Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Trên những cánh đồng sau lũ…

Thanh Nguyễn - 17:02, 05/01/2021

Dẫu nhiều thửa ruộng vẫn đang bị bùn đất vùi lấp, dẫu cho con giống, cây trồng mới chưa biết nhìn từ đâu… nhưng người dân vùng lũ miền Trung đã sẵn sàng cho một vụ sản xuất mới, với ước vọng về một mùa màng bội thu...

Quảng Trị huy động máy móc tổng lực dọn đất cát vùi lấp ruộng đồng chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2021
Quảng Trị huy động máy móc tổng lực dọn đất cát vùi lấp ruộng đồng chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2021

Hối hả xuống đồng

Hai tháng sau trận lũ lịch sử, ruộng nhà ông Trần Văn Đỉnh, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vẫn đang bị bùn đất vùi lấp. Không thể ngồi yên khi vụ sản xuất đông xuân đã cận kề, ông Đỉnh cùng người thân phăm phăm xuống ruộng hối hả đắp bờ, be thửa. Rét cắt da, những đôi tay trần tím tái, ông Đỉnh và người nhà chẳng mấy bận tâm. “Chỗ thuận lợi thì thuê máy san gạt, nơi nào máy móc khó vào, chúng tôi mới làm thủ công. Nhà tôi đang cố gắng hoàn thành khâu làm đất để kịp mùa vụ, chỉ lo thiếu giống và chi phí sản xuất thôi”, ông Đỉnh nói trong hơi thở gấp.

Về Quảng Trị những ngày này, khắp đồng trên bãi dưới, tiếng máy rền vang như một đại công trường. Tiếng máy xúc, máy ủi gầm rú cả ngày trên những cánh đồng, để thu dọn phần đất còn bồi lấp do lũ lụt. Những chiếc máy cày cũng tấp nập nối nhau làm đất từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, mưa lũ khiến hơn 1.600 ha đất lúa bị đất cát vùi lấp. Để có mặt bằng sản xuất, phải tốn rất nhiều công sức và chi phí mới có thể khôi phục được. Ông Đồng cho biết: Tỉnh đang huy động nhiều máy móc, lực lượng ra quân để cải tạo lại ruộng đồng, kịp thời cho vụ sản xuất đông xuân sắp tới. Thời gian rất gấp nên khâu làm đất đang rất khẩn trương.

Cùng nỗi khổ, nông dân Quảng Bình cũng đang nỗ lực lấy lại những cánh đồng màu mỡ đã bị lũ lụt vùi lấp. Các thửa ruộng trông như một đầm lầy cạn nước, trơ ra một lớp bùn non đặc quánh, có nơi sâu gần 1m. Thật khó để tưởng tượng rằng, trên những thửa ruộng ngập dày bùn đất, nông dân sẽ sản xuất ra sao.

Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 120ha ruộng các loại bị “xóa sổ” do mưa lũ; một phần ba trong số đó rơi vào xã Hưng Trạch thuộc huyện Bố Trạch. Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch kể khổ: “Hơn 26ha đất ruộng lúa và hoa màu của xã bị bùn đất vùi lấp sau lũ, rất khó khăn cho sản xuất”. Cũng theo ông Sơn, chính quyền địa phương đang chỉ đạo các lực lượng và người dân tích cực xuống đồng “cứu” ruộng, kịp thời sản xuất mùa vụ...

Sau lũ, việc khôi phục sản xuất đã được làm ngay. Những giống ngắn ngày, cho năng suất cao, phù hợp thổ nhưỡng đã được gieo xuống; những vật nuôi cần ít thời gian như gà, vịt cũng đã được tái đàn. Nông dân vùng lũ đang khấp khởi khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa, sẽ cho thu hoạch.

Dồn lực cho vụ đông xuân

Song song với ổn định sản xuất ngay sau lũ, rất nhiều địa phương đã dồn lực cho sản xuất vụ đông xuân. Bởi đây đang là vụ sản xuất chính, làm một vụ ăn cả năm do vụ hè thu ít sản xuất, vì không chủ động tưới tiêu hoặc dễ bị ngập úng.

Chuẩn bị cho vụ sản xuất sắp tới, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực đảm bảo đủ nguồn giống; cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp; sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi; sửa chữa hạ tầng nghề nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, Quảng Trị cũng dự kiến bố trí khoảng 128 tỷ đồng để khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp sau lũ; trong đó tập trung hỗ trợ nông dân giống cây trồng, vật nuôi, cải tạo mặt bằng đồng ruộng, tái đàn lợn, khắc phục các hệ thống thủy lợi.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị thông tin: Trước mắt, tỉnh cần khoảng 2.000 tấn giống lúa, 80 tấn ngô, hơn 20 tấn rau các loại. Ngoài ra, bà con nông dân cũng cần giống để trồng 10.500ha sắn, 3.000ha lạc. Về lâu dài, tỉnh huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững.

Những diện tích đất sản xuất lúa bị bùn đất vùi lấp đang được các địa phương lên phương án khắc phục. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe cho hay: với diện tích đất lúa bị vùi lấp sâu từ dưới 15cm – 30cm, thu dọn đất cát bồi lấp rồi dùng vôi và chế phẩm vi sinh để cải tạo đồng ruộng. Ruộng bị vùi lấp sâu trên 30cm, sau cải tạo và xử lí sẽ lên luống cao để chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu, ngô, lạc.

Trước thực tế khó khăn ở các tỉnh miền Trung, 2.340 tấn giống lúa; 500 tấn hạt giống ngô, 40 tấn hạt giống rau đã được Chính phủ cấp không thu tiền cho bà con nông dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Màu xanh đã trở lại ở vùng rốn lũ xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh
Màu xanh đã trở lại ở vùng rốn lũ xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

Ngay tại Quảng Bình, những diện tích đất lúa bị vùi lấp cũng được các địa phương lên phương án xử lý. Tuy nhiên, khó khăn đối với các nông hộ cũng như các địa phương, là thiếu kinh phí thực hiện. Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, ngành nông nghiệp đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ giúp dân có ruộng bị bùn đất vùi lấp. 

Ông Minh chia sẻ: “Có hai phương án để người dân chuyển đổi diện tích đất bùn bị vùi lấp sang trồng hoa màu khác. Những diện tích ruộng lúa bị bùn đất vùi lấp sâu sẽ để người dân đào ao nuôi cá. Còn những diện tích ruộng màu bị lấp sẽ tiến hành trồng thử nghiệm cây bí”...

Được biết, để hỗ trợ bà con nông dân sản xuất kịp thời vụ đông xuân 2020 - 2021, các tỉnh miền Trung đã phát động ra quân làm thủy lợi, vệ sinh rác, gia cố kênh mương, đắp bờ vùng bờ thửa… Một khí thế sản xuất hồ hởi, khẩn trương đang diễn ra ở nơi mà hơn hai tháng trước còn chìm sâu trong lũ dữ. 


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.