Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sắc màu no ấm ở bản người Cống

Hoàng Khánh - 12:20, 27/02/2022

Hơn 60 năm kể từ ngày đồng bào Cống chính thức về định cư lập bản ở Nậm Kè (xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), đến nay những khó khăn đã dần đi qua, thay vào đó là những sắc màu mới của sự ấm no. Màu xanh tươi của những dải ruộng nương, lúa nước đang kỳ mạ non trên đất khai hoang; ánh sáng từ nguồn điện lưới quốc gia kéo đến từng ngôi nhà nối gần hơn bản vùng biên giới Nậm Kè với người dân vùng thấp.

Người Cống ở Nậm Kè hôm nay đã có cuộc sống no ấm, theo đó trẻ em cũng được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn
Người Cống ở Nậm Kè hôm nay đã có cuộc sống no ấm, theo đó trẻ em cũng được quan tâm, chăm sóc chu đáo hơn

Chúng tôi men theo con đường rải cấp phối dẫn từ trung tâm xã Nậm Kè vào bản Nậm Kè khi buổi sáng còn mờ sương. Nắng ấm của buổi sáng đầu xuân tỏa xuống những đám ruộng trồng lúa nước đã bén rễ, trổ lên xanh mơn mởn. Từng tốp, từng tốp người đi chăm lúa đang nói cười vui vẻ…

Trước kia, cũng bởi quá trình du canh, du cư khai phá những cánh rừng, vạt nương nên người dân Nậm Kè chỉ quen làm nương, trồng cây đất dốc. Quá trình an cư về sau, đồng bào dân tộc Cống đã tự học hỏi cách khai hoang ruộng nước với diện tích nhỏ. Thấy lúa nước cho năng suất cao hơn, họ mách bảo nhau kinh nghiệm, đổi công nhau đi khai phá mở rộng diện tích, làm mương dẫn nước về trồng lúa. Thêm vào đó, khi Nhà nước hỗ trợ chia đất, kinh phí, hệ thống tưới tiêu, cả bản cùng thuê máy móc đến mở ruộng. Với đa số người dân bản Nậm Kè, dù là lần đầu tiếp cận trồng lúa nước nhưng họ đã không ngại đầu tư, dám nghĩ, dám làm. Nhiều nhà bán trâu bò, vay thêm tiền ngân hàng để thuê máy khai hoang, như gia đình anh Hù Văn Dẹp, Chảo Văn Du…

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, những bản làng của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên đã có nhiều khởi sắc
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, những bản làng của đồng bào dân tộc Cống ở Điện Biên đã có nhiều khởi sắc

Trong căn nhà mới cất dựng dịp cuối năm ngoái, anh Chảo Văn Du, bản Nậm Kè vẫn đang rất phấn khởi, song cũng không quên kể lại quãng thời gian khó khăn của 2 vợ chồng khi mới được tách hộ và lòng quyết tâm xóa nghèo từ hai bàn tay trắng.

Anh Du bảo, để có vốn làm ăn, anh đã bán 1 con bò rồi vay ngân hàng 30 triệu đồng, tất cả đầu tư vào khai hoang 3.000m2 ruộng bậc thang. Sau đó, anh tiếp tục thuê máy móc khai hoang gần 4.000m2 trên diện tích nương khác của gia đình; đồng thời đào 3 ao cá, thả gần 3 triệu đồng tiền cá giống các loại. Nhờ chịu khó làm ăn, ham học hỏi kiến thức chỉ sau mấy năm tách hộ, gia đình anh Du đã đủ điều kiện dựng ngay căn nhà sàn trên nền đất mới. Hiện, căn nhà là nơi trú ngụ của 6 khẩu trong gia đình.

Anh Du chia sẻ: "Trước đây ông bà, cha mẹ khi tách hộ ra phải ở lều, ở lán cả chục năm mới đủ điều kiện dựng nhà. Nay cuộc sống khấm khá hơn, tách hộ ra với sự giúp đỡ của anh em, bà con trong bản nên việc dựng nhà thuận lợi hơn xưa, có căn nhà rồi sẽ yên tâm lao động sản xuất, nuôi con cái ăn học."

Không riêng gia đình anh Du, đợt cuối năm ngoái trong bản Nậm Kè còn tới 4 gia đình khác cũng dựng và hoàn thiện nhà mới kịp đón Tết Nhâm Dần. Anh Lò Văn Thắng, Trưởng bản Nậm Kè cho biết: "Những năm gần đây, cuộc sống của bà con trong bản khấm khá hơn trước, nên năm nào cũng có gia đình dựng nhà mới hoặc sửa lại nhà. Kinh tế của bản phát triển vững hơn so với trước. Cả bản hiện đang canh tác trên diện tích gần 30ha lúa nước và đất nương. Người dân tích cực chăn nuôi đại gia súc trâu, bò. Ngoài ra, bà con dân tộc Cống trong bản còn nhận khoanh nuôi bảo vệ 30ha rừng, một số người dân còn tham gia trồng cây cao su… Nhờ vậy mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong bản giảm từ 3-5%. Các điều kiện về y tế, giáo dục được quan tâm, chất lượng cuộc sống không ngừng nâng lên".

Đồng bào Cống bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
Đồng bào Cống bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

Đến Nậm Kè hôm nay có thể cảm nhận rõ cuộc sống của đồng bào Cống đã đổi thay. Bên cạnh nội lực vươn lên của người dân, chính sách đầu tư của Nhà nước là bước đệm quan trọng tạo ra sự phát triển bền vững cho tộc người nơi đây. Hiện nay, 100% số hộ trong bản đã có điện thắp sáng, không còn hộ phải ở nhà tạm, dột nát. Hằng năm, các hộ còn được Nhà nước hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi.

Ngồi trước màn hình tivi 32 inch bắt được hàng chục kênh truyền hình khác nhau, già làng Hù Văn Sẩm không khỏi xúc động và nhắc nhở con cháu rằng: Dòng điện lưới quốc gia đã về bản không chỉ thắp sáng từng ngôi nhà, cho mọi người thuận tiện hơn trong sinh hoạt, sản xuất mà cũng từ đây điện sẽ “thắp sáng” cả dân trí, nâng cao hiểu biết cho con cho cháu qua những phương tiện thông tin đại chúng, qua tin tức thời sự, các tiến bộ khoa học kỹ thuật...

Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé cho biết: "Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng các cấp trong tỉnh, cuộc sống của đồng bào Cống đã từng bước được cải thiện. Đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo, khi người dân dân tích cực canh tác lúa nước, giảm diện tích lúa nương. Điều vui mừng là 100% các hộ đều đã có đất sản xuất, có nhà cửa kiên cố, không phải lo cảnh nhà tranh tre vách đất tạm bợ như trước. Hệ thống giao thông liên bản được nâng cấp. Học sinh trong độ tuổi đến trường được đi học và thụ hưởng các chính sách về giáo dục. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tăng cường, toàn bộ trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai được hỗ trợ về tiền và dinh dưỡng.

Đặc biệt, bản Nậm Kè đã khôi phục đội văn nghệ để biểu diễn trong dịp lễ hội, các sự kiện diễn ra tại huyện. Hằng năm, bà con đều tổ chức Tết hoa mào gà truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cống.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.