Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Chấn chỉnh việc “vệ sinh” đường bằng thuốc diệt cỏ

PV - 11:31, 08/07/2019

Thay vì dùng máy phát cỏ phát quang dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ thì những ngày gần đây, nhân viên của các đơn vị phụ trách việc phát quang hành lang đường giao thông ở Đăk Lăk, Kon Tum lại dùng thuốc diệt cỏ để “vệ sinh” hành lang đường giao thông gây ảnh hưởng đến môi trường và những người dân sống bên đường.

Người dân phản ánh hành lang Quốc lộ 24 đoạn qua xã Hiếu bị xịt thuốc cỏ. Người dân phản ánh hành lang Quốc lộ 24 đoạn qua xã Hiếu bị xịt thuốc cỏ.

Anh A Mấc, thôn Vi Glơng, xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum phản ánh: Đầu tháng 6, anh đi làm về thì nhìn thấy một người đàn ông lạ đeo bình thuốc xịt cỏ 2 bên đường Quốc lộ 24, đoạn qua địa bàn thôn. Hết bình, anh này lại xuống suối tiếp tục pha thuốc để phun tiếp, mùi thuốc bay khắp nơi. Trong thôn, rất nhiều gia đình chăn nuôi trâu, bò thường cho gia súc ra vệ đường ăn cỏ, nếu ăn phải cỏ đã bị thuốc này thì rất nguy hiểm.

Ngày 18/6, tại buổi tiếp xúc cử tri với Đại biểu Hội đồng Nhân dân, nhiều người dân thôn Vi Glơng đã phản ánh, việc Công ty Cổ phần xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum sử dụng thuốc diệt cỏ 2 bên Quốc lộ 24 đoạn qua thôn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc để ngăn chặn việc phun thuốc.

Ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết: nhận được phản ánh của người dân thôn Vi Glơng, xã đã mời đại diện Hạt Quản lý Quốc lộ 24, đơn vị trực tiếp quản lý Quốc lộ 24, thuộc Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông đến làm việc. Đơn vị này thừa nhận, có phun thuốc diệt cỏ dọc Quốc lộ 24 và viết cam kết không để công nhân phun thuốc diệt cỏ dọc Quốc lộ 24 khi tiến hành phát quang.

Theo ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý công trình giao thông Kon Tum, Quốc lộ 24 có chiều dài 100km. Kinh phí phát quang lấy từ nguồn kinh phí bảo trì của Quốc lộ 24. Số tiền bảo trì được cấp mỗi năm trên một km đường ở Quốc lộ 24 là 25 triệu đồng. Công ty ý thức được nếu sử dụng thuốc diệt cỏ để phát quang cỏ 2 bên đường sẽ hủy diệt và tác động đến môi trường nên cấm tuyệt đối nhân viên không được sử dụng thuốc diệt cỏ để phát quang.

“Về việc thông tin công nhân phun thuốc diệt cỏ khi phát quang, ông Thanh nói, do công nhân của Hạt Quản lý Quốc lộ 24 tự ý làm. Công ty sẽ yêu cầu công nhân phun thuốc diệt cỏ kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, ông Thanh cho biết.

Không chỉ dùng thuốc cỏ dọn “vệ sinh” Quốc lộ 24 đoạn qua xã Hiếu mà đoạn qua xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng trong tình trạng tương tự, cỏ cháy, chết trắng dọc hai bên đường. Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: tuyến Quốc lộ 24 qua địa bàn xã khoảng 7km.

Theo phản ánh của người dân địa phương thì khoảng 20 ngày trước, có người xịt thuốc diệt cỏ hai bên đường làm cỏ úa dần và chết cháy. Xã đã khuyến cáo người dân nếu phát hiện có việc phun thuốc diệt cỏ 2 bên quốc lộ thì không được cho gia súc ăn, đồng thời báo cáo cho chính quyền để có hướng xử lý. Như vậy, không chỉ có một đoạn đường, mà nhiều địa điểm khác thuộc Quốc lộ 24 cũng phát quang bằng thuốc diệt cỏ.

Mới đây, người dân TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk cũng phát hiện dọc tuyến đường tránh phía Tây thành phố và khu vực khuôn viên tam giác phía trước Trạm dừng nghỉ (Bến xe) phía Nam thành phố cũng có dấu hiệu dùng thuốc diệt cỏ để phát quang hành lang đường giao thông.

Theo quan sát, khuôn viên trước trạm dừng nghỉ phía Nam TP. Buôn Ma Thuột và 2 bên đường tránh phái Tây thành phố cỏ cháy vàng do thuốc diệt cỏ. Thậm chí, nhiều đoạn đường nhà dân ở sát bên cạnh. Nhiều người dân cho rằng, công nhân thường phun vào ban đêm nên không kịp thời phát hiện để ngăn chặn, chỉ khi cỏ chết cháy người dân mới biết.

Việc phun thuốc diệt cỏ thay cho phát dọn bằng tay, máy cắt cỏ sẽ lợi công và chi phí rất nhiều… Tuy nhiên, tác hại của việc này đã thấy rõ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nguồn nước, sức khỏe người dân và chăn nuôi gia súc. Thực trạng này rất cần được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nghiêm khắc, chấn chỉnh việc làm này đến các đơn vị được giao quản lý bảo trì…

LÊ HƯỜNG - THÙY DUNG

Tin cùng chuyên mục
Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Lào Cai: Hàng trăm hộ dân không có sổ đỏ khi đang sinh sống trên đất thổ cư- Trách nhiệm thuộc về ai ?

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai rất bức xúc khi mảnh đất thổ cư mà gia đình họ sinh sống bao đời nay, không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sau thời gian dài cơ quan chức năng thu hồi để thực hiện dự án chuẩn hóa hồ sơ địa chính.