Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Cây vầu đắng trên vùng đất Yên Khương

Quỳnh Trâm - 17:16, 24/03/2021

Xã Yên Khương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), có 7km đường biên giới, có 9 thôn, bản với 5.250 khẩu, hầu hết là đồng bào Thá sinh sống. Đất đai cằn cỗi, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Một thời gian dài, chính quyền, người dân loay hoay với việc trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với đồng đất, tập quán canh tác của đồng bào để thoát nghèo.


Mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu tại xã Yên Khương giúp người dân vươn lên thoát nghèo
Mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu tại xã Yên Khương giúp người dân vươn lên thoát nghèo

Nhận diện cây thoát nghèo

 Từ nỗ lực của chính quyền, cán bộ chuyên ngành, sự chủ động vươn lên của người dân, cây vầu đắng qua thời gian trồng thử nghiệm, trở thành cây trồng “cứu cánh”, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.

Những ngày đầu tháng 3, khi tiết trời vẫn còn là mùa xuân là thời điểm, các gia đình ở Yên Khương đang vào vụ thu hoạch măng vầu. Chúng tôi đến thăm rừng vầu của gia đình ông Hà Văn Quỳnh, ở thôn Chí Lý, là một trong những hộ trồng vầu đắng hiệu quả. Hiện tại, gia đình ông có khoảng 4 ha vầu đắng, trong đó có nhiều diện tích vầu đã cho thu nhập.

“Từ khi bắt đầu trồng, hằng ngày tôi đều thăm rừng để theo dõi vầu sinh trưởng, cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận đúng quy trình, nhờ vậy mà mỗi bộ vầu có tỷ lệ sinh măng mỗi lứa từ 5-7 cây. Mỗi lần thu hoạch măng cũng đạt khoảng vài chục triệu đồng. So với loại cây trồng khác, thì cây vầu rất hợp với vùng đất này, lại có thể thu hoạch quanh năm nên bà con trong xã đang tập trung phát triển cây này ", ông Quỳnh phấn khởi thông tin.

Tương tự gia đình chị Lữ Thị Bảy, ở bản Bôn, xã Yên Khương cũng đang có thu nhập cao từ trồng vầu.

Để hiểu thêm về cây vầu trước khi đầu tư trồng, chị Bảy còn sang huyện Quan Sơn để học kinh nghiệm ươm trồng, chăm sóc. Đặc biệt, nhờ chăm chỉ học hỏi, nắm bắt thị trường, ngoài việc khai thác các sản phẩm từ cây vầu để bán, gia đình chị còn đầu tư ươm giống bán cho các hộ có nhu cầu trên địa bàn.

Chị Bảy cho biết, trung bình một mầm cây vầu gia đình chị bán với giá 8.000 đồng, mỗi đợt ươm giống, xuất bán từ 3.000-5.000 cây giống, thu về từ 24-40 triệu đồng. Thu nhập bình quân của gia đình chị đạt 120 triệu đồng/năm, chị còn tạo việc làm cho 20 nhân công là người địa phương, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. 

Hiệu quả thấy rõ

Theo ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khương, nhận thấy tính khả thi về kinh tế từ cây vầu, năm 2018, xã Yên Khương đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng các mô hình trồng rừng thâm canh cây vầu, với mục tiêu giảm nghèo. Theo đó, từ nguồn vốn Chương trình 30a, CT 135 xã triển khai trồng thử nghiệm thâm canh 22 ha, với 24 hộ dân là hộ nghèo, cận nghèo và một vài hộ vừa thoát nghèo tham gia, phân bổ ở cả 3 thôn; trồng thâm canh vầu theo Chương trình 135 là hơn 24 ha, phân bổ 5 thôn.

Đáng phấn khởi, các hộ tham gia trồng thử nghiệm đều đã thoát nghèo. Qua đó, đưa mức thu nhập từ 8 triệu đồng/người/năm (năm 2010) lên 20 triệu đồng/người/năm (năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,17%.

Theo Phó chủ tịch xã Vi Văn Thu, sau thời gian trồng thử nghiệm địa phương nhận thấy, đây là loại cây trồng khỏe, không tốn công chăm sóc; có tỷ lệ sống trên 90%, ít bị sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương và có thể thu hoạch quanh năm, lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, ngô, khoai sắn...

“ Với giá khai thác vầu đắng là 170.000 đồng/100kg. Một ngày, bình quân hai vợ chồng có thể khai thác 200-300kg, mang lại thu nhập từ 600.000 đến 700.000 đồng/ngày. Đặc biệt, từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm, 1ha vầu cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, thời gian thu hoạch dài tới 40 đến 50 năm”, ông Vi Văn Thu thông tin.

Từ hiệu quả kinh tế mà cây vầu mang lại, xã đã vận động đồng bào tham gia chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng vầu; khuyến khích nhân rộng các mô hình điển hình. Để nâng cao giá trị cây vầu, cũng như thị trường đầu ra, trên địa bàn xã Yên Khương cũng đã thành lập được 2 hợp tác xã, với gần 50 thành viên là các hộ gia đình tham gia, nhằm tổ chức sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây vầu đắng.

Hiện toàn xã Yên Khương có 450 ha vầu đắng, trong đó, hơn 337 ha là diện tích vầu từ các chương trình dự án và 250 ha là diện tích vầu tự nhiên của bà con. Địa phương đang tiếp tục phát triển và mở rộng mô hình trồng vầu, phấn đấu nhận rộng đến hơn 1000 ha cây vầu đắng trên toàn xã.