúng tôi về xã Krông Pa, ghé qua nhà ông Ma Lất ở buôn Chơ. Thấy có khách đến thăm, Ma Lất hồ hởi khoe: Mình vừa thu hoạch hơn trăm bao lúa đấy. Từ khi trồng cây lúa nước hai vụ, gia đình mình không còn thiếu đói, khó khăn như trước nữa. Tất cả là nhờ Nhà nước quan tâm, làm cho cánh đồng để bà con Nhân dân trồng lúa nước hai vụ giờ có cái ăn, cái mặc rồi.

Không chỉ ở Sơn Hòa mà các huyện miền núi khác như Sông Hinh, Đồng Xuân cũng triển khai mô hình trồng lúa nước cho bà con DTTS đạt hiệu quả cao. Đơn cử như xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân có 800 hộ, với trên 3.350 khẩu, trong đó, đồng bào DTTS chiếm đến 90%. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến trên 70 %;. Trước kia, mỗi vụ, địa phương chỉ đưa vào gieo trồng từ 50 – 80ha lúa, tùy vào điều kiện thời tiết nên sản lượng bấp bênh, bà con thường thiếu ăn giáp hạt. 

Trong những năm gần đây, nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật trông lúa nước, hỗ trợ giống lúa năng suất, chất lượng cao, đã giúp người dân xã Phú Mỡ giải quyết được bài toán thiếu lương thực vào mùa giáp hạt, chủ động phát triển kinh tế, vươn lên ổn định đời sống.

Những vụ lúa nước bội thu ở miền núi Phú Yên
Những vụ lúa nước bội thu ở miền núi Phú Yên

Hay như Ea Lâm là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, với hơn 90% dân số là người đồng bào DTTS. Đầu năm 2022, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng lúa nước. Nhờ vậy, lần đầu tiên bà con đồng bào DTTS ở Ea Lâm đón nhận niềm vui mùa lúa mới. Không dấu nổi niềm vui, Ma Phốt ở buôn Bai cho hay: Trước giờ, mình chỉ biết trồng lúa rẫy, nhờ nước trời, năm nào cũng thiếu đói giáp hạt. Nay trồng được lúa mới, thu hoạch được nhiều nên mình vui lắm, không sợ đói nữa.

Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh chia sẻ: Mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, nhưng để ổn định lương thực, ổn định đời sống người dân vùng đồng bào DTTS, huyện đã đầu tư nhiều công trình, trong đó có trạm bơm Ea Lâm 2. Công trình được xây dựng từ năm 2020, khánh thành năm 2022 với công suất tưới bảo đảm cho hơn 70 ha lúa hai vụ. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng, khai thác hiệu quả cây lúa nước ở các vùng đặc biệt thiếu diện tích lúa nước để ổn định đời sống người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Hiện nay, phát triển lúa nước ở vùng đồng bào DTTS vẫn là chương trình lớn của tỉnh Phú Yên để bảo đảm an ninh lương thực tại khu vực còn nhiều khó khăn này. Các cấp chính quyền cũng kỳ vọng, cây lúa nước sau khi “ăn sâu, bám rễ“ ở miền núi không chỉ giải quyết bài toán an ninh lương thực cho nông dân, mà còn trở thành cây hàng hóa giúp họ có thêm thu nhập.