Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Chàng trai Cơ Ho với thương hiệu cà phê Chư Mui

Thảo Linh - 08:02, 08/12/2024

Với mong muốn đưa hương vị cà phê Arabica đặc trưng của vùng đất huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được nhiều người biết đến, đồng thời tạo môi trường giúp nông dân địa phương phát triển bền vững cây trồng này, gần 4 năm nay, anh Liêng Jrang Ha Hoang, dân tộc Cơ Ho, ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương dành trọn tâm sức của mình, xây dựng, phát triển thành công thương hiệu cà phê sạch Chư Mui.

Anh Liêng Jrang Ha Hoang làm nên thương hiệu cà phê sạch Chư Mu.
Anh Liêng Jrang Ha Hoang làm nên thương hiệu cà phê sạch Chư Mu

Hơn 2 năm nay, quán cà phê nhỏ mang tên Chư Mui của anh Liêng Jrang Ha Hoang ở xã Lát, huyện Lạc Dương được nhiều người yêu thích. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức hương vị thơm ngon của cà phê rang xay truyền thống mà còn được tham quan cơ sở chế biến cà phê sạch của ông chủ người Cơ Ho này. Mặc dù cơ sở chế biến không quá rộng, nhưng đó là nơi anh Ha Hoang bỏ ra rất nhiều tâm huyết để thực hiện ước mơ của mình. Quá trình sản xuất cà phê sạch rất khắt khe, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng trong từng công đoạn. Trải qua nhiều lần thất bại, hiện nay Ha Hoang đã thành công trong việc sản xuất và tạo ra thương hiệu cà phê sạch Chư Mui của riêng mình.

“Trước kia, mình phát triển cà phê theo lối truyền thống như bà con thôi. Nhưng gần đây, mình học hỏi, áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân, thu hái. Mình đam mê làm cà phê sạch nên năm 2022, gia đình mình đã xây dựng thương hiệu cà phê sạch Chư Mui. Năm 2023, cà phê Chư Mui được công nhận OCOP. Để sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ thì rất khó khăn trong khâu chăm bón, áp dụng kỹ thuật. Mình đã được cán bộ hỗ trợ để tiếp cận kỹ thuật. Sau khi thành công, mình hướng dẫn lại cho bà con trong buôn cùng liên kết với mình để phát triển mô hình này”, Ha Hoang chia sẻ.

Sản xuất cà phê sạch phải bắt đầu từ nguyên liệu sạch. Năm 2020, anh Ha Hoang đã chuyển đổi hoàn toàn kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cà phê theo phương thức hữu cơ, sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ha Hoang tận dụng nguồn phân chuồng, vỏ cà phê, những phụ phẩm nông nghiệp ủ làm phân bón cho cà phê. Cách chăm sóc này ngoài đảm bảo môi trường, lại tăng chất dinh dưỡng, tạo tơi xốp cho đất, giảm sâu bệnh, nên cà phê phát triển tốt. Bình quân một ha cà phê đạt khoảng 3 tấn nhân, việc thu hoạch cà phê phải đảm bảo thu hoạch được 100% quả chín và chất lượng.

Thu hoạch cà phê của thương hiệu cà phê sạch Chư Mu.
Thu hoạch cà phê của thương hiệu cà phê sạch Chư Mu

Nhằm mở rộng quy mô của cơ sở sản xuất cà phê sạch Chư Mui, anh Ha Hoang chủ động liên kết với các hộ dân trong buôn, làng phát triển thành Tổ hợp tác cà phê sạch, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu mua sản phẩm cà phê sạch cho người dân địa phương với giá thành cao, ổn định. Cà phê sản xuất hữu cơ của hơn 20 hộ dân tham gia liên kết sản xuất cà phê sạch đạt năng suất trung bình 2,8 tấn nhân/ha. Sản phẩm cà phê hữu cơ cũng được thu mua với giá cao hơn cà phê truyền thống là 150.000 đồng/kg, giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập khoảng 420 triệu đồng/ha/năm.

Anh Y Cường, một trong những hộ liên kết với cà phê sạch Chư Mui cho biết: “Trước đây, mình canh tác theo kiểu truyền thống. Mình chỉ trồng và bán cho thương lái, giá thành thấp. Sau này, anh Hoang ở địa phương làm cà phê sạch, mình cũng nhận thấy hiệu quả khi tham gia mô hình nên đã mạnh dạn tham gia cùng anh Ha Hoang. Mình thấy tham gia như này, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn cách làm truyền thống trước đây”.

Cà phê được ví như “hạt ngọc” giúp nông dân Tây Nguyên phát triển bền vững.
Cà phê được ví như “hạt ngọc” giúp nông dân Tây Nguyên phát triển bền vững

Ông Ha Hoang là nông dân tiêu biểu của địa phương đã áp dụng thành công khoa học - kỹ thuật cao vào sản xuất cà phê sạch Chư Mui. Ha Hoang không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định bền vững cho bà con DTTS nơi đây”.



Ông Cil Ha JonhPhó Bí thư Đảng ủy xã Lát

Sau nhiều năm nỗ lực vượt khó của ông chủ người Cơ Ho - Liêng Jrang Ha Hoang, thương hiệu cà phê sạch Chư Mui đã tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Năm 2022, sản phẩm cà phê rang xay Chư Mui được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được xuất bán ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Sự thành công của cà phê sạch Chư Mui cũng đang mở ra hướng phát triển cà phê bền vững cho địa phương này.

Những hạt cà phê Arabica ngon nhất, sạch nhất được nông dân xã Lát tuyển chọn để Ha Hoang làm nên hương vị đặc trưng cho cà phê Chư Mui, là thức uống làm hài lòng những khách hàng khó tính. Đây là cách làm nhằm phát triển bền vững loại cây trồng truyền thống, vừa là cách để Liêng Jrang Ha Hoang và những nông dân Cơ Ho quảng bá thương hiệu cà phê sạch của buôn làng mình dưới chân núi Chư Mui đến mọi miền đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Tuyên Quang siết chặt quản lý nuôi động vật hoang dã

Tuyên Quang siết chặt quản lý nuôi động vật hoang dã

Những năm gần đây, ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang đã siết chặt công tác quản lý các cơ sở nuôi động vật hoang dã, qua đó góp phần hạn chế tình trạng hợp thức hoá đối với động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên thông qua việc mua bán, vận chuyển, săn bắt trái pháp luật.